Chiều 31/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý theo Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/4/2024 của Bộ Chính trị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối tới 37 Đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm có các bài viết quan trọng với những nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong bối cảnh và tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cấp ủy trong Đảng ủy Khối đang tập trung làm công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm giúp các cấp ủy, cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong Đảng ủy Khối nắm vững, vận dụng có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư, đồng thời có những đánh giá tổng quan về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua cũng như định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới.
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã trình bày và làm rõ 2 chuyên đề liên quan đến các nội dung: Học tập, nghiên cứu nội dung 3 bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về Chống lãng phí; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới; Chuyển đổi số-Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và “Quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, những định hướng phát triển trong thời gian tới."
Về nội dung chống lãng phí, ông Vũ Văn Phúc dẫn đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” nêu bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Liên quan đến nội dung “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới,” Phó giáo sư-Tiến sỹ Vũ Văn Phúc nhấn mạnh quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm "cần thực hiện tốt 4 công tác trọng tâm".
Đó là thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu,” đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước; Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng; tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Trình bày các vấn đề liên quan đến quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và định hướng phát triển doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự; tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước phải đạt trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
Đồng thời cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, người lao động tại doanh nghiệp nhà nước.../.
Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật mới cần làm rõ các khái niệm chưa có trong các văn bản trước đây để tránh tạo khoảng trống pháp lý khi luật được ban hành.