Đổi mới sáng tạo gắn liền với chuyển đổi số, kinh tế số là trụ cột mới của nền kinh tế

2025-01-17 18:52:25
ictnews Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn liền với nền chuyển đổi số, kinh tế số trong tương lai được xác định là trụ cột mới của nền kinh tế, được nhiều chuyên gia kinh tế của các nước thảo luận tại Hội thảo quốc tế Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tổ chức tại Hà Nội và sáng ngày 15/5/2019.

Toàn cảnh Hội nghị quốc tế vào sáng ngày 15/5/2019 tại Hà Nội.

Ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Liên minh Đổi mới sáng tạo Phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Hội nghị nhằm làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng với nhiều thành viên Chính phủ đã tham dự hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp nhận được sự tham vấn của các chuyên gia đến từ các quốc gia, tổ chức hàng đầu quốc tế về đổi mới sáng tạo cho định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn liền với nền kinh tế số trong tương lai được xác định là trụ cột mới. Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia sẽ là những thông tin quý báu và hữu ích, đóng góp và quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Việt Nam.

Hội nghị cũng là điểm nhấn của Tuần lễ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam diễn ra từ ngày 13-17/5/2019.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, KH&CN trong những năm gần đây đã đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt của Việt Nam.Với những tác động rộng lớn của cuộc cách mạng công nghệ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tăng cường năng lực, thúc đẩy hợp tác với các nước và các tổ chức công nghệ hàng đầu để có thể đóng góp hiệu quả cho việc chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam sang nền kinh tế dựa trên công nghệ.

Đại sứ Úc tại Việt Nam, ông Craig Chittick cho biết: “Việt Nam và Úc có chung hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng vững chắc làm cơ sở cho quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Úc cam kết hợp tác chặt chẽ với việt Nam để chia sẻ trí thức, chuyên môn và các mô hình thành công của Úc để giúp tăng cường hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Bà Alexis Bonell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của USAID cho hay, khi Việt Nam tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển trở nên vô cùng thiết yếu giúp tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợt của chúng. IDIA rất vui mừng được đến Việt Nam trong giai đoạn thú vị này, khi Việt Nam đang chuyển đổi để nắm bắt các công nghệ mới để có thể phát triển hơn nữa.

Trước thềm hội nghị diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kèm theo đó là các thách thức, các vấn đề xã hội cần phải tính đến và giải quyết. Mục tiêu chúng ta đặt ra là làm thế nào để xã hội tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi các ngành công nghiệp, phát triển nhưng không ai bị bỏ lại phía sau, phải làm thế nào để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một điều kiện cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững và phát triển bao trùm. Trong thời kỳ chuyển đổi số, mỗi con người Việt Nam cần được đào tạo các kỹ năng về chuyển đổi, các kỹ năng về sáng tạo, để trở thành những thành tố quan trọng tiếp nhận công nghệ, hấp thụ công nghệ và tiến đến sáng tạo công nghệ. Có như vậy, kinh tế - xã hội mới phát triển bền vững, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nguồn bài viết : SABA Thể Thao

Top