Chuyện của những tổ ấm Việt - Trung |
Tương thông về văn hoá nhận thức giữa Việt Nam và Trung Quốc: Tài sản quý báu vun đắp tình hữu nghị của nhân dân hai nước |
Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 5, cửa hàng thịt quay Vạn Thành (108 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nườm nượp người xếp hàng. Bà Trang Thị Thủy, chủ quán, thoăn thoắt chặt thịt rồi đặt vào lá chuối, lá dong. Bên cạnh là hai nhân viên người lấy nước chấm, củ kiệu, rồi đựng hàng, nhận tiền…
Bà Thủy cho biết, bà là người kế thừa đời thứ ba của Vạn Thành, cửa hàng chuyên các món thịt quay với hương vị đặc trưng của ẩm thực Trung Quốc. Kể từ khi bà tiếp quản đến nay đã ngót 60 năm. Trước đó, thời cha, ông bà của bà cũng đã kinh doanh hàng chục năm với các món chính là lợn sữa quay nguyên con, ngỗng quay... Sau khi được truyền nghề, bà Thủy làm thêm thịt rọi, dạ dày, lưỡi, chim câu quay... Bà thường tự tay mua nguyên liệu thô gồm hồi, quế chi, đinh hương, thảo quả, cân theo tỉ lệ rồi ra hàng thuê xay. Mỗi ngày, bà chỉ lấy đúng từng cân lạng gia vị để ướp với định lượng thịt tương đương. Bao nhiêu năm bán thịt quay là ngần ấy năm những bí quyết riêng về công thức tẩm ướp thịt, pha nước xốt, muối kiệu của Vạn Thành được người thừa kế sao y bản chính, hương vị không thay đổi.
Bà Trang Thị Thủy, chủ cửa hàng thịt quay Vạn Thành chặt thịt cho khách. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trong hàng người xếp hàng mua thịt quay Vạn Thành có ông Nguyễn Thanh Tân (63 tuổi, ở 25 Hàng Buồm). Ông cho biết, đây là cửa hàng gốc Hoa hiếm hoi còn trụ lại trên phố Hàng Buồm đến giờ. Ông đã ăn thịt quay Vạn Thành từ thời gian khó, thiếu thốn đến nay, hương vị thơm ngon của miếng thịt quay bì giòn, thịt mềm chấm cùng nước sốt màu nâu đỏ sóng sánh vẫn giữ nguyên. Thưởng thức thịt quay ở nhiều nơi song cuối cùng ông vẫn quay về cửa hàng này.
Theo lời kể của ông Tân, hơn 50 năm trước, Hàng Buồm là một trong những con phố có đông người Hoa sinh sống, chủ yếu đến từ Quảng Đông (Trung Quốc), với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ ăn uống.
"Họ mở các cửa hàng bán thịt quay, ca la thầu, xì dầu đậu phụ... Khi đó các nhà ở đây chủ yếu là nhà một tầng, vừa là xưởng thủ công vừa là cửa hàng và nơi sinh hoạt gia đình. Chẳng hạn số 33 Hàng Buồm trước đây là nhà của một người Hoa chuyên làm quẩy, số 24 làm bánh bích quy, kẹp lạc, kẹo sìu (Triều Châu)... Những người Hoa khó khăn hơn thì bán hàng rong như: lục tàu xá, chí mà phù, dầu cháo quẩy...", ông Tân kể.
Hội quán Quảng Đông (nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, Hà Nội) là nơi lưu giữ ký ức người Hoa trong lòng Hà Nội. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Nhà ông Tân cách Hội quán Quảng Đông (nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm) vài bước chân. Hội quán được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông trong quá trình định cư, giao thương buôn bán tại các con phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông... Đây từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người gốc Hoa và cũng là điểm giao dịch, buôn bán… Trong Hội quán thờ Quan Công và Thiên Hậu. Theo lời ông Tân, những ngày lễ, tết, người Hoa thường tụ họp ở Hội quán giao lưu, múa hát. Gần Hội quán là miếu Quan đế (28 Hàng Buồm). Mấy chục năm trước, vào ngày vía của Quan Công (13/1 Âm lịch) và Thiên Hậu (23/3 Âm lịch) thường có đông người Hoa sắm sửa lễ vật đến cúng lễ.
Trong trí nhớ của ông Tân, người Hoa sống tình cảm, tính cố kết cộng đồng cao. Ngày lễ, tết hay mỗi dịp cưới xin, họ thường phát bánh kẹo cho bọn trẻ trong phố. Thuở lên 9, lên 10, ông Tân thường chơi với những đứa trẻ Hoa kiều. Chúng dạy ông nói tiếng Tiều (còn gọi là tiếng Triều Châu, một ngôn ngữ được nói như tiếng mẹ đẻ tại vùng Triều Sán, phía Đông tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc – PV), nhà có gì ngon cũng chia phần cho ông. Sau này, các gia đình Hoa kiều lần lượt rời đi, nhiều người bạn của ông Tân định cư ở nước ngoài nhưng khi trở về thăm lại phố cũ, họ vẫn vui mừng nhận ra ông.
Có chiều dài lịch sử và số lượng người Hoa lớn hơn ở Hà Nội là Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu thống kê dân số năm 2019 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 500.000 người Việt gốc Hoa sinh sống rải rác ở các quận 5, 6 và 11, trong đó quận 5 chiếm khoảng 40% dân số. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, những con đường, khu phố, ngõ hẻm khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn bảo tồn hầu như nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc giao thoa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà hàng, khách sạn, dãy phố lầu thương mại đậm chất Hoa kiều trăm năm tuổi trở thành điểm thu hút khách du lịch. Tại đây, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các món ăn đậm văn hóa của người Hoa như cơm chiên Dương Châu; bánh tô; đậu hũ Tứ Xuyên; heo quay hay chè hột gà… với đủ loại nước chấm thủ công. Các doanh nghiệp người Hoa chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố, đồng thời là một nhịp cầu kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới.
Chợ Bình Tây (hay còn gọi Chợ Lớn) được xem là trung tâm của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: KT) |
Trao đổi với báo chí, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Chơn Trung, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: phát huy tiềm năng của người Hoa chính là góp phần vào sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi hoạt động kinh tế của người Hoa tập trung trong thành phần kinh tế tư nhân, quy mô sản xuất vừa và nhỏ là chủ yếu, hơn nữa tập trung trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp dịch vụ. Ông đề xuất cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, tạo sự phát triển lâu dài, vững chắc cho người Hoa trong nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước để giải quyết vấn đề vốn, đổi mới công nghệ, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Nhân viên y tế bệnh viện Nam Khê Sơn (Trung Quốc): Chia giọt máu, chung niềm vui với Việt Nam |
Để những kỷ niệm xưa tạo sinh trong hiện tại và tương lai |