“Đại sứ không lương” về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước

2024-12-21 12:03:37
Kiều bào là sứ giả lan tỏa tình yêu Trường Sa
Bồi đắp thêm sự hiểu biết và tình yêu về chủ quyền, biển đảo quê hương cho thế hệ trẻ

Có hẹn với Trường Sa muôn trùng sóng vào dịp tháng 5, mỗi kiều bào đến Trường Sa mang theo hành trang là những góc nhìn, quan điểm và cảm xúc của riêng mình. Song sau mỗi chuyến đi, tất cả đều có chung một “mẫu số” về niềm tự hào dân tộc. Chạm vào những nhành hoa, hạt cát, rặng san hô nơi biển đảo thiêng liêng, mỗi kiều bào đã trở thành một mốc chủ quyền Trường Sa.

Đối với Nhà báo-Họa sỹ Etcetera Nguyễn (kiều bào Mỹ), người may mắn có cơ hội 5 lần đến Trường Sa và nhà giàn DK1, ngay từ chuyến thăm đầu tiên đã xóa bỏ những ngờ vực, nỗi hiềm khích, định kiến về Việt Nam... Với anh, mỗi chuyến đi là một cảm xúc mới, một niềm tin yêu mới để anh tình nguyện trở thành một “đại sứ không lương,” “một gạch nối” của trong nước và cộng đồng người Việt khắp thế giới, cùng nhau mang lại điều tốt đẹp hơn cho đồng bào ta.

Các đại biểu kiều bào tham dự Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong không khí nghiêm trang và xúc động tại boong tàu Trường Sa 571. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Từ việc vượt ra “vùng cấm” bưng bít thông tin...

Anh Etcetera Nguyễn, tên khai sinh là Nguyễn Quang Trường sang Mỹ từ năm 1991, được bảo lãnh về California - nơi hiện có cộng đồng khoảng 1 triệu người Việt Nam sinh sống. Theo anh, đây cũng là cộng đồng có nhiều quan điểm khác biệt về Việt Nam bởi phần lớn những người thuộc chế độ cũ qua Mỹ sau năm 1975.

Hòa nhập được với xã hội của Mỹ, cộng đồng người Việt dần dần quy tụ với nhau, lập nên những thành phố đa số là người Việt Nam sinh sống như Westminster, Santa Ana, Fountain Valley, Garden Grove...

“Trong suốt thời gian đó, tôi thấy rõ nét khuynh hướng khác biệt về mặt chính trị đối với Việt Nam. Tin tức được truyền tải trong cộng đồng phần lớn là những cái nhìn tiêu cực và không phải ai cũng đón nhận thông tin về Việt Nam. Họ giống như tự bịt tai, bịt mắt, từ chối tất cả những thông tin từ Việt Nam. Thậm chí, có những người cố gắng thoát ra khỏi rào cản “vùng cấm,” chủ động đưa thông tin cho gia đình, người thân khi về Việt Nam, nhưng chỉ được đón nhận những gì thích nghe. Những ai có sự khác biệt như cởi mở hơn, đi tìm đến sự thật nhiều hơn về tình hình đất nước thường bị cô lập, kỳ thị, phản đối” - anh Etcetera Nguyễn cho biết.

Từ năm 2004, anh Etcetera Nguyễn có ý tưởng xuất bản một ấn phẩm hàng tuần có tên Việt Weekly với mong muốn “phải tìm sự thật” bởi anh cho rằng, những thông tin nhận được từ cộng đồng tự nhận là dân chủ, tự do, nhân quyền đó chỉ là “một sự khép kín”.

Nhà báo, Tổng Thư ký Việt Weekly, anh Etcetera Nguyễn tặng bức ký họa của mình cho chiến sỹ tại Trường Sa vào tháng 4/2012. Ảnh: Dân Việt

Vào thời điểm tòa soạn Việt Weekly đã thành lập được 2 năm, anh quyết định về Việt Nam để tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006. Rất nhiều thông tin anh ghi nhận được khác hẳn với thông tin cực đoan trong cộng đồng nói với nhau. Các bài báo này đã phá vỡ việc bưng bít thông tin trong cộng đồng người Việt ở California, từ thời điểm năm 1975 tới thời điểm đó.

Đặc biệt, cuộc phỏng vấn thẳng thắn với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trang trọng lên bìa báo Việt Weekly khiến cả cộng đồng sửng sốt vì những tổ chức chính trị “chống cộng” ở hải ngoại không muốn tiếng nói, hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên báo chí cộng đồng. Trong khi người dân trong cộng đồng rất đón nhận những “làn gió mới” đó. Những phóng viên của Việt Weekly bị dán nhãn “tuyên truyền cho cộng sản”.

“Trong 3 năm (2007-2010), họ biểu tình trước cửa tòa soạn, phá những nơi phát hành báo in, báo giấy của chúng tôi và đe dọa các thân chủ quảng cáo, độc giả nhằm cắt tiếng nói của tòa soạn. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn với chúng tôi. Đến năm 2010, cùng với xu thế khó khăn của báo in, tòa soạn Việt Weekly chuyển hướng làm báo mạng và tiếp tục thông tin về tình hình thực tế của Việt Nam tới cộng đồng” - anh Etcetera Nguyễn cho biết.

... đến sự thật không thể chối cãi về chủ quyền biển đảo

Gắn bó với công việc làm báo, anh Etcetera Nguyễn tiếp tục có cơ duyên về Việt Nam nhiều lần sau đó. Năm 2012, anh đại diện cho các kiều bào tham dự sự kiện văn hóa về ngôn ngữ tiếng Việt. Trong dịp đó, nhà báo Etcetera Nguyễn nhấn mạnh sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài lúc đó là vấn đề chủ quyền biển đảo, cũng như sự khác biệt quan điểm chính trị về chủ quyền biển đảo giữa trong và ngoài nước rất sâu sắc.

Tại đây, anh đề xuất tổ chức chuyến đi dành cho kiều bào đến biển đảo để họ có cơ hội được trở về và tận mắt chứng kiến. “Sau đó không lâu, chúng tôi nhận được thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có một chuyến đi đầu tiên vào ngay trong năm 2012” - anh Etcetera Nguyễn nhớ lại.

Kể lại về chuyến đi đầu tiên của bà con kiều bào đến Trường Sa cách đây đúng 10 năm, trong tưởng tượng có một chút hoài nghi, do dự, anh Etcereta Nguyễn nghĩ về một Trường Sa xa xôi, hoang vu, vắng vẻ. Khi tới nơi, anh đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi thấy cuộc sống phong phú của người dân, cơ sở hạ tầng được nhà nước dành sự quan tâm, đầu tư. Nơi biển đảo xa, vẫn nghe được tiếng chuông chùa, tiếng trẻ con ê a học bài, được chứng kiến những trận thi đấu thể thao...

“Điều đặc biệt, tôi rất trân trọng những người lính trẻ, những người lính giữ đảo có làn da rám nắng ngày đêm giữ biển đảo và những câu chuyện của họ. Họ là những con người có ước mơ, có thao thức về gia đình, tình yêu và về lý tưởng. Nhưng tất cả điều đó đều đặt dưới nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng đã được giao,” nhà báo kiều bào kể lại.

Tại các đảo và điểm đảo, anh vẽ ký họa chân dung cho người dân, các chiến sỹ với mong muốn mang lại một chút niềm vui cho những người anh gặp. Qua đó, anh cũng có cơ hội trao đổi, trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện hết sức đời thường của các chiến sỹ, cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết của người chiến sỹ trẻ hô vang lời thề bảo vệ Tổ quốc, trọn lời thề giữ đảo thiêng liêng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải.

“Hình ảnh đó làm tôi có niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Sau chuyến đi ra thăm Trường Sa đầu tiên ấy, không chỉ riêng anh, nhận thức của nhiều kiều bào “đứng bên kia chiến tuyến” đã thay đổi hoàn toàn”, anh Etcereta Nguyễn chia sẻ.

Ngay khi trở về nước sau hành trình đến Trường Sa năm 2012, Nhà báo Etcetera Nguyễn thực hiện ngay một cuộc triển lãm nhỏ tại tòa soạn với hơn 200 tấm hình được chọn lọc từ tất cả đảo, điểm đảo anh đã đi qua; mời gọi cộng đồng người Việt đến xem và trực tiếp trao đổi, chất vấn, thuyết phục về những vấn đề liên quan.

“Một trong những điều quý giá nhất kiều bào nhận được sau chuyến đi là niềm tự hào, sự thật không thể chối cãi về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mỗi kiều bào được mắt thấy, tai nghe sẽ xóa tan những xuyên tạc lệch lạc trước đó, làm sao phá vỡ được “bức tường truyền thông cô lập và đóng kín” còn sót lại của bên kia đối lập với Việt Nam” - kiều bào Mỹ nói.

Và “mẫu số chung” tình yêu quê hương đất nước

Nhân chuyến đi Trường Sa lần này, anh Etcetera Nguyễn còn thực hiện chuyến công tác đến các điểm cột mốc biên giới phía Bắc. Bằng những hình ảnh chân thực, câu chuyện của người dân và các chuyên gia, anh thừa nhận, đây là một thành công lớn trong vấn đề ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc.

“Cuộc đấu tranh của phía Việt Nam rất đáng được ghi nhận, trân trọng và hoan nghênh bởi vô cùng khó khăn, thậm chí rất căng thẳng để có được quyết định quan trọng, dựa trên quyền lợi của đôi bên, trên những tài liệu trước đây. Vấn đề đàm phán vô cùng phức tạp song chúng ta kiên quyết giữ được mọi vị thế có thể có được, góp phần gìn giữ mối quan hệ và thúc đẩy giao thương giữa hai nước,” anh Etcetera Nguyễn chia sẻ.

Hơn 40 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Với tư cách là một nhà báo, anh Etcetera Nguyễn cho rằng trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36-NQ/TW; Chỉ thị 45/CT-TW và gần đây là Kết luận số 12-KL/TW chính là những “cánh cửa mở rộng” với bà con kiều vào trên khắp thế giới.

So với 10 năm trước đây, nhiều người mong muốn được ra nước ngoài để tìm cơ hội sống nhưng bây giờ làn sóng ngược trở lại và càng lúc càng tăng số người muốn về Việt Nam hơn. Bởi Việt Nam đang có vị thế quốc tế rất tốt. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đi đúng hướng.

“Tính từ thời điểm năm 1975 cho tới nay, có thể đi qua 2-3 thế hệ. Khác với thế hệ đầu còn nhiều ý kiến trái chiều, tiêu cực, thế hệ thứ hai, thứ ba lớn lên có cái nhìn khác, độc lập, không chịu gánh nặng bởi tư tưởng hận thù. Trong làn sóng tăng cường giao lưu giữa hai nước, những câu chuyện “thuộc thế hệ trước” trong giới trẻ cũng dần phai mờ. Những bộ phận có tư tưởng cực đoan ngày càng ít đi và chỉ là thiểu số” - anh Etcetera Nguyễn nhận định.

Trong thực tế, một số chính sách mua đất, mua nhà, kết hôn, chính sách hộ khẩu... của Việt Nam hiện nay rất cởi mở, tạo điều kiện cho mỗi kiều bào có cơ hội được trở về gắn bó với quê hương. Anh Etcetera Nguyễn tâm sự: “Trước đây, người ta nghĩ rời khỏi đất nước gần như là một cuộc đoạn tuyệt, đi không trở về. Nhưng đến nay, những điều đó không còn giá trị nữa bởi vì như chúng tôi chia sẻ với nhau, mẹ Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, người dân Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đón chào.”

Theo nhà báo kiều bào, quan trọng nhất, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ cốt lõi trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Từ việc tôn trọng những góc nhìn, quan điểm của mỗi kiều bào - những “tử số” khác nhau, để đưa ra được “mẫu số chung” là tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết luận đã khơi đúng mạch nguồn, chân lý của mỗi người dân Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

“Cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi, tôi vẫn mong muốn được là “đại sứ không lương”, là “gạch nối” kết nối giữa trong nước và kiều bào” - Nhà báo, họa sỹ Etcetera Nguyễn cười nói.

Lớp học 6 trong 1 ở Trường Sa
Kiều bào xúc động khi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1
Top