Những bức tường gốm sứ - thông điệp quảng bá văn hóa bốn phương

2025-01-17 18:50:18
Khởi động dự án tranh tường hỗ trợ giáo dục nguy cơ bom mìn tại Quảng Trị
Ra mắt tranh tường cổ động tình hữu nghị Việt Nam – Cuba

Văn hóa nước ngoài trên nền gốm Việt

Việt Nam là một trong những cái nôi của nghề gốm thế giới. Từ những nguyên liệu thô sơ là đất, nước và lửa, dưới bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của nghệ nhân Việt, những tác phẩm gốm ra đời, mang giá trị mỹ thuật cao, thể hiện dòng chảy văn hóa và lịch sử của dân tộc qua từng vùng miền, từng thời kỳ lịch sử.

Qua việc lựa chọn gốm Việt để thể hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật nước ngoài đã cho thấy tình cảm, sự trân trọng của bạn bè quốc tế với chất liệu truyền thống Việt Nam và mong muốn qua đó giới thiệu các nét đẹp văn hóa nghệ thuật từ nhiều đất nước và vùng miền trên thế giới.

Cuối tháng 6/2022, bức tranh gốm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Kazakhstan trong khuôn viên Học viện Ngoại giao được khánh thành. Đây là món quà của chính phủ và nhân dân Kazakhstan tặng Học viện Ngoại giao thông qua Đại sứ quán Kazakhstan tại Hà Nội.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Phạm Lan Dung chụp ảnh bên bức tranh tường Kazakhstan

(Ảnh: Vũ Khánh).

Bức tranh dài 14m, cao 2m, thể hiện lại tác phẩm hội họa của họa sĩ nổi tiếng Kazakhstan Leyla Mahat - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Kulanshi ở thành phố Astana, Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Á-Âu Kazakhstan và là Phó Giáo sư Khoa Hội họa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kazakh.

Bức tranh mang tính biểu tượng cho nét đẹp đặc trưng của nền văn hóa lâu đời Kazakhstan với phiến đá cổ được khắc những ký tự chữ viết cổ Kazakh. Những chú ngựa khỏe khoắn gắn bó với cuộc sống du mục truyền thống trên các thảo nguyên rộng lớn giữa những biển mây huyền ảo trở thành đề tài chính trên nhiều tác phẩm hội họa của Leyla Mahat. Sự kết nối từ truyền thống đến hiện tại được thể hiện ở cuối tranh với cặp đôi nam nữ trẻ như từ trong phim Avatar bước ra với hoa văn biểu tượng của Kazakh trên trán.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người đã chuyển thể tác phẩm hội họa của Leyla Mahat sang chất liệu gốm truyền thống của Việt Nam cho biết: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi được giao trách nhiệm thực hiện bức tranh gốm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Kazakhstan. Tôi mong muốn thông qua các tác phẩm tranh gốm kết hợp hài hòa nghệ thuật hội họa Việt Nam và các nước sẽ thể hiện, quảng bá văn hóa của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, vào tháng 5/2022, nhân dịp khai trương Trung tâm Hợp tác Việt - Mỹ, Đại sứ quán Mỹ và Học viện Ngoại giao đã ra mắt công chúng bức tranh gốm Tình hữu nghị Việt- Mỹ.

Bức tranh dài 25m cao 1,8m được gắn trên bức tường trong khuôn viên Học viện Ngoại giao ngay đối diện Trung tâm Hợp tác Việt - Mỹ thể hiện phong cảnh hùng vĩ của Grand Canyon – kỳ quan thiên nhiên thế giới tại bang Arizona. Tiếp đó là hình ảnh mang tính biểu tượng của nước Mỹ: Cầu Cổng Vàng của San Francisco ở bờ Tây; tòa nhà Empire State của New York ở bờ Đông nổi bật trên nền quốc kỳ Mỹ; tượng nữ thần Tự Do ở New York; quần thể tượng đài chân dung bốn vị tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln được tạc trên núi Rushmore phía nam tiểu bang South Dakota miền Trung Tây Hoa Kỳ.

Trên bức tranh gốm, các biểu tượng di sản thiên nhiên và văn hóa của Hoa Kỳ và Việt Nam được diễn tả theo lối đồng hiện, đan xen vào nhau một cách đặc biệt. Khuê Văn Các nổi bật trên nền quốc kỳ Việt Nam được đặt song song với Điện Capitol - tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC đan cài với đầm sen nở rộ của thủ đô Hà Nội.

Văn miếu Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam cùng sánh với Đại học Havard danh tiếng của Hoa Kỳ. Kết thúc bức tranh là khung cảnh Vịnh Hạ Long tráng lệ. Hàng nghìn viên gốm mosaic nhỏ ghép vào nhau để tạo nên những sắc độ lung linh của những ngọn núi được phủ màu xanh diệp lục tràn đầy sức sống soi bóng trên mặt nước xanh biếc của Vịnh Hạ Long huyền thoại.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Knapper cho biết: “Hoa Kỳ và Việt Nam đều tự hào sở hữu hai kỳ quan thiên nhiên thế giới hết sức độc đáo. Đó là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của hai dân tộc sẽ giúp chúng ta có những đồng cảm và hiểu nhau hơn trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng”.

Cầu nối gắn kết tình hữu nghị các nước

Trong số các dự án tranh tường họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tham gia, dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng được xem là một trong những công trình nghệ thuật ngoài trời tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, được Tổ chức kỷ lục Guinness Thế giới trao bằng kỷ lục Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới vào đúng dịp diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010).

Con đường gốm sứ có chiều dài 3.850m, diện tích 6.950 m2, gồm nhiều bức tranh chủ đề khắc họa lịch sử dân tộc từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

20 hoạ sĩ Việt Nam, 100 nghệ nhân và thợ thủ công, 15 nghệ sĩ quốc tế đến từ 12 nước, 50 sinh viên mỹ thuật, 300 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế đã tham gia dự án này.

Công trình gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội không chỉ bởi những hình ảnh khắc họa nét đẹp văn hóa Việt Nam, từ những hình ảnh dân gian truyền thống đến những hình ảnh thời hiện đại, phản ánh thời kỳ đất nước đổi mới, phát triển mà còn bởi đặc trưng văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới được thể hiện trên chất liệu gốm truyền thống của Việt Nam.

Trên Con đường gốm sứ có đoạn tranh gốm của nhiều quốc gia như: Argentina, Chile, Venezuela, Sri Lanka... Đến chiêm ngưỡng công trình này, du khách có thể thấy được hình ảnh pháo đài đá tự nhiên hay còn gọi là "tảng đá sư tử" cao gần 200m dựng thẳng đứng giữa trời xanh - một trong những khung cảnh ấn tượng nhất của Sri Lanka hay những hình ảnh đời thường rất quen thuộc ở quốc đảo này như cảnh ngư dân câu cá bằng cà kheo, vũ công Kandyan truyền thống trong điệu nhảy cầu cho mùa màng tươi tốt. Du khách cũng thấy được những hình ảnh tiêu biểu của đất nước Argentina như vũ điệu Tango, phong cảnh thiên nhiên nhiệt đới rực rỡ sắc màu.

Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết, bạn bè quốc tế đặc biệt yêu thích công trình này. Họ nhận xét ngắm Con đường gốm sứ dường như thấy được những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội và các vùng miền khác của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại sứ quán cũng mong muốn có hình ảnh của đất nước họ trên Con đường gốm sứ như một cách ngụ ý rằng văn hóa bốn phương hội tụ về Thủ đô Hà Nội. Không chỉ mang ý nghĩa nghệ thuật, những bức tranh tường còn là cầu nối làm sâu sắc thêm tình cảm, sự hiểu biết và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Họa sĩ Brazil vẽ tranh tường lớn nhất thế giới, rộng gần 6.000m2
Ngắm bức tranh tường 3D "phong cảnh góc phố Venice" đầy màu sắc trong ngõ nhỏ Hà Nội

Nguồn bài viết : KM Game Bài 3d

Top