Để xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới, cần thay đổi nhận thức, quan niệm của người dân về vai trò của nam và nữ ngay từ trong gia đình, nhất là trong các gia đình trẻ tuổi.
Kết quả điều tra của thạc sĩ Nguyễn Thị Hà, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về thực trạng quan điểm về giới của người dân trên địa bàn thành phố còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, 72,8% người trả lời đồng ý rằng nội trợ và chăm sóc thành viên gia đình là “thiên chức” của phụ nữ. Đặc biệt hơn, 75,2% phụ nữ đồng thuận với quan điểm trên, cao hơn cả tỷ lệ đồng thuận của nam giới (70,2%). Và một khi chính các chị em đồng thuận với quan điểm trên thì không dễ gì có sự thay đổi. Khi đó, quá trình vì sự tiến bộ của phụ nữ sẽ là một chặng đường đầy gian nan.
Theo thạc sĩ Hà, một khi đã gắn với chữ “thiên chức” thì điều đó là hiển nhiên, là lẽ tất yếu thì không dễ dàng gì thay đổi được. Và nếu người phụ nữ không làm tốt “thiên chức” thì ở khía cạnh nào đó, họ không được công nhận là “phụ nữ”. Đây cũng chính là lý do mà các nhà nữ quyền cho rằng việc gắn thêm chữ “thiên chức” là một trong những cách che đậy cho tình trạng bất bình đẳng giới và làm cho chúng trầm trọng thêm. Sự phân công nghiêng về một giới như trên xuất phát từ nhận thức và quan điểm đã tồn tại lâu dài trong mỗi giới, hiện tại nó vẫn chưa hề thay đổi.
Đáng quan tâm hơn, công việc gia đình tiêu tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của phụ nữ nhưng lại được ít người nhìn nhận và coi trọng, vì không mang lại thu nhập cho gia đình. Nhiều ý kiến lý giải, quan niệm giáo dục bé gái một cách khắt khe hơn so với bé trai về vai trò giới trong gia đình; và hình ảnh người bà, người mẹ với những nỗ lực không mệt mỏi vì hai chữ “thiên chức” đã ăn sâu vào tâm lý, nên khi lớn lên, hình ảnh mang tính “thiên chức” đó trở thành chuẩn mực và khuôn mẫu của người phụ nữ. Họ làm như một thói quen, nam giới chỉ là người phụ giúp khi họ thích công việc đó.
Trong hội thảo về thực trạng bình đẳng giới trong gia đình ở TP.HCM, nhiều ý kiến khẳng định rằng, yếu tố đầu tiên để thực hiện các chương trình nhằm thay đổi thực trạng bất bình đẳng giới hiện nay là phải thay đổi nhận thức về bình đẳng giới ngay từ trong gia đình. Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh, con đường nhận thức và hành động vì sự bình đẳng giới phải bắt đầu từ gia đình và ngay trong gia đình. Vì nhận thức của các thế hệ đi trước trong gia đình như ông bà, cha mẹ… tác động rất lên đến nhận thức của các thế hệ kế tiếp. Khi các thành viên trong gia đình nhận thức đúng về bình đẳng giới thì trẻ em trai và trẻ em gái được đối xử bình đẳng ngay từ nhỏ, lớn lên các em hiểu được trách nhiệm sẻ chia giữa nam và nữ trong thực hiện bình đẳng giới. Do đó, gia đình vừa là môi trường giáo dục, vừa là nơi tuyên truyền hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TP.HCM) lý giải, để thay đổi được nhận thức của người dân về bình đẳng giới thì phải làm thường xuyên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Bởi những định kiến và chuẩn mực cũ về giới tồn tài lâu dài trong ý thức và quan niệm của xã hội, không dễ gì thay đổi “một sớm một chiều”.
Bà Thanh cũng nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới toàn xã hội. Trong đó, mục tiêu hướng đến là sự chia sẻ giữa nam và nữ trong công việc gia đình, tiến đến giảm dần khoảng cách giới, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.
Tiến sĩ Trần Thị Phượng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, cần đánh giá giá trị kinh tế và văn hóa của lao động việc nhà do phần lớn phụ nữ đảm nhận chính, để thấy được tác động của yếu tố văn hóa đối với thực trạng bình đẳng giới hiện nay, qua đó có biện pháp bảo vệ quyền lợi của chị em, giảm dần gánh nặng công việc nhà cho phụ nữ, đảm bảo thực hiện công bằng giới.
Theo Văn Hóa
Nguồn bài viết : MW Điện Tử