Thủy sản phát triển bền vững
Xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh – Phú Thọ) có diện tích đất canh tác tự nhiên khoảng 1.237ha, trong đó diện tích đất nuôi trồng thủy sản khoảng 60ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại cá nước ngọt. Theo định hướng phát triển thủy sản, tháng 1/2010 Hợp tác xã Thủy sản Phù Ninh được thành lập nhằm thâm canh nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên.
Với mô hình này xã Phù Ninh đã giao khoán thầu khoảng 32ha mặt nước cho HTX thủy sản Phù Ninh nhận thầu nuôi thả cá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Có thể nói, từ sự phát triển của thủy sản đã bước đầu hình thành vùng khoanh nuôi tập trung, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho công tác thông tin tuyên truyền, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, công tác thú y thủy sản, phòng trừ dịch bệnh và bảo vệ sản xuất.
Một góc ao hồ nuôi thả cá tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi về hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thùy sản, ông Nguyễn Ngọc Đông – Chủ nhiệm HTX thủy sản Phù Ninh cho biết: Hợp tác xã nuôi thả chủ yếu là các loại cá nước ngọt như: cá Trắm đen, cá Chép, cá Trắm cỏ, cá Trôi…mang lại doanh thu và lợi nhuận năm sau đều cao hơn năm trước. HTX đã xây dựng được mối quan hệ khách hàng truyền thống, tạo niềm tin với khách hàng bằng chất lượng con cá. Bên cạnh đó HTX còn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cơ chế cho HTX hoạt động như miễn giảm thuế, đầu tư vốn đắp bờ vùng khu vực đầm của HTX….
Chủ nhiệm HTX thủy sản Phù Ninh Nguyễn Ngọc Đông xác định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới của HTX là: Đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, đa dạng hóa các loại sản phẩm, tập trung nuôi một số loại cá mang hiệu quả kinh tế cao; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, khoanh vùng để thuận lợi cho việc nuôi thả các và quản lý; tích cực vảo vệ môi trường sinh thái đầm ao nuôi thả cá và khu vực xung quanh…
Thức dậy tiềm năng lâm nghiệp
Với lợi thế là xã có nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đường giao thông thuận lợi có nút giao thông IC8 (xã Phù Ninh) nối quốc lộ 2 với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên những năm gần đây nhu cầu cây giống cho trồng cây, trồng rừng tăng cao. Đáp ứng với tình hình thực tế, tháng 6/2015 Hợp tác xã Lâm nghiệp Phù Ninh được thành lập, quy tụ hàng chục xã viên chuyên sản xuất cây giống lâm nghiệp.
Từ khi HTX Lâm nghiệp Phù Ninh thành lập đến nay, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục triệu cây giống các loại, hàng chục vườm ươm cây, sản xuất cây giống lâm nghiệp hình thành. Từ chỗ chỉ gieo ươm sản xuất các loại bạch đàn, keo để trồng rừng bây giờ mở rộng ra các loại xoan, sơn lấy nhựa…
Chia sẻ với chúng tôi về các ươm cây, sản xuất cây lâm nghiệp, ông Nguyễn Tư Tước – xã viên HTX Lâm nghiệp Phù Ninh cho biết: Đối với cây Xoan, bắt đầu cuối thu khi những chùm quả xoan chuyển dần từ mầu xanh sang vàng nhạt là các hộ lựa chọn những cây xoan trắng, giống tốt thu hái, cuối năm gieo ươm, chăm sóc. Sau một năm xoan đạt độ cao 50 – 60 cm là có thể xuất bán được, nhưng ở đây đa số các hộ để xoan đạt độ cao từ 1,2 đến 1,5 m đường kính gốc từ 15-20 cm mới xuất bán.
Gần như hộ nào có vườn ươm cũng sản xuất xoan giống, hộ ít vài ngàn cây hộ nhiều tới cả vạn. Vào dịp từ cuối tháng giêng đến hết tháng hai âm lịch hằng năm dọc QL2 đoạn qua xã Phù Ninh, xoan giống và các loại cây lâm nghiệp khác được bày bán khắp dọc đường. Có người đến chọn mua những bó giống đánh sẵn, có người đặt hàng, dùng xe máy, ô tô đến chở. Người xung quanh đến mua về trồng cũng nhiều, thậm chí cả người ở tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… đánh cả xe ô tô đến mua chở đi.
Một góc vườm ươm cây lâm nghiệp tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh
Còn cây Sơn lấy nhựa, trước đây để trồng sơn người ta phải thu hái quả sơn già về phơi, giã, đến mùa đem gieo trực tiếp vào hốc. Cách làm này vừa mất thời gian, vừa không đảm bảo cây sơn lúc nhỏ dễ bị mưa lấp, côn trùng cắn. Bây giờ với cách ươm cây con trong bầu rất tiện lợi, chất lượng giống đảm bảo.
Ông Nguyễn Tư Tước – Xã viên HTX Lâm nghiệp Phù Ninh chia sẻ kinh nghiệm: Làm vườn ươm không khó chỉ đòi hỏi làm đúng quy trình kỹ thuật và tỷ mỉ. Điều thuận lợi bây giờ là các loại dịch vụ cho nghề ươm cây đều có sẵn từ hạt giống cao cấp như keo lai, bạch đàn ngoại đến túi bầu, thuốc xử lý đều có cả, chỉ yêu cầu người làm có kinh nghiệm và chuyên môn để ứng dụng; trong quá trình sản xuất người làm phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn giống, đến chăm sóc để cây tốt, giá rẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh – Phú Thọ): Để nuổi trồng thủy sản và lâm nghiệp phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng lợi thế vùng, Ủy ban xã kịp thời đề ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản thâm canh, đưa giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất lâm nghiệp, nhằm đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Quang Minh