SÁCH HAY THỐNG KÊ

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi - “bóng hồng” hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao thập niên 70

2024-12-20 20:12:29
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi ôn lại những kỷ niệm làm ngoại giao. Ảnh: P.Y

Vừa cương nghị, quyết đoán, vừa mềm mỏng, tinh tế, đó chính là hình ảnh của Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, nữ lãnh đạo của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Áo (1992-1995) và Canada (2002-2006).

Nghề chọn người

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi sinh năm 1949 tại Kiến Thụy, Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của bà từng là Bí thư chi bộ Đảng xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 1967, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hồi trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hết năm thứ nhất, bà và một số bạn cùng lớp được chọn sang Cuba theo học tiếp Cử nhân chuyên ngành tiếng Anh quân sự để phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể, bà đến với ngành ngoại giao rất tình cờ. “Khi mới ra trường, tôi chỉ biết về Bộ Ngoại giao thông qua Đại sứ quán. Ấn tượng của tôi về ngành ngoại giao là lúc nào cũng rất nghiêm túc, trịnh trọng, trong khi tính cách của tôi lại hơi phóng khoáng, nên chưa từng nghĩ mình sẽ phù hợp với ngành này.”

Thế nhưng, nghề đã chọn người. Hoàn thành chương trình học tại Cuba và về nước vào năm 1970, thời điểm nhân lực có trình độ về tiếng Anh còn rất khan hiếm, bà được tuyển về phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao, và gắn bó với ngành đối ngoại từ đó.

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi (giữa) phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng (phải). Ảnh tư liệu

“Nghề phiên dịch đồng nghĩa với làm việc liên tục, không kịp ăn uống là chuyện “cơm bữa”. Chưa kể, trong những chuyến công tác xa, nơi ăn chốn ở tạm bợ, cũng không có ưu tiên nào dành riêng cho phụ nữ, phải cố gắng thích nghi”, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể.

Vào thời chiến, những thử thách của nghề cũng tăng lên gấp bội, khi cán bộ phiên dịch phải đối mặt với ranh giới sinh tử trong khi làm nhiệm vụ. Những năm 70, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hết sức ác liệt. Có những khi, đang dẫn các đoàn khách nước ngoài đi thực tế, nghe báo động máy bay địch đến, cả phiên dịch, cả khách lại vội vàng nhảy xuống hầm trú ẩn, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi nhớ lại.

Vất vả, gian nan là vậy, song thời bấy giờ, cũng giống như nhiều cán bộ làm công tác phiên dịch, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi còn phải vượt qua một trở ngại khác: những định kiến về nghề phiên dịch do ấn tượng xấu về nghề “thông ngôn ký lục” từ thời Pháp thuộc, bà tâm sự.

Con đường nhiều chông gai, nhưng càng đi, bà lại càng say mê. Nhiều năm đã qua, bà vẫn luôn thầm cảm ơn những ngày tháng công tác tại phòng Phiên dịch, được dìu dắt bởi những người thủ trưởng, đồng nghiệp tâm huyết như Trưởng phòng Phiên dịch Nguyễn Tư Huyên và rất nhiều những "cây đại thụ" khác.

“Nghề phiên dịch là môi trường rèn luyện lý tưởng, cơ hội trải nghiệm thực tế quý báu về nghề ngoại giao, mà ở đó, thế hệ đi trước chính là những “người truyền lửa” cho thế hệ sau”, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi chia sẻ.

Tay đảm việc nước, tay chăm việc nhà

Sau thời gian công tác tại phòng Phiên dịch, năm 1979 bà Nguyễn Thị Hồi được phân công sang Vụ Các tổ chức quốc tế, chuyên trách về ESCAP Mekong (nay là Ủy ban Mê Kông). Sau 4 năm công tác tại đây, bà được chọn để tập sự cấp Vụ (chịu trách nhiệm tương đương Phó Vụ trưởng) vào năm 1983.

Những năm 80, đất nước đã thoát khỏi chiến tranh, song lại rơi vào một thử thách cam go hơn: thời kỳ bị bao vây, cấm vận. Khi ấy, Vụ Các tổ chức quốc tế là đơn vị “chịu tải” nặng nhất, với trọng trách vừa duy trì những nguồn viện trợ đã có đồng thời thuyết phục, kêu gọi những nguồn hỗ trợ mới.

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể lại: Giai đoạn này, tôi có may mắn được là "lính" của Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế Phan Thị Minh. Với Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, bà Phan Thị Minh là một "nữ tướng" đầy bản lĩnh, trí tuệ và sự tinh tế. Đây cũng là người đã truyền cho bà những bài học quý về nghệ thuật ngoại giao để vận dụng vào công việc sau này.

Thời điểm thực tập cấp Vụ của Đại sứ Nguyễn Thị Hồi cũng trùng với thời điểm bà lập gia đình và sinh con đầu lòng. Giữa những năm tháng bao cấp, vừa phải chu toàn việc nước, vừa thực hiện thiên chức của người phụ nữ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Thế nhưng, khi được hỏi về những gian khó mình đã phải vượt qua, bà chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: Lúc bấy giờ đã chuẩn bị tinh thần, coi vất vả là chuyện tất nhiên và đã chấp nhận dấn thân thì không ngại gian khổ.

“Giai đoạn này tôi cũng rất may mắn khi có “hậu phương” vững chắc là chồng và mẹ chồng, những người luôn thông cảm cho công việc của tôi và sẵn sàng hỗ trợ việc chăm sóc cậu con trai nhỏ những khi tôi bận rộn”, bà chia sẻ.

“Năm 1992, khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ đầu tiên tại Cộng hòa Áo, chồng tôi đã chấp nhận từ bỏ vị trí, công việc với nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành công an để cùng tôi và con trai sang Áo trong suốt 3 năm. Đó là một sự hy sinh vô cùng lớn của một người đàn ông…”, bà xúc động kể lại.

“Đem chuông đi đánh xứ người”

Năm 1992, bà Nguyễn Thị Hồi là Đại sứ nữ duy nhất trong số 4 Đại sứ trẻ của Việt Nam nhận nhiệm vụ tại nước ngoài. Đây cũng là chuyến luân chuyển đầu tiên của bà. Bên cạnh nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bà còn kiêm thêm nhiệm vụ Trưởng Đại diện Việt Nam tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna.

Thập niên 90, Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên trường quốc tế. Giữa những đại diện ngoại giao của các cường quốc năm châu, không dễ gì để tạo ấn tượng, cũng như xây dựng tình cảm với nước bạn, nhất là một quốc gia Tây Âu có sự khác biệt về văn hóa cũng như trình độ phát triển so với Việt Nam. Để làm được điều này, bên cạnh bản lĩnh kiên định, sự sắc sảo, nhạy bén, thì còn cần thêm cả sự tinh tế, chu đáo, vốn là một lợi thế của nữ giới.

Năm 1992 Tổng thống Áo Thomas Klestil tròn 60 tuổi. Đại sứ Nguyễn Thị Hồi lên kế hoạch về món quà mừng sinh nhật rất công phu. Bà đã gửi bức ảnh chân dung của Tổng thống về Việt Nam nhờ một công ty ở Hàng Kênh (Hải Phòng) tỉ mỉ dệt lại tấm ảnh đó trên nền thảm len. Tấm thảm đặc biệt được gửi tới văn phòng Tổng thống kèm theo 6 bông hồng.

“Hoa hồng ở Áo rất đắt, nên thay vì 60 bông, mình mua 6 bông tượng trưng cho 6 thập kỷ, vẫn thể hiện được sự trân trọng!”, bà nói.

Sáng hôm ấy, chỉ nửa giờ sau khi món quà được gửi đi, Đại sứ quán Việt Nam nhận được một bức thư cảm ơn viết tay của Tổng thống Áo, với lời nhắn dành cho người tặng quà: “Thật tinh tế biết bao!”

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi và Tổng thống Áo Thomas Klestil. Ảnh tư liệu

Chính những sự tinh tế của nữ Đại sứ đã nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Áo, với một loạt những sự kiện trọng đại như chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Áo tới Việt Nam (1994), quyết định thành lập Đại sứ quán Áo tại Việt Nam (1997). Bên cạnh đó là nhiều dự án phát triển về môi trường của Áo dành cho Việt Nam.

Sau nhiệm kỳ tại Áo, nhiệm kỳ tại Canada cũng là một quãng thời gian đáng nhớ, đánh dấu sự đóng góp quan trọng của Đại sứ Nguyễn Thị Hồi trong việc vận động sự ủng hộ của quốc tế, cụ thể là Canada đối với tiến trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Với chiến thuật sắc bén, bà đã khéo léo “kéo” các chính khách Canada về phía Việt Nam, dựa trên những đặc điểm của họ, trong đó có tâm lý không muốn bị “đánh đồng” với Mỹ và thứ hai là tình cảm, sự ủng hộ Canada đã dành cho Việt Nam trong công cuộc thống nhất đất nước.

“Nếu Canada tặng món quà này cho nhân dân Việt Nam thì trước hết những người được nhận sẽ là phụ nữ và trẻ em. Bởi đằng sau đó là công ăn, là việc làm ở những xí nghiệp mà đa phần người lao động là nữ. Đằng sau những người phụ nữ đó lại là những trẻ em…”

Những lập luận nhân văn của bà cộng với sự giúp đỡ của một doanh nhân Việt kiều tại Canada đã giúp Việt Nam giành được lá phiếu từ Canada một cách thuyết phục. Đây cũng là lá phiếu đầu tiên đến từ nhóm nước G7, tạo đà cho thành công của Việt Nam trong đàm phán gia nhập WTO.

Nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp ngoại giao, từng đi qua những thời kỳ lịch sử thăng trầm, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi đã tích lũy được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Bài học chủ đạo về nghề ngoại giao của bà gói gọn trong 4 chữ “biết người, biết ta”. Theo bà, điều này thể hiện ở việc trang bị cho mình vốn hiểu biết đầy đủ về nước bạn, về đối tác nước ngoài, điển hình như họ quan tâm đến điều gì, yêu thích hay cấm kỵ điều gì. Từ đó, lựa chọn được cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với họ, dễ dàng xây dựng được mối quan hệ tốt.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, một nhà ngoại giao cần chuẩn bị cho mình hành trang là kiến thức về những công cụ pháp lý để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đất nước, của bản thân tại nước ngoài.

“Dù là nam hay nữ, khi làm ngoại giao hay bất kỳ ngành nghề nào, cũng phải có vốn kiến thức, kỹ năng chuyên môn vững vàng. Đặc biệt, với phụ nữ làm ngoại giao trong thời hiện đại, nếu có năng lực thực chất và nhiệt huyết thì sẽ càng nhận được sự nể trọng của bạn bè quốc tế”, bà khẳng định.

Top