Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du: Kết quả của tình yêu đất nước của thế hệ người Việt ở Lào |
Hành trình khảo sát các di tích trên con đường liên minh chiến đấu Việt - Lào |
Chúng tôi tới triển lãm "Cha & Con" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Bà Đình, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 10/2023. Gây ấn tượng mạnh cho tôi là bức tranh sơn mài kích thước 183x112cm "Tây Trường Sơn". Bức tranh tái hiện toàn bộ cuộc sống chiến đấu của quân và dân Việt Nam - Lào phía Tây Trường Sơn: những dân công làm đường; người mẹ Lào địu con dẫn đường cho bộ đội Trường Sơn; một người lính Việt tay súng tay đàn; một họa sĩ - chiến sĩ ngồi vẽ cô gái Lào, phía sau là những dãy núi trùng điệp... Giữa những gam màu xanh đen và nâu thẫm nổi bật lên những đóa hoa rừng - điểm sáng hút mắt, tạo hiệu ứng thú vị về thị giác.
Bức sơn mài "Tây Trường Sơn" là một trong số hơn 60 tác phẩm về con người và phong cảnh của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân (1933-2010) và con trai ông - họa sĩ Trần Tuấn Long được trưng bày tại triển lãm tranh "Cha & Con", Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào những ngày cuối tháng 10/2023.
Tại triển lãm, người xem ngoài việc thưởng lãm những bức sơn mài khổ lớn phong cảnh và con người nhiều nơi trên cả nước, còn được ngắm lại một số phác thảo chì, màu nước chân dung và phong cảnh đầy xúc động của Trần Tuấn Lân về Tây Trường Sơn, chiến trường Lào trong những năm 1965-1969.
Họa sĩ Trần Tuấn Long (bìa phải) bên bức chân dung tự họa của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân (Ảnh: Thành Luân) |
Với nét bút tỉ mỉ, tinh tế, người họa sĩ dẫn dắt người xem trở về cuộc sống của quân và dân bên dãy Tây Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh như: "Chủ tịch Suphanuvong làm việc trong vùng giải phóng Sầm Nưa"; “Noọng on xi" (1966); "Noọng sôn tha" (1967); "Nữ du kích"; "Tổ giấy xưởng in Neo Lào Hắc Sạt"; "Đôi bạn học trường thiếu nhi Trung ương" (1968)...
Họa sĩ Lê Trọng Lân, nguyên Chủ tịch hội đồng nghệ thuật hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ ấn tượng với những ký họa ở chiến trường Lào của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân. Ngoài tính nghệ thuật, điểm nổi bật của những ký họa này là tính chân thực. Chính tính thực làm cho những tác phẩm này sống mãi.
"Những gương mặt trong ký họa của Trần Tuấn Lân trong những năm tháng đó đều đậm chất Lào. Những nét vẽ không hoa mỹ nhưng chân thực, sống động cho thấy người nghệ sĩ là một phần của cuộc chiến. Những ký họa ấy không chỉ bộc lộ cảm xúc của người nghệ sĩ trước sự vật, con người mà còn chứa đựng tình cảm chân thành từ họa sĩ", ông Lê Trọng Lân nhận xét.
Tham quan triển lãm, nhiều cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng chiến đấu tại chiến trường Lào được sống lại những tháng này xưa cũ. Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào cho biết: ngắm tranh của cố họa sĩ Trần Tuấn Lân, ông như được sống lại những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào ở Tây Trường Sơn. Những tháng năm chiến tranh nhưng lại hun đúc lên tình hữu nghị Việt - Lào.
Tác phẩm "Tổ giấy xưởng in" được cố họa sĩ Trần Tuấn Lân sáng tác năm 1968. (Ảnh: Thành Luân) |
"Vượt qua mọi gian truân và thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào đã cùng chia lửa, hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam mở đường, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, bảo đảm vận chuyển nhân lực, hàng hóa phục vụ chiến trường, đưa cách mạng hai nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Những năm tháng quân và dân Việt Nam - Lào sống, chiến đấu bên nhau đã tạo nên những dấu ấn đẹp đẽ trong tâm hồn các nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có cố họa sĩ Trần Tuấn Lân. Các tác phẩm ông không chỉ miêu tả chân thực cuộc sống, con người bên Tây Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh mà còn thể hiện tình cảm gắn bó, yêu thương của ông đối với nước bạn Lào anh em", Trung tướng Lê Văn Hân nói.
Họa sĩ Trần Tuấn Lân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, làm giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng được nhận Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996 với tác phẩm “Mỏ than Mạo Khê”; Giải Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2003 với tác phẩm “Trận chiến 5/8”; Giải Nhất Văn nghệ Hạ Long 1996 - 2000 với tác phẩm “Truyền thống Bạch Đằng” cùng nhiều giải thưởng khác.
Những năm 1965-1969, ông làm chuyên gia văn hóa tại Lào. Những tác phẩm của ông ghi dấu hành trình từ quê hương, đất nước đến chiến trường C của nước bạn Lào anh em.
Tác phẩm "Nữ du kích" được cố họa sĩ Trần Tuấn Lân sáng tác tại Sầm Nưa (Lào) năm 1968. (Ảnh: Thành Luân) |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: cuộc đời cố họa sĩ Trần Tuấn Lân gắn bó với đời sống gian khổ của đất nước, của nước bạn Lào nhưng vẫn trong veo một mắt nhìn, một nét bút đưa. Dù là chì than, bút chì hay bút sắt, nó vẫn đầy tiếng nói của một tâm hồn đẹp đẽ, bình dị, hồn hậu.
“Ông thả nét, cầm giữ những rung cảm trong giây khắc khi mắt nhìn tay vẽ, hóa thạch dung nhan con người và cảnh sắc ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai. Nghệ thuật là con đường dài. Ông biết vậy và không ngại nẻo xa dặm thẳm. Nhìn lại và ngắm mãi những ký họa thuở nào cùng những tác phẩm sơn mài còn rung động mạch cảm xúc với thời gian. Ông là người lẳng lặng néo giữ một chữ tình khiêm nhường trong nền mỹ thuật đương đại Việt”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam viết về cố họa sĩ Trần Tuấn Lân.
Trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm về tình hữu nghị Việt Nam-Lào |
Người con của hai nước Việt - Lào |