Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp: Ngày càng bền chặt, toàn diện, hiệu quả

2024-12-20 18:59:52
Trung tâm ICISE là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam
Nơi kết nối khoa học Việt Nam với thế giới

Dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang; GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tại Pháp; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bình Định cùng đông đảo học sinh, sinh viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường ĐH Quy Nhơn.

Nền tảng hợp tác chính trị - ngoại giao tin cậy, chiến lược

Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng nhấn mạnh: Trên chặng đường 50 năm qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực.

“Đó là sự cùng nỗ lực của cả hai đất nước để xây dựng nên mối quan hệ chính trị tin cậy, quan hệ kinh tế năng động, hiệu quả; hợp tác khoa học kỹ thuật sâu rộng và toàn diện; quan hệ giao lưu văn hóa phong phú, đa dạng”, ông Thắng khẳng định.

GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tại Pháp đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh trong thời gian qua, nhất là tình hữu nghị giữa Việt Nam - Pháp nói chung và Bình Định với Pháp nói riêng. Trong ảnh: Vợ chồng GS Vân tiếp đoàn đại biểu dự Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 đến thăm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), ngày 18/7 (Ảnh: ICISE).

Sau Hiệp định Paris, Pháp và Việt Nam đã quyết định nâng mức quan hệ ngoại giao song phương lên cấp Đại sứ tại Thủ đô Paris và Hà Nội vào ngày 12/4/1973. Với đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp bắt đầu sang một thời kỳ mới; đến năm 2013, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược.

Hiện trên lĩnh vực kinh tế, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam; Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Pháp cũng là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam. Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, với khoảng hơn 10.000 sinh viên Việt Nam đã du học ở Pháp.

Bên cạnh đó, y tế - lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước - ngày càng được chú trọng, với gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện ở Pháp.

Cùng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Pháp, mối quan hệ hợp tác giữa Bình Định và Pháp cũng ngày càng phát triển tích cực. Thời gian qua, Bình Định nhận được nhiều dự án viện trợ của Pháp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, an sinh xã hội. Đặc biệt là dự án Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, cùng với Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo đi vào hoạt động đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân trong tỉnh, du khách cả nước và quốc tế. Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về mặt khoa học, đào tạo và hướng dẫn chuyên môn rất lớn từ các chuyên gia Pháp. Sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp đã giúp Trung tâm thực hiện hiệu quả sứ mệnh phổ biến khoa học, đưa khoa học đến gần hơn với công chúng. Đây được xem là điểm sáng và là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Pháp trên lĩnh vực khoa học.

Nhiều dấu ấn văn hóa Pháp ở Bình Định

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, dấu ấn văn hóa Pháp tại Bình Định khá đa dạng và phong phú, thể hiện chủ yếu ở 4 nội dung gồm: Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; Nhà in Làng Sông - một trong ba nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên; Bình Định - nơi dạy và học chữ Quốc ngữ mạnh nhất Đông Đàng Trong; dấu ấn kiến trúc Pháp ở Bình Định (hải đăng đảo Nhơn Châu, khu Nhà thờ chánh tòa Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), Trường Gagelin Kim Châu (TX An Nhơn)…

Ngoài các công trình kiến trúc cổ, còn một số kiến trúc hiện đại mang dấu ấn Pháp trên đất Bình Định, điển hình là ICISE và Trung tâm Hội nghị tỉnh, hai công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế, đã góp phần làm thay đổi diện mạo TP Quy Nhơn. “Đây là giá trị hiện hữu được xem là cầu nối, là sợi dây liên kết làm cho tình hữu nghị và hợp tác giữa Bình Định và Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ”, ông Quang khẳng định.

Còn theo TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn, dấu ấn kiến trúc Pháp và hoạt động đào tạo, quảng bá văn hóa Pháp tại trường chính là công trình Đại chủng viện Quy Nhơn (nay là Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn). Công trình được thiết kế theo hai phong cách chính là kiến trúc cổ điển Pháp kết hợp với bộ vi kèo gỗ của nhà truyền thống Việt Nam. Đây là đặc điểm chung tạo nên bản sắc của các công trình đã có sự biến đổi, thích nghi với khí hậu địa phương qua việc học tập kinh nghiệm xây dựng bản địa. Điều này cho thấy công trình có sự giao thoa giữa kiến trúc nhà thờ Công giáo phương Tây và mang màu sắc bản địa Bình Định.

“Sau giải phóng, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn) đã tiếp quản cơ sở của Đại chủng viện. Nhà trường đã sử dụng công trình tòa nhà làm thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong trường. Mặt khác, nhà trường đã không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của công trình, giúp cho kiến trúc Pháp cổ này trở thành một điểm nhấn quan trọng, góp phần tô điểm cho tổng thể không gian kiến trúc của TP Quy Nhơn”, ông Hải nói.

“Xin chân thành cảm ơn những đóng góp to lớn, quý báu của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc trong công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh thời gian qua. Tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp, hợp tác hiệu quả của 2 giáo sư, nhằm tô đẹp thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam - Pháp nói chung và Bình Định với Pháp nói riêng”.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng

“Thời gian qua, sự hợp tác giữa Việt Nam - Pháp thể hiện rõ ràng nhất qua các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam. Dự án ICISE, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo được rất nhiều chuyên gia người Pháp giúp đỡ để xây dựng hoàn thiện và đi vào vận hành. Đây chính là một minh chứng cụ thể, biểu tượng về mặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Pháp về khoa học và giáo dục. Hy vọng rằng, thời gian tới, tỉnh và nhân dân cùng chung tay gìn giữ, xây dựng ICISE và Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển, nhằm phụng sự cho khoa học, cộng đồng”.

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam

“Được tham dự buổi gặp mặt hôm nay là một vinh dự lớn của tôi. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ có cơ hội đi du học ở Pháp, để có thể trải nghiệm trực tiếp về cuộc sống, văn hóa và giáo dục của đất nước này, giúp mình mở rộng kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn, gắn kết thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.

Bạn Lưu Quang Huy, sinh viên ngành Sư phạm Hóa, Trường ĐH Quy Nhơn

Tri ân đóng góp của Đại sứ Nicolas Warnery trong việc vun đắp tình hữu nghị Việt - Pháp
Việt Nam giành Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao Văn hóa Pháp ngữ

Top