CEO, Founder Got It Hùng Trần (Nguồn ảnh: Internet) |
Got It là công ty khởi nghiệp công nghệ tại Thung lũng Silicon với sản phẩm là Nền tảng chia sẻ kiến thức dưới dạng dịch vụ (Knowledge as a Service - KaaS) theo yêu cầu đầu tiên trên thế giới nhằm cung cấp cho người đi làm, học sinh sinh viên, người tiêu dùng các giải pháp tương tác nhanh chóng, cá nhân hoá cho các vấn đề liên quan. Với nền tảng này, mọi người có thể kiếm tiền nhờ thời gian rảnh và kiến thức của mình, tương tự như Uber khai thác xe rảnh không chạy và AirBNB khai thác phòng trống.
Theo CEO, Founder Got It Hùng Trần, Got It hiện có đội ngũ lãnh đạo ở Thung lung Silicon gồm 25 người ở trụ sở chính gồm những cá nhân dày dạn kinh nghiệm và rất thành công từ các tập đoàn lớn và đội ngũ 50 kỹ sư phần mềm ở Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Got It cũng là một trong những công ty của người Việt ở trong nước đi sang xây dựng tại Thung lũng Silicon và đã đi được tương đối xa.
Trong chia sẻ với các đại biểu dự tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” mới đây, ông Hùng Trần cho biết ông luôn nhận được các câu hỏi về việc Phải làm sao để Việt Nam có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ như Got It?, “Trong nhà trường, các sinh viên CNTT cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để họ có thể có những cơ hội khởi nghiệp giống như ông?”.
Lý giải cho câu hỏi đầu tiên, người đứng đầu startup công nghệ Got It nêu quan điểm: tất cả các công ty công nghệ có thành công hay không là phụ thuộc vào đội ngũ kỹ sư của mình, do đó yêu cầu tiên quyết là phải có đội ngũ kỹ sư giỏi. “Không có kỹ sư giỏi thì sẽ không bao giờ có các công ty công nghệ thành công. Thực tế, các công ty công nghệ lớn đều phải có đội ngũ kỹ sư rất giỏi”, ông Hùng Trần nhấn mạnh.
Đề cập đến những kiến thức, kỹ năng các sinh viên CNTT cần được chuẩn bị tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, CEO Got It Hùng Trần cho rằng, có 3 yếu tố cốt lõi, đó là khối kiến thức nền tảng vững chắc, khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng mềm.
Nhấn mạnh việc trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc vô cùng quan trọng để sinh viên có thể tiến xa trong công việc tương lai, từ thực tế tiếp xúc với các kỹ sư CNTT được đào tạo tại các trường tên tuổi của Mỹ như Stanford, MIT... với kỹ sư Việt Nam, ông Hùng Trần nhận xét: “Kiến thức nền tảng của các sinh viên Mỹ rất chắc. Trong thế giới công nghệ, mọi thứ thay đổi hàng ngày, không ai có thể học một thứ mà dùng mãi được nhưng tất cả đều dựa trên một khối kiến thức nền tảng. Thế nhưng, theo tôi được biết, nhiều sinh viên tại Việt Nam, khối kiến thức nền tảng chưa được chắc chắn lắm”.
Minh chứng thêm cho nhận xét của mình, CEO Got It cho biết, Got It đã thực hiện phỏng vấn rất nhiều ứng viên và trong khoảng 4.000 hồ sơ nộp, công ty này cũng chỉ tuyển được vài chục người cho team ở Việt Nam.
Liên quan đến câu chuyện trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên, ông Hùng Trần cũng cho biết thêm, thời gian qua, Got It có kết hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội để sử dụng các kỹ sư của doanh nghiệp mình tham gia dạy cho các sinh viên của trường của trường một số kiến thức nền tảng, trên cơ sở những môn mà họ đã được học. Kết quả thu được khá tốt.
“Thực tế cho thấy rằng, các kỹ sư ở Việt Nam được đào tạo kỹ càng thì hoàn toàn có thể làm việc được ngang ngửa với các đồng nghiệp của họ ở Thung lũng Silicon. Tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu tố cực kỳ quan trọng mà các trường nên tập trung là khối kiến thức nền tảng”, ông Hùng Trần nói.
Lưu ý sinh viên và các trường cần quan tâm đầu tư, trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh, ông Hùng Trần cho hay “Hiện nay, nhiều sinh viên CNTT của Việt Nam khả năng tiếng Anh còn chưa tốt, chưa sẵn sàng để có thể làm việc một cách thoải mái với các đồng nghiệp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong thế giới công nghệ không có biên giới, do đó các sinh viên buộc phải trang bị để có thể sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên”.
Yếu tố thứ ba CEO Got It Hùng Trần đề xuất các trường và sinh viên chú trọng là một số kỹ năng mềm. Theo ông Hùng Trần, ở các Đại học tại Việt Nam thông thường vẫn chủ yếu đào tạo cho các sinh viên tập trung vào kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vào các môn học chính mà chưa được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm. “Nhưng thực tế, các kỹ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên sau khi ra trường, để họ có thể hợp tác được với đồng nghiệp của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới”, ông Hùng lưu ý.
Cũng trong trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề về gắn kết cung cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao tại tọa đàm, chia sẻ thêm về sự hỗ trợ của nhà trường để các sinh viên khởi nghiệp, lấy dẫn chứng từ chính trường hợp của bản thân, CEO - Founder Got It Hùng Trần cho hay, khi bắt đầu khởi nghiệp công ty Got It là lúc ông đang làm nghiên cứu sinh tại University of Iowa, ông đã được nhà trường hỗ trợ rất nhiều, như: hỗ trợ kiến thức về kinh doanh vì sinh viên công nghệ không biết nhiều về kinh tế, hay về thị trường, nhà trường cũng có giáo viên hướng dẫn để biết cách khởi nghiệp...
“Mọi người đều biết khi khởi nghiệp, khả năng thất bại rất cao. Song với sự hỗ trợ của nhà trường, ít nhất có thể tạo cho các sinh viên môi trường tương đối an toàn để nếu có bị thất bại cũng không gây ra thiệt hại quá lớn, sinh viên vẫn có thể tiếp tục học tập và khởi nghiệp”, ông Hùng Trần chia sẻ thêm.
Nguồn bài viết : Lô đề