Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. |
Từ ngày 21/2/2022, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có một chỗ dựa vững chắc khi Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có hiệu lực.
Theo Quyết định này, người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.
Trường hợp người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác được nhận hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài được nhận mức hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, người lao động được hỗ trợ chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc với mức hỗ trợ 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí (tối đa 50 triệu đồng/vụ việc). Trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc. Người lao động cũng được hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bỗ trí chỗ ở.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong quá trình làm việc. |
Theo quy định của Quyết định 40, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài với mức 40 triệu đồng/trường hợp.
Đáng lưu ý, người lao động phải về nước trước hạn trong các trường hợp nói trên được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.
Để được hưởng các hỗ trợ trên, người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm đóng góp Quỹ, với mức 100.000 đồng/người/hợp đồng.
Căn cứ đóng góp Quỹ dựa trên một trong những loại hợp đồng hoặc văn bản như: Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp; Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận ký giữa người lao động và doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; Hợp đồng lao động ký giữa người lao động và người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, từ năm 2014, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt con số 100.000 người một năm. Giai đoạn từ 2013-2021, mỗi năm Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ước tính, mỗi năm lượng kiều hối mà lao động Việt Nam gửi về nước khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho lao động, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Không những vậy, lao động đi làm việc ở nước ngoài còn góp phần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, khi quay lại Việt Nam tham gia vào việc phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |