Bài luận "nhạy cảm đặc biệt"
Khôi kể, cuối năm 2015, thì được biết đến học bổng từ Trường Thế giới Liên kết UWC, nhưng thật không may lúc đó đợt tuyển sinh đã khép lại. Cuối năm 2016, khi vừa tìm hiểu được có thông báo tuyển sinh học sinh lớp 12, Khôi liền tức tốc chuẩn bị hồ sơ để tham gia ứng tuyển.
“Hồ sơ cần có là bảng điểm, thư giới thiệu của thầy cô giáo, hoạt động ngoại khóa và 2 bài luận thể hiện được quan điểm cá nhân về những vấn đề trong đời sống xã hội. Lúc đó em đã không ngần ngại chọn viết về giới tính và bất bình đẳng giới”.
Nam sinh chia sẻ: “Bài luận về giới tính em chọn viết về việc xem phim sex ở đối tượng thanh thiếu niên tuổi dậy thì. Thú thật lúc đó em cũng hơi lo, sợ rằng bài luận của mình sẽ không được ủy ban tuyển sinh xét duyệt nhưng thực sự đó là quan điểm của cá nhân em và là điều khiến em rất trăn trở”.
Trong bài viết, Xuân Khôi đã cởi mở nói lên những điều trăn trở của tuổi mới lớn, những tò mò bản năng và những vấn đề về giới tính. Đây là vấn đề khá lạ lùng, bởi vì phim Sex tại Việt Nam và Á Đông nói chung mọi người coi đây là vấn đề tế nhị, nhạy cảm ít được bàn đến trực tiếp.
Nam sinh Ngô Xuân Khôi. (Ảnh: VTC)
Khôi thẳng thắn nói về bài luận “xem phim sex”: “Bản thân em từng trải qua và chứng kiến những bạn bè đồng trang lứa bàn luận về tình dục từ khi mới bắt đầu lứa tuổi dậy thì. Đó là một sự ám ảnh và trăn trở. Bởi đối với đại đa số phụ huynh, thầy cô giáo đều xem tình dục là chuyện nhạy cảm ở lứa tuổi học đường. Họ cấm đoán con em, học sinh của mình tìm hiểu về vấn đề đó. Còn đối với học sinh, bằng sự tò mò, các bạn tự lên mạng xem phim sex, coi đó là cách để các bạn trả lời những câu hỏi mà không được người lớn giải đáp. Nhiều bạn dẫn đến việc lạm dụng phim sex, dẫn đến những suy nghĩ và hành động trở nên lệch lạc, thậm chí để lại những hậu quả nặng nề”.
Khôi cho rằng, hiện nay, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết thì học sinh vẫn sẽ tự mình tìm hiểu, vì lứa tuổi dậy thì vô cùng hiếu kỳ, sẽ tự tìm mọi kênh có được câu trả lời, dễ dẫn đến hậu quả lệch lạc. “Nhiều người bảo dạy về giới tính đối với lứa tuổi học sinh là “vẽ đường cho hươu chạy”, em lại nghĩ “thà vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để hươu chạy tán loạn rồi dẫn đến lạc đường...”, Khôi nói.
Không như sự lo lắng của Khôi, chính bài luận “nhạy cảm đặc biệt” đó đã mang về cho em học bổng trị giá gần 1 tỷ đồng và cơ hội học tú tài quốc tế ở đất nước Costa Rica (đất nước ở khu vực Trung Mỹ).
Ngoài bài luận về “phim sex”, Khôi còn thực hiện 1 bài luận viết về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nội dung bài luận xoay quanh góc nhìn của Khôi về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và Khôi chỉ rõ những mặt tiêu cực của bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình. Cụ thể, là Khôi đặt ra điều băn khoăn tại sao trong các dịp lễ lớn, người phụ nữ luôn là người vào bếp còn đàn ông là người ngồi mâm trên? Qua bài luận, Khôi mong muốn được ngắm nhìn những người phụ nữ tự tin nói về ước mơ, khát vọng của bản thân, chứng kiến người phụ nữ được tỏa sáng, tự do sống đúng với chính mình chứ không phải là gắn với cái “mác” nội trợ, phụ nữ rất đáng được tôn trong và tôn vinh.
Có thể thấy, cả 2 bài luận của Ngô Xuân Khôi đều bắt nguồn từ những trải nghiệm cá nhân hoặc từ những gì thấy được. Chính những điều đó đã được Khôi thể hiện qua khả năng viết lách tạo nên sự chân thật, gần gũi nhất để gửi tới Ủy ban Tuyển sinh.
16 tuổi trở thành thực tập sinh của 1 tổ chức phi chính phủ lớn mạnh
Khôi tham dự tập huấn do Trung tâm ICS và các tổ chức bình đẳng giới từ Mỹ, Canada và Việt Nam thực hiện
Năm 16 tuổi, Khôi từng là thực tập sinh tại Trung tâm ICS - một trong các tổ chức phi chính phủ lớn mạnh nhất tại Việt Nam làm việc về quyền LGBTIQ+. Khôi tham gia vào rất nhiều việc trong thời gian thực tập nhưng công việc chính là hỗ trợ các anh chị ở đây các vấn đề về nội dung và hoặc liên lạc với các bên. Khôi gọi đây là trải nghiệm đầy thử thách và bổ ích vì đó là lần đầu tiên mà cậu được làm trong 1 môi trường chuyên nghiệp như thế. Bên cạnh đó, cậu không quên chia sẻ một cách đầy hào hứng cũng như bất ngờ vì sự thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ từ mọi người ở ICS. Với 1 “đứa trẻ’ 16 tuổi, việc trở thành Thực tập sinh của 1 tổ chức phi chính phủ lớn mạnh là việc gần như không tưởng. Dường như đây cũng là cột mốc quý giá giúp Khôi “bơi ra biển lớn” và điều đó đã trở thành hiện thực ở tuổi 18.
Và sau tất cả, Khôi khẳng định sự thành công của cậu không đơn thuần là những điều mình đã từng trải qua mà: “Em nghĩ quan trọng là ta học được gì sau tất cả. 1 nạn nhân của 1 bất cập nào đó nhưng không thể viết về trải nghiệm của chính mình cũng như chứng minh cho Ủy ban Tuyển sinh thấy được sự trưởng thành và tự nhận thức theo thời gian thì không thể nào thành công được. Ở đây, theo em nghĩ vấn đề không phải là thuyết phục hay không thuyết phục, mà là ta có sẵn sàng mở lòng mình để đón nhận sự thay đổi trong chính bản thân.
An Nhi (t/h)