SÁCH HAY THỐNG KÊ

Bài 3: Những “Đại sứ văn hoá”

2024-12-21 11:57:05

Ở đâu có sinh viên Việt Nam, ở đó sẽ có màu áo cờ đỏ sao vàng và tà áo dài duyên dáng, có hương vị trà xanh và cà phê Việt Nam… Ở đó, hai tiếng “Việt Nam” luôn vang lên đầy tự hào.

Hằng năm, khi tháng Tư về, Trương Yến Nhi cùng các du học sinh Việt Nam tại Học viện quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) lại chuẩn bị chương trình “Ngày văn hóa Việt Nam tại MGIMO”. Đây là sự kiện được mong chờ và trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa các sinh viên Việt Nam, Nga và quốc tế, đặc biệt là các sinh viên đang học tiếng Việt tại Nga.

Tuổi trẻ Việt Nam xung kích, sáng tạo tại Liên bang Nga.

Quá trình chuẩn bị tổ chức chương trình được Nhi và các bạn khởi động trước sự kiện 1-2 tháng. Chương trình gồm 5 phần: hội thảo, hội chợ và triển lãm, đố vui, văn nghệ và ẩm thực. Là sự kiện thường niên từ năm 2015 nên công tác chuẩn bị, từ lên ý tưởng nội dung, tổ chức triển lãm, danh sách khách mời… đều được Ban tổ chức tiến hành một cách bài bản. Theo Nhi, điều khó nhất chính là làm sao để nội dung Ngày hội văn hoá luôn được đổi mới hàng năm, giới thiệu đa dạng văn hoá Việt Nam và tiếp tục mang lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị và bổ ích.

Hội thảo với chủ đề “Việt Nam trước những thách thức của thế kỷ 21: Nhận thức mới về quan hệ Việt – Nga” đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả kỳ cựu của Nga; Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Bộ Phát triển Kinh tế Nga, các viện nghiên cứu, cũng như đông đảo các sinh viên, nghiên cứu sinh Nga nghiên cứu về Việt Nam.

Chương trình văn nghệ và võ thuật cổ truyền Việt Nam đã thu hút được đông đảo khán giả là sinh viên Việt Nam và Nga. Các tiết mục được thể hiện với các hình thức đa dạng từ hát đơn ca, song ca, tốp ca, múa. Trong đó, có nhiều tiết mục do sinh viên Nga trình diễn. Elizaveta Gimbut, sinh viên MGU, bày tỏ niềm hạnh phúc sau khi thể hiện ca khúc tiếng Việt: “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho tiết mục hôm nay, và rất may được mọi người đón nhận nhiệt tình. Sinh viên quốc tế đã có một ngày hội giao lưu rất vui vẻ và bổ ích và được thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam rất ngon”.

Để mang tới cho khán giả chương trình văn nghệ đặc sắc, Ban văn nghệ đã liên lạc mời các bạn sinh viên ở nhiều trường đại học tại Moscow đến biểu diễn, lựa chọn chọn MC cho buổi văn nghệ (1 bạn sinh viên Việt Nam và 1 bạn sinh viên Nga học tiếng Việt). Sau đó, Ban văn nghệ và Ban kỹ thuật cùng phối hợp làm việc để giúp cho các tiết mục biểu diễn được trọn vẹn.

Ngoài Moscow, hàng chục sự kiện giới thiệu văn hoá Việt Nam đã được tổ chức ở khắp các trường đại học của Nga, trên mọi thành phố có sinh viên Việt Nam tại Nga. Có thể kể đến như ngày “Ẩm thực quốc tế” của Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, Lễ hội văn hoá “Cult-Fest” của Đại học Quốc gia Tyumen, sự kiện “Khu vực tình bạn” của Đại học Quốc gia Voronezh”… đưa mang lại cho khán Nga và quốc tế cơ hội thưởng thức nét đẹp văn hoá của “dải đất hình chữ S”.

Ngày văn hóa Việt Nam tại Tyumen.

Anh Lê Văn Khánh (Nghiên cứu sinh năm 3 trường Đại học Bách Khoa St. Petersburg), Bí thư Thành Đoàn cơ sở St. Petersburg chia sẻ: “Ngoài mục đích chính là tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng cho mỗi Đoàn viên sinh viên Việt Nam đang học tập tại St. Petersburg, Đoàn cơ sở còn nhận thức được rằng, mỗi thanh niên Việt Nam du học tại nước ngoài đều chính là “các đại sứ văn hóa” của nước mình, chính vì vậy chúng tôi đã nỗ lực không ngừng và xây dựng được nhiều hoạt động ý nghĩa cho đoàn viên có cơ hội học hỏi giáo dục, giao lưu văn hóa Việt – Nga”.

Đoàn cơ sở St. Petersburg tích cực tham gia, hỗ trợ và đề xuất tổ chức các hoạt động xã hội cùng với chính quyền thành phố St. Petersburg. Tiêu biểu như: hỗ trợ tổ chức hội thảo, triển lãm về văn hóa, lịch sử do chính quyền thành phố tổ chức, các hoạt động tình nguyện (lao động công ích, hiến máu nhân đạo “Để lại những giọt máu tình thương tại đất nước Thanh xuân”, thăm nhà trẻ mồ côi, ủng hộ quần áo cho người vô gia cư), tổ chức Festival văn hóa Việt Nam tại St. Petersburg.

Ngày Văn hóa Việt Nam tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow.

Thành phố Orenburg nằm bên bờ sông Ural, ranh giới tự nhiên giữa châu Âu và châu Á. Mùa hè năm tại tại Orenburg dường như nóng hơn mọi năm khi hơn 500 thanh niên đến từ 63 nước tụ họp về đây để tham gia Diễn đàn Thanh niên Quốc tế Á-Âu (Eurasia Global).

Lò Pa Panh, sinh viên hệ Thạc sĩ tại Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga) là một trong số thanh niên ưu tú đó. Panh cùng 4 bạn sinh viên Việt Nam là Trần Linh Nam (Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov), Nguyễn Thị Hà Giang (Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow), Đặng Vũ Quỳnh Trang (Đại học Nhân văn), Dương Phương Hoa (Đại học Quản lý nhà nước) đã cùng tìm hiểu, bổ sung kiến thức về các vấn đề “nóng” trên thế giới hiện nay. Ngoài hành trang kiến thức, các bạn trẻ không quên mang theo chiếc áo xanh Đoàn Thanh niên, áo cờ đỏ sao vàng và áo dài truyền thống Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các bạn tham dự hội thảo về các chủ đề “Tình nguyện”, “Truyền thông” và “Nghề nghiệp”, tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất nước Nga”, trả lời phỏng vấn talkshow với chủ đề “Ước mơ”, thể hiện ca khúc Kachiusa tại Lễ hội văn hoá. Đồng thời đoàn Đại biểu Việt Nam cũng tham gia trình diễn trang phục truyền thống, mang đến cho đêm diễn hình ảnh đặc sắc về tà áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Du học sinh Việt Nam làm tình nguyện tại Nga.

Chia sẻ về kỷ niệm tham gia Diễn đàn, Lò Pa Panh cho biết: “Trong khuôn khổ Eurasia diễn ra Festival văn hóa. Em đăng ký biểu diễn tiết mục hát “Cô ba Sài Gòn”, tuy nhiên BTC gợi ý em hát bài “Cachiusa” trên nền nhạc (beat) mới. Vì vậy, em chỉ có một ngày để luyện tập, vừa học thuộc lời bài hát, vừa làm quen với beat. Sau buổi duyệt chương trình, em nảy ra ý tưởng hát lời Việt. Em được Ban tổ chức giới thiệu ca sĩ người Nga biểu diễn cùng và chúng em chỉ luyện tập cùng nhau 3 lần trước khi lên sân khấu biểu diễn. Thật may mắn khi tiết mục được thể hiện một cách trọn vẹn”.

Bà Valeria Chernogorodova, đại diện Cơ quan Liên bang Nga về công tác Thanh niên nhận xét: “Thanh niên Việt Nam rất năng động, tự tin... Với sự cầu tiến, ham học hỏi và lòng nhiệt huyết, các bạn chính là điểm sáng cho Diễn đàn năm nay và chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai”.

Nguyễn Khắc Hòa (Nghiên cứu sinh chuyên ngành opera tại Học viện Âm nhạc LB Nga Gnesin) là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên biểu diễn tại lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm”, sự kiện thu hút đông đảo du khách nước ngoài mỗi năm. Trước hàng trăm ngàn khán giả tại Quảng trường Cung điện, trung tâm thành phố St. Petersburg, Khắc Hoà đã biểu diễn tác phẩm nổi tiếng “Biển xanh vô tận” của nhà soạn nhạc Muslim Magomaev.

Nguyễn Khắc Hòa biểu diễn tại Lễ hội Cánh buồm đỏ thắm.

Bà Natalia Ignatenko, Tổng giám đốc Quỹ phát triển âm nhạc Elena Obraztsova cho biết: “Giọng hát nội lực của ca sĩ Khắc Hoà đã chinh phục tôi. Cảm xúc trong bài hát được anh ấy thể hiện một cách chân thật đến người nghe. Khi đến đăng ký tiết mục biểu diễn, nhìn thấy lá cờ Việt Nam tung bay trên Nhà hát cổ điển Hoàng gia Capella, anh ấy đã thốt lên với sự tự hào và hạnh phúc từ trái tim mình”.

Du học sinh Việt Nam luôn là những bạn trẻ không chỉ tài năng, nhiệt huyết mà còn tràn đầy tự tin và khát khao chinh phục các diễn đàn và sân chơi quốc tế. Đó là cơ hội học hỏi những điều tốt đẹp của các nước đề phát triển bản thân, góp phần xây dựng đất nước. Không những thế, đó cũng chính là thực hiện sứ mệnh “ngoại giao nhân dân”, là cơ hội để hai chữ “Việt Nam” được vang lên đầy kiêu hãnh trên đất nước bạn.

Diễn đàn Sinh viên Á - Âu.

Bài: Hoàng Yến

Đồ họa: Tào Đạt

Top