Vị đắng khó quên ở Sakai

2025-01-17 18:50:21
Tăng cường giao lưu về văn hóa, nghệ thuật trà đạo Nhật Bản - Việt Nam
San sẻ và đón nhận “bình yên” qua trà đạo truyền thống Nhật Bản ở Hà Nội

Là một thành phố nhộn nhịp ở tỉnh Osaka và cách không xa Sân bay quốc tế Kansai, Sakai có lịch sử phong phú và đầy màu sắc. Sakai cũng là quê hương của bậc thầy trà đạo trong lịch sử nước Nhật, đó là Sen no Rikyu (1522 - 1591), người sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Sakai và dành phần lớn cuộc đời của mình ở thành phố này

Vào thế kỷ 16, Sakai là một thị trấn buôn bán và cảng thương mại thịnh vượng. Khi đó, trà sư Sen no Rikyu đã rất thành công với phong cách “Wabi-cha”, để lại những dấu ấn lớn trong lĩnh vực trà đạo. Nhờ ông mà "Wabi-cha” được hoàn thiện từ tinh thần trà đạo đến cả dụng cụ uống trà và phòng trà. Thời đó ở Sakai, một số món đồ trong những mặt hàng gốm sứ từ Việt Nam đưa về Nhật Bản đã được sử dụng như trà cụ trong nghệ thuật trà đạo.

Một trà thất truyền thống của Nhật Bản phải có bình hoa, một bức tranh và tên của phòng trà.

Ngày nay, nhiều nơi tại Sakai cung cấp trải nghiệm trà đạo cho du khách, như trung tâm "Sakai Plaza of Rikyu and Akiko" hoặc "Sakai Tea Room" trong khuôn viên công viên Daisen, cạnh Bảo tàng thành phố Sakai. Trong đó, Sakai Plaza of Rikyu and Akiko được đặt tên theo trà sư Sen no Rikyu và nữ nhà thơ Yosano Akiko.

Điều đặc biệt tại Sakai Plaza of Rikyu and Akiko là du khách Việt có thể gặp gỡ những nghệ nhân trà đạo từng đến Việt Nam để giới thiệu môn nghệ thuật này. Đến đây một ngày cuối tháng Sáu, phóng viên VOV.VN tình cờ được tiếp chuyện bà Kitayamai Chiyoko, người đã thăm Đà Nẵng, Hội An và Huế vào năm 2019, trong dịp Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng.

Bánh ngọt wagashi thường được sử dụng trong buổi thưởng trà.

Theo hướng dẫn của bà Kitayamai Chiyoko, du khách lần lượt trải nghiệm các bước thưởng trà theo kiểu truyền thống tại Nhật Bản. Trước tiên, một trà thất truyền thống của Nhật Bản phải có bình hoa, một bức tranh và tên của phòng trà. 3 yếu tố này tuân theo các quy luật về cân bằng, là nơi được tôn trọng và mang lại cảm giác thư thái nhất trong một ngôi nhà.

Trước khi uống trà, người thưởng trà phải ăn bánh ngọt wagashi, được tạo hình thành các loại hoa quả theo mùa hoặc theo đặc trưng địa phương, ví dụ hình quả thanh trà, hình hoa anh đào, hình pháo hoa, hình hoa cẩm tú cầu… Dụng cụ cắt bánh được làm bằng gỗ, gọi là "kuromoji". Việc thẩm định hình dáng, cách cắt bánh và thưởng thức vị của chiếc bánh ngọt này cũng sẽ đánh giá buổi trà đạo hôm đó.

Nghệ nhân khuấy trà bằng dụng cụ tre.

Chén trà được một nghệ nhân Nhật Bản pha chế bằng cách đổ nước nóng vào bột trà để trà chín đều và thơm, sau đó khuấy đều bằng dụng cụ bằng tre gọi là "chasen". Khi nhận chén trà, trà nhân nói lời cảm ơn, trước khi nâng chén bằng tay phải và đặt vào lòng bàn tay trái. Tay phải đặt bên thành chén, nhẹ nhàng xoay hai lần theo chiều kim đồng hồ trước khi uống hết trà trong 1 hơi là tốt nhất. Vị đắng của trà sẽ khiến bạn nhớ mãi, sau đó sự ngọt đậm dần dần lan tỏa.

Sau khi uống, trà nhân dùng ngón trỏ và ngón cái tay phải lau phần vành chén vừa kề miệng, rồi tiếp tục lau tay vào giấy kaishi (tờ giấy được đặt cùng bánh wagashi đã dùng trước khi uống trà). Cuối cùng là xoay chén 2 lần ngược chiều kim đồng hồ để hướng mặt trước của chén về vị trí ban đầu và đặt chén xuống bàn.

Vị đắng của trà sẽ khiến bạn nhớ mãi, sau đó sự ngọt đậm dần dần lan tỏa.

Bà Kitayamai Chiyoko kể lại, những nghi thức trà đạo này đã được bà giới thiệu tại Đà Nẵng trong dịp lễ hội Việt Nam – Nhật Bản: "Tôi vẫn nhớ đó là mùa hè và lễ hội diễn ra gần cầu Rồng. Ở đó tôi mang đến chiếu tatami, làm bánh, pha trà và cùng mọi người trải nghiệm, nhất là các bạn học sinh, sinh viên. Có thời điểm khách rất đông, tôi bưng trà ra không kịp. Thật may vì tôi đã chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu nên tất cả mọi người đều được trải nghiệm đầy đủ".

Bà Chiyoko cho biết nhiều nghệ nhân trà đạo đã đến Việt Nam nhiều lần, nhưng với bà đó là lần đầu tiên. "Tôi và mọi người cùng đi đều vui và rất nhiều kỷ niệm. Ngoài công việc, tôi cũng được tham quan nhiều nơi ở Hội An, Huế… Thú vị nhất là trải nghiệm thả đèn lồng trên sông và ăn cao lầu ở Hội An. Mỗi ngày xong việc tại lễ hội là tôi lại nhanh chóng thu dọn gọn gàng để được đi chơi, khám phá vì rất vui. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh".

Nghệ nhân trà đạo Kitayamai Chiyoko.

Theo Cục Du lịch và Hội nghị Sakai, các dụng cụ trà đạo đã được khai quật tìm thấy ở rất nhiều di tích những địa điểm nổi tiếng ở thành phố quanh vòng hào Sakai xưa. Điều đó chứng tỏ văn hóa thưởng thức trà đạo đã được bắt rễ tại thành phố, được hưởng ứng rộng khắp trong cả thị dân chứ không chỉ riêng một nhóm người, chẳng hạn như giới thương nhân giàu có. Trà đạo trải khắp nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, thủ công, thư pháp, cắm hoa, nấu ăn và bánh kẹo, và tiếp tục tồn tại như một phần của văn hóa Nhật Bản đáng tự hào trên khắp thế giới.

"Trong bối cảnh đó, thành phố Sakai đã ban hành “Pháp lệnh Phát triển Cộng đồng Trà đạo Sakai” (tạm dịch) vào tháng 10/2018 với mục đích góp phần nuôi dưỡng trái tim của người dân và nâng cao sức hấp dẫn của thành phố thông qua việc phục hưng văn hóa trà đạo. Chúng tôi cũng đang chú trọng vào quảng bá văn hóa trà đạo trong nước và quốc tế", bà Saho Yasuda – cán bộ Cục Du lịch và Hội nghị Sakai cho biết.

Ông Hirosuke Kato - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tại Sakai cho biết năm 2009, Đà Nẵng và Sakai đã ký kết một văn bản về xúc tiến giao lưu hữu nghị, thống nhất tăng cường giao lưu ở các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, kinh tế... Thành phố Sakai hướng đến việc mở rộng giao lưu hơn nữa với Đà Nẵng cũng như hướng đến sự phát triển bền vững giữa 2 thành phố, với Liên kết thành phố hữu nghị đã ký kết năm 2019. Trung tuần tháng 7/2023 vừa qua, hoạt động trải nghiệm trà đạo Sakai đã tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản thành phố Đà Nẵng 2023.

Sắp ra mắt Câu lạc bộ trà đạo Urasenke tại Hà Nội
Ngày 21/8, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã tiếp ông Kaoru Yamakawa, thành viên Câu lạc bộ trà đạo Urasenke - Nhật Bản. Theo dự kiến, vào tháng 10/2015, Câu lạc bộ những người yêu thích trà đạo tại Hà Nội sẽ được ra mắt.
Trà đạo Nhật và giới trẻ sống chậm
Cuộc sống gấp gáp, hối hả khiến nhiều người thấy mệt mỏi, mất cân bằng. Nhiều bạn trẻ chọn trà đạo Nhật để tìm đến với nhịp sống chậm, thanh tao.

Theo vov.vn

https://vov.vn/du-lich/vi-dang-kho-quen-o-sakai-post1038431.vov

Nguồn bài viết : XS Mega Chủ Nhật

Top