Xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em, trong đó có hơn 20% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan. Trong những năm gần đây, cuộc sống bắt đầu ổn định, bà con trong xã đã dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động văn hóa văn nghệ và một loại hình rất được quan tâm là hát Sình Ca.
Trong đời sống sinh hoạt của người Cao Lan thì hát Sình Ca là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu. Người Cao Lan hát Sình Ca vào tất cả những lễ tiết quan trọng của năm, những câu hát về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, về lòng biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ… vẫn vang lên mỗi ngày. Những câu hát Sình Ca từng làm mê đắm biết bao lòng người đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Buổi biểu diễn hát Sình Ca của Câu lạc bộ văn nghệ làng Như Xuyên, xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Chúng tôi đến thăm thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn vào dịp vụ đông xuân vừa mới thu hoạch xong. Theo lời cán bộ xã, thôn Giếng Đõ người dân tộc Cao Lan chiếm trên 80% dân số. Dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả nhưng làn điệu hát Sình Ca luôn được bà con trong thôn có ý thức bảo tồn phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là việc bà con đã thành lập 1 câu lạc bộ hát Sình Ca.
Chia sẻ về động lực gây dựng và thành lập Câu lạc bộ để phát triển làn điệu Sình Ca, ông Âu Ngọc Như, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sình Ca thôn Giếng Đõ hồ hởi nói: “Chỉ đơn giản là từ lòng đam mê, mong muốn khai thác kho tàng văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Cao Lan. Mặc dù mới thành lập từ đầu năm 2013 nhưng đến nay câu lạc bộ đã thu hút được đông đảo người tham gia với đủ các lứa tuổi. Mọi người đến với câu lạc bộ với lòng nhiệt tình và tâm huyết. Bà con tự nguyện góp mua trang phục, dụng cụ để giúp câu lạc bộ hoạt động ổn định. Không chỉ tập hát, múa những bài Sình Ca truyền thống quen thuộc, câu lạc bộ còn khuyến khích các thành viên sáng tác những ca khúc mới phù hợp với cuộc sống hiện tại của bà con".
Điều đáng mừng là trước đây hát Sình Ca chỉ có người già, trung tuổi thì nay số thanh thiếu niên tham gia ngày càng nhiều. Người lớn tuổi nhất năm nay đã 80 tuổi còn người trẻ nhất là 14 tuổi. Người lớn tuổi hát để so tài, còn nam thanh nữ tú sẽ giao duyên qua những câu hát đối đáp, để tìm hiểu, tỏ tình với nhau.
Ông Đinh Văn Cự là người cao tuổi nhất trong câu lạc bộ, tâm sự: “Năm nay đã 80 cái mùa xuân rồi, nhưng làn điệu Sình Ca nó ngấm vào máu nên cứ say mê. Khi còn trẻ thì hát, nay già rồi không hát được thì mình viết lời và dịch lời từ chữ Nôm sang chữ Việt cho mọi người tập luyện. Mọi người đến đây đều chung một niềm đam mê với văn hóa Sình Ca".
Một trong những “đột phá” của câu lạc bộ chính là sự góp mặt của các cô gái trong những bài múa truyền thống và chiếc trống sành trên sân khấu. Bởi xưa kia, trong quan niệm của người Cao Lan, các cô gái tối kỵ không được tham gia vào nghi lễ, cứ mỗi khi tiếng trống sành vang lên thì dân bản sẽ mất đi một người. Giờ đây, người Cao Lan nghe thấy tiếng trống sành không còn rùng mình sợ hãi nữa, những quan niệm lạc hậu đã được bà con xóa bỏ.
Em Phan Thúy Hằng, Câu lạc bộ Sình Ca thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng cho biết: “Tham gia câu lạc bộ em học được rất nhiều bài hát hay, được nhảy những điệu múa của dân tộc mình. Em cũng mong muốn giữ gìn và phát triển hơn nữa làn điệu của dân tộc mình. Hi vọng các ông, các bà sẽ thường xuyên dạy múa, dạy hát hơn nữa”.
Một buổi tập của đội văn nghệ hát Sình Ca dân tộc Cao Lan thôn 15, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Ông Đỗ Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy văn hóa, trong đó tiêu biểu là hát Sình Ca. Hiện xã đã thành lập được 2 câu lạc bộ hát Sình Ca. Để bảo đảm cho phong trào văn hóa, văn nghệ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xã đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa, cho các thôn sử dụng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng những câu lạc bộ như thế này”.
Ngoài sinh hoạt ở địa phương, câu lạc bộ còn thường xuyên tổ chức biểu diễn ở những vùng lân cận, thông qua lời hát Sình Ca góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời trở thành nòng cốt để tuyên truyền, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan.
Hiện nay, tỉnh Tuyên quang đang nỗ lực bảo tồn và gìn giữ làn điệu Sình Ca. Tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Sình Ca vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự đối với đồng bào dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang, mà còn góp phần để nét đẹp văn hóa truyền thống người Cao Lan phát triển trong rực rỡ sắc màu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo Tin Tức
Nguồn bài viết : MG Game Bài 3d