27/7 - ngày giỗ chung của các thế hệ cha anh

2025-01-17 18:50:29

Ngay từ đầu tháng 7, các con, cháu của gia đình ông Nguyễn Ngọc Phiếm (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã bàn bạc, chuẩn bị cho ngày quan trọng của cả gia đình: ngày giỗ ông nội vào dịp 27/7.

Bố ông Phiếm là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hai người chú cũng đã hi sinh trong thời kỳ này. Mới đây, bà nội ông được truy lĩnh danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo ông Phiếm, cụ thân sinh ra ông mất từ hồi ông còn bé, không biết ngày mất và cũng chưa tìm được mộ nên từ lâu nay, cả gia đình lấy ngày 27/7 làm ngày giỗ của cụ. “Cứ đến dịp này, các con cháu ở gần xa đều sắp xếp công việc để về làm giỗ cho cụ. Đây cũng là dịp gia đình đoàn viên đông đủ. Mỗi lần như vậy, tôi nhắc nhở con cháu phải biết ơn những người đã ngã xuống cho đất nước được thống nhất như hôm nay” - ông Phiếm tâm sự.

Không chỉ có trường hợp ông Phiếm, rất nhiều gia đình trên đất nước Việt Nam đều lấy 27/7 làm một ngày giỗ cho người thân đã khuất. Số khác thì làm mâm cơm thắp hương, viếng mộ những đồng đội đã hy sinh...

Tổ chức giỗ tại gia, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ là những việc làm trong dịp 27/7 của nhiều gia đình. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi) ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho hay, mấy chục năm nay: ngày 27/7 nào gia đình bà cũng làm mâm cơm thắp hương. Bà mong rằng đồng đội của mình được an nghỉ nơi chín suối.

Trước đây, bà Lan từng công tác trong quân đội, sau đó về mất sức từ những năm 1990. “Các con cháu tôi đều ủng hộ việc làm này và rồi nó đã trở thành nếp sinh hoạt trong gia đình. Năm nay 27/7 vào ngày thứ hai nên các con cháu tôi sẽ tề tựu về nhà hôm chủ nhật. Tôi làm cơm thắp hương cho đồng đội sớm hơn 1 ngày. Có những năm tôi bị ốm thì con gái, con dâu sẽ chủ động làm giúp mẹ” - bà Lan kể.

Cũng trong dịp này, phần lớn gia đình có người tham gia cách mạng cũng như hội đồng ngũ đều tổ chức hàng loạt hoạt động hướng về các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh, và tri ân những người đang còn sống. Chúng gồm nhiều hình thức đa dạng, cụ thể như đi thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi - động viên gia đình thương binh, đồng đội trong hội đồng ngũ đã khuất; tặng quà - gặp gỡ gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn…

Mấy năm nay, cứ dịp về quê giỗ ông nội vào 27/7, anh Nguyễn Thành Văn - con trai ông Phiếm lại đưa các con của mình ra nghĩa trang liệt sĩ xã để thắp hương. Anh Văn kể rằng, các con anh nhớ rõ việc này và luôn nhắc bố đưa ra nghĩa trang. Khi đến nơi, không cần người lớn chỉ, bọn trẻ đã tìm được mộ tổ tiên để làm lễ, rồi lo hương khói cho các ngôi mộ khác.

“Tôi thường dẫn con đi cùng, rồi kể rành mạch về sự hy sinh của thế hệ ông cha để con trẻ hiểu được mình sau này sẽ phải chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn, biết nghe lời và trở thành những người có ích cho xã hội” - anh Văn chia sẻ.

Linh Giang

Nguồn bài viết : Xổ số miền Nam thứ Nam

Top