Quan hệ Việt Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long |
Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào |
Một ngày trung tuần tháng 3/2022, không khí trong ngôi nhà của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh (phố Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) bỗng đông vui, nhộn nhịp hẳn lên.
Trong số những người có mặt tại nhà ông Hạnh có ba sinh viên Lào học trường Đại học Y Dược Thái Bình. Các em chính là con nuôi của ông Hạnh. Giao cho con gái nuôi Phetsamone Souvanhnalangsee đi chợ nấu cơm, ông Hạnh cùng mọi người bàn bạc kế hoạch tổ chức Tết Bun Pi May cho khoảng 300 sinh viên Lào ở Đại học Y Dược Thái Bình.
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh (thứ 5, từ trái qua) trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào tổ chức tại Thái Bình (Ảnh: NVCC). |
“Đây là Tết cổ truyền của Lào, phải cố gắng để các cháu dù xa quê hương nhưng vẫn được sinh hoạt văn hóa truyền thống của mình", vị Đại tá đang giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Bình giải thích.
Kể về ân tình với đất nước và người dân Lào, ông Hạnh nhớ lại: 10 năm biệt phái, “nằm vùng” trong lòng địch là thời gian ông đã được người dân Lào chăm sóc, vừa nuôi ăn và cung cấp thông tin về tình hình của địch.
Cuộc sống trong lòng địch luôn căng thẳng, nguy hiểm từng ngày từng giờ. Quân địch và bọn gián điệp tăng cường hoạt động, bộ đội không gặp được cơ sở để nhận tiếp tế. Bộ đội phải nấu cháo, đào củ mài luộc ăn thay cơm, không có muối thì lấy ớt thay. Khi củ mài hết thì phải lấy củ nâu nhuộm quần áo ngâm cho hết nhựa chát để ăn cho đầy bụng. Khi bộ đội ốm đau không có thuốc chữa, bị thương không có dụng cụ kỹ thuật.
Ông Hạnh (thứ 5, từ trái qua) bên các lưu học sinh Lào tại trường Đại học Y Dược Thái Bình (Ảnh: NVCC). |
Trong số những người ông Hạnh mang ơn suốt cuộc đời có mẹ Hỏm (còn gọi là mẹ Thơm - gọi theo tên cô con gái của bà), một cơ sở cách mạng của bộ đội.
Một lần, ông Hạnh vào bản Đìn Đèng, xã Bản Vơi, huyện Nam Viêng Chăn gặp mẹ Hỏm để bắt liên lạc. Bọn gián điệp biết tin và báo cho quân địch về phục kích. Khi quân ta ra khỏi làng, chúng bắn một chiến sĩ của ta bị thương, một y sĩ bị lạc trong rừng. Thu quân chưa xong, gạo hết, cơ sở không tiếp tế được, lương khô phải ăn dè, đơn vị ông Hạnh chia làm hai bộ phận: Một bộ phận đưa thương binh lên núi cứu chữa, một bộ phận ở lại tìm đồng đội lạc trong rừng.
Là chỉ huy, ông Hạnh ở lại với bộ phận tìm người bị lạc. Tuy nhiên, bộ phận tìm người lạc chưa quen rừng, lương khô hết, địch lại tung thêm lính ra càn quét, lùng sục. Để vào rừng tìm bộ đội Việt Nam mà không bị địch nghi ngờ, mẹ Hỏm này ra sáng kiến thả trâu ra khắp cánh rừng rồi cùng ba cô con gái và ông Hạnh giả làm người nhà đi tìm trâu. Sau 5 ngày vất vả, nguy hiểm, mọi người mới tìm được y sĩ.
Tuy nhiên, kẻ địch ở vùng đồng bằng tăng cường càn quét lùng sục đàn áp các cơ sở của bộ đội hết sức dã man. Tại xã Bản Vơi, hễ nghi ngờ ai, địch bắt trói thành hàng dài, dùng súng máy lia chết, đẩy xác xuống sông. Trong số những người bị địch giết chết lần này có mẹ Hỏm và người em gái.
Con gái nuôi người Lào của ông Nguyễn Đức Hạnh - Phetsamone Souvanhnalangsee - nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Y Dược Thái Bình (Ảnh: NVCC). |
Mỗi lần nhắc đến việc này, ông Hạnh lại nghẹn ngào. Sau này, ông được biết mẹ Hỏm đã được Đảng, Nhà nước Lào truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 2016, ông Hạnh cùng các đồng đội cũ góp tiền tổ chức chuyến đi sang Lào. Trở lại chiến trường xưa, ông Hạnh về làng mẹ Hỏm, gặp gỡ con cháu của mẹ. "Điều đáng tiếc nhất là tôi chưa làm được gì cho gia đình mẹ Hỏm. Tôi chỉ có thể biếu con cháu mẹ chút quà hay sau này đôi lần gửi người sang thắp hương cho mẹ", Đại tá Nguyễn Đức Hạnh bồi hồi.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực Việt Lào Tỉnh Thái Bình kết nghĩa với tỉnh Xay Nhạ Bu Ly (Lào) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Sau khi Đại tá Nguyễn Đức Hạnh và các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Bình tham mưu, năm 2021 UBND tỉnh Thái Bình ký thỏa thuận hợp tác hữu nghị với chính quyền tỉnh Xay Nhạ Bu Ly, trong đó Thái Bình hỗ trợ cho Xay Nhạ Bu Ly 5 tỷ đồng để xây dựng Trường Trung học Phổ thông Phặt Thạ Nả (bản Phôn Xay, huyện Xay Nhạ Bu Ly). Thái Bình cũng thường xuyên quan tâm đến số lưu học sinh tỉnh Xay Nhạ Bu Ly đang học tập tại trường Đại học Y Dược Thái Bình. Hàng năm, tỉnh cấp từ 8-10 suất học bổng cho học sinh tỉnh Xay Nhạ Bu Ly có hoàn cảnh khó khăn sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thái Bình. Ngược lại, tỉnh Xay Nhạ Bu Ly cũng cấp 2 suất học bổng toàn phần cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của Thái Bình sang học đại học tại trường Đại học Souphanouvong tỉnh Luông Pha Băng (Lào). |
Xúc động lễ tiễn đưa 11 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước |
Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ |