Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh nhấn mạnh: Cách đây 80 năm, trong cái giá lạnh thấu xương của núi rừng Tây Bắc, nơi được mệnh danh là “Rừng thiêng, nước độc”, nhưng trong chốn lao tù, dưới gông cùm đày đọa của kẻ thù, những người tù cộng sản bằng ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản cũng như sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đã quyết tâm và làm nên sự kiện vô cùng lớn lao, ý nghĩa, vượt ra khỏi sự kiểm soát của kẻ thù đế quốc, đó là thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nhà tù Sơn La vào tháng 12 năm 1939.
Chi bộ Nhà tù Sơn La thành lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với các tù nhân là đảng viên cộng sản, với các tù chính trị tại Nhà tù Sơn La lúc bấy giờ mà còn là “nguồn sáng” với đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc đang rên xiết dưới ách áp bức, bóc lột tàn độc của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Nhà tù Sơn La là bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hội thảo khoa học “Chi bộ Nhà tù Sơn La - Giá trị lịch sử và hiện thực” có ý nghĩa đặc biệt, tiếp tục làm sáng tỏ thêm sự hình thành, đấu tranh, trưởng thành, những đóng góp to lớn của Chi bộ Nhà tù với phong trào cách mạng ở Sơn La nói riêng, trong cả nước nói chung. Đây cũng là dịp Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La bày tỏ tri ân sâu sắc, tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ cộng sản và những quần chúng yêu nước bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La.
Tại hội thảo, tham luận của các nhà khoa học lịch sử và thân nhân cựu tù chính trị tại Nhà tù Sơn La đã khẳng định, sự ra đời của Chi bộ Nhà tù Sơn La có ý nghĩa sâu sắc đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở Sơn La. Chi bộ đã thực hiện vai trò lãnh đạo, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, tạo tiền đề căn bản để tỉnh Sơn La tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 cùng với cả nước. Chi bộ Nhà tù Sơn La là nơi rèn luyện, đào tạo, cung cấp cán bộ lãnh đạo cho phong trào đấu tranh trên nhiều địa phương ở miền Bắc. Trưởng thành từ Nhà ngục Sơn La, nhiều đồng chí đã đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều chiến khu địa phương.
Các tham luận cũng khẳng định, Chi bộ Nhà tù Sơn La có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Sự ra đời, hoạt động lãnh đạo của Chi bộ là một nét đặc sắc trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta là ở bất cứ đâu, trong bất cứ điều kiện khắc nghiệt nào, người cộng sản Việt Nam cũng xây dựng tổ chức và lãnh đạo đấu tranh; phấn đấu và rèn luyện cán bộ.
Ngoài ra, sự ra đời, hoạt động của Chi bộ để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về sự tổ chức và đấu tranh của tổ chức Đảng trong điều kiện bất lợi. Chi bộ Nhà tù Sơn La có vị trí, vai trò to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và ngày nay đang phát huy tác dụng trong công tác giáo dục truyền thống, trong công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng, ban đầu là nhà tù hàng tỉnh để giam tù thường phạm. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Nhà tù Sơn La đã có sự thay đổi lớn về tính chất, vừa là nhà tù hàng tỉnh, vừa là nhà ngục đày ải tù chính trị. Tên gọi Ngục Sơn La bắt đầu từ đó.
Thực dân Pháp lựa chọn Sơn La là nơi giam cầm, đày ải những người tù cộng sản với âm mưu vô cùng thâm độc, chúng cho rằng “chỉ cần thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm” hay “chỉ trong sáu tháng, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng trở nên hiền lành”.
Vì vậy, từ những năm 30 của thế kỷ XX, rất nhiều đoàn tù chính trị đã bị đưa lên Sơn La với mục đích như thế. Từ năm 1930 đến năm 1944, đã có 1007 tù chính trị bị thực dân Pháp đưa lên đày ải tại Nhà tù Sơn La, trong đó có nhiều đảng viên, những người yêu nước. Nhiều đồng chí sau này đã trở thành các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu…
Trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt “Rừng thiêng, nước độc”, bị cưỡng bức lao động khổ sai, bị đọa đày bởi chế độ lao tù khắc nghiệt và âm mưu thâm độc của kẻ thù, những người tù chính trị luôn giữ vững khí tiết, với một niềm tin không gì lay chuyển được về sự tất yếu thành công của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khát vọng về tự do đã giúp họ giữ vững niềm tin vào cách mạng, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo trong đấu tranh để tồn tại, chiến đấu thắng lợi với mọi âm mưu “giết dần, giết mòn” rất thâm độc của kẻ thù.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La, nhà tù thực dân đã biến thành trường học cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ cho Đảng và bồi dưỡng, xây dựng nhân sự quan trọng cho phong trào cách mạng ở Sơn La sau này.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của tù chính trị, nhân dân các dân tộc Sơn La, nhất là ở khu vực tỉnh lỵ ở Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, đã được giác ngộ. Từ đó, cơ sở cách mạng khu vực tỉnh lỵ, rồi khu căn cứ Mường Chanh hình thành, phát triển và chuẩn bị tốt các điều kiện quan trọng, có tính quyết định để Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi.
Trong cuộc đấu tranh khốc liệt, quả cảm ấy, đã có bao chiến sỹ cộng sản và những người con yêu nước vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Tây Bắc, tại Nghĩa trang Gốc ổi, tiêu biểu là đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La.
Gần một thế kỷ đi qua, chứng tích Nhà tù Sơn La vẫn còn nguyên giá trị, luôn nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam nhớ về những người chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước.
Nguồn bài viết : Hướng dẫn cách bắn game bắn cá