Dù mới 25 tuổi nhưng nghệ nhân trẻ Đặng Đình Lân đã gắn bó với nghề nặn Tò he được gần 20 năm. (Ảnh: Thanh Niên)
Anh Lân là cử nhân ngành Quan hệ công chúng. Năm lên 7 tuổi, anh đã được ông nội truyền dạy bí quyết nặn Tò he, tới nay thì tay nghề của chàng cử nhân Quan hệ công chúng này đã ngang ngửa với các bậc tiền nhân của làng. “Nghề nặn Tò he không chỉ đòi hỏi về kỹ năng, kỹ thuật khéo tay, mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ. Nặn ra hình thù các con vật không hề khó khăn nhưng làm sao cho con vật đó có linh hồn và cảm xúc thì không phải ai cũng làm được”, anh Lân tâm sự.
Tò he vốn là một loại đồ chơi dân gian có xuất xứ từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Nơi đây đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề Tò he duy nhất tại Việt Nam”. Theo tìm hiểu, nghề này đã xuất hiện cách đây khoảng 300 năm và chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ. |
Gần 20 năm trong nghề nhưng nghệ nhân trẻ 9X này cũng phải thừa nhận, cái khó nhất vẫn là việc “tạo hồn” cho Tò he. Muốn làm được điều này yêu cầu nghệ nhân phải hóa thân vào chính cục bột nặn ấy để mà kể câu chuyện về nhân vật mình sắp thể hiện. Và cứ thế, những con Tò he Xuân La vẫn có sức sống bền bỉ trong dòng chảy hiện đại cho tới tận ngày nay.
Anh Lân cho biết, những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khá nhiều sự kiện, chương trình nhằm tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có Tò he, khiến cho các thế hệ nghệ nhân nơi đây cảm thấy an tâm hơn với nghề truyền thống này.
Ước mơ đưa Tò he “vượt biên”
Dù bận với công việc kinh doanh nhưng chàng nghệ nhân 9X Đặng Đình Lân cũng không hề bỏ qua bất cứ một đơn hàng hay lời mời tham dự sự kiện triển lãm nào về Tò he. Anh bộc bạch: “Với tôi và nhiều nghệ nhân khác, được nặn Tò he cốt là để đem nét văn hóa Việt đặc sắc này có cơ hội giới thiệu tới bạn bè quốc tế, khi họ tới nước mình tham quan du lịch. Sau này tôi muốn đưa con Tò he với chất liệu cao cấp và mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh sang nước ngoài và đó mới là mục tiêu lâu dài của làng Tò he chúng tôi”.
Đồng thời, anh Lân cũng đã chủ động áp dụng công nghệ trong việc quảng bá sản phẩm quê mình, thông qua một số trang Web, Fanpage, các trang Blog, Wordpress bằng các thông tin và hình ảnh sinh động bên cạnh việc liên kết tham gia các hội chợ, triển lãm tại một số Bảo tàng cũng như tham gia các buổi dạy nặn Tò he cho học sinh, sinh viên các trường học.
Khi đến dạy trực tiếp các em thiếu nhi do một số đơn vị đặt hàng, nghệ nhân trẻ Đặng Đình Lân cho rằng, sự tiếp nhận của trẻ với món đồ chơi này đang có xu thế gia tăng. Có nhiều em đã tỉ mẩn cả tiếng đồng hồ cùng với cục bột nặn, để cố gắng tạo hình nhân vật của riêng mình.
“Để đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm Tò he ra với bạn bè quốc tế hơn nữa, tôi nghĩ cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với việc tiếp tục mở rộng các chương trình giao lưu, hội diễn tay nghề và có thể đưa nghệ nhân đi lưu diễn ở nước ngoài …”, anh Đặng Đình Lân mong muốn.
Theo Thanh Niên
Nguồn bài viết : Baccarat trực