Việt Nam - Nhật Bản: Lịch sử gắn kết lâu đời, hiện tại và tương lai hợp tác sâu rộng |
Trải nghiệm văn hóa Fukuroi, Nhật Bản tại Huế |
Thông tin này được Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Loan và Học viên cao học Ứng Hoàng Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học quốc tế "Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai" diễn ra vào tuần qua. Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Theo hai tác giả, hoạt động giảng dạy tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Tokyo diễn ra trong khoảng 10 năm, sau đó có một thời gian khó khăn và chỉ phục hồi từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.
Một kỳ thi năng lực tiếng Việt do Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản thuộc Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen tổ chức. (Ảnh: VOV) |
Ở những năm khởi đầu, tiếng Việt cũng được giảng dạy tại hai trường dân lập ở Tokyo là Trường Ngoại ngữ Keio và Viện Nghiên cứu Á Phi. Các khóa học tiếng Việt được tổ chức chủ yếu dành cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Đông Nam Á.
Từ năm 2009, hoạt động giảng dạy tiếng Việt và phổ biến văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ rộng rãi của chính phủ Nhật Bản. Hợp tác giảng dạy tiếng Việt giữa các trường đại học Nhật Bản và Việt Nam được tăng cường đáng kể. Một số trường đại học mở thêm chuyên ngành tiếng Việt. Một số trường giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai hoặc môn học tự chọn. Sinh viên Nhật Bản được cung cấp nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và xã hội Việt Nam thông qua các chương trình du học, trao đổi tại Việt Nam.
Đến năm 2020, nhiều trường đại học ở Nhật Bản giảng dạy tiếng Việt như: Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Ngoại ngữ Kanda, Đại học Nữ Showa, Học viện Ngoại ngữ Kanda, Đạ học Kobe, Đại học Waseda...
Một số trường có chuyên ngành tiếng Việt được tổ chức riêng biệt với các chuyên ngành ngoại ngữ khác như: Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Ngoại ngữ Kanda và Học viện Ngoại ngữ Kanda. Đại học Ngoại ngữ Tokyo và Đại học Osaka là những trung tâm giảng dạy tiếng Việt uy tín ở bậc đại học và sau đại học. Trong khi đó, tại Học viện Ngoại ngữ Kanda có Bộ môn tiếng Việt trực thuộc Khoa Ngôn ngữ Á - Âu (ra đời năm 2014), sinh viên có 2 năm (6 học kỳ) học tiếng Việt, bao gồm 4 học kỳ ở Nhật Bản và 2 học kỳ du học tại Đại học Hà Nội (Việt Nam).
Tại Đại học Nữ Showa, tiếng Việt được giảng dạy như một trong những ngoại ngữ thứ hai song song với ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh. Từ năm 2016, sinh viên năm nhất ngành Nghiên cứu quốc tế (khoa Quốc tế học) ngoài học tiếng Anh có thể lựa chọn một trong 6 ngôn ngữ (tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt) làm ngoại ngữ thứ hai. Chương trình học tiếng Việt kéo dài 4 năm, trong đó sinh viên chọn tiếng Việt có 2 học kỳ (10 tháng) du học tại Việt Nam sau năm học thứ hai.
Ở bậc phổ thông, từ năm 2007, trường THPT Quốc tế Kanto, Tokyo (tiền thân là trường THPT nữ Kanto) mở thêm bộ môn tiếng Việt, chủ yếu dạy cho các trẻ em lai hoặc con em cán bộ ngoại giao. Học sinh học tiếng Việt như một ngoại ngữ chính từ lớp 10 đến lớp 12. Trong chương trình học, học sinh lớp 11 đi thực tế ở Việt Nam 2 tuần trong năm để thực hành ngôn ngữ và hiểu về văn hóa Việt Nam.
Tiếng Việt cũng được giảng dạy tại các trung tâm Việt ngữ ở một số nơi có đông Việt kiều sinh sống như Tokyo, Osaka, Kobe và Hiroshima.
Tính đến năm 2019, Nhật Bản là nước đầu tiên và duy nhất tự tổ chức "Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt" với dạng đề và các cấp độ đánh giá riêng. Năm 2017, Hiệp hội Xúc tiến và Giao lưu Ngôn ngữ Đông Nam Á Nhật Bản (J-TAG) lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt tại nước này với tên gọi "Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Việt thực hành" (ViLT) nhằm truyền bá tiếng Việt và nâng cao trình độ học tập, đánh giá và chứng nhận một cách công bằng, bình đẳng về trình độ tiếng Việt chuẩn.
Kỳ thi ViLT tại Nhật Bản với 7 cấp độ (ở Việt Nam chỉ có 6 cấp độ) được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 6, dành cho những người có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Việt. Qua các năm tổ chức, số lượng thí sinh dự thi ViLT có xu hướng tăng: từ 379 thí sinh (năm 2017) lên 565 thí sinh (năm 2018) và 703 thí sinh (năm 2019). Năm 2020 kỳ thi bị hoãn do dịch Covid-19 bùng phát.
Tại kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 6 do Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản tổ chức hồi tháng 6/2023, ông Ise Yoji, Hiệu trưởng Trường cao đẳng ngoại ngữ Nhật Bản cho biết: Sự yêu thích Việt Nam đối với người Nhật Bản ngày càng tăng. Lý do bởi Việt Nam là nước có tính giao lưu cao, người Việt Nam có tính cách cũng như văn hóa để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với người Nhật Bản. Điều đó đã kết nối người Nhật Bản có hứng thú với việc học tiếng Việt. Để khuyến khích người Nhật Bản học tiếng Việt, ông cho rằng chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ để giúp cho kỳ thi có tính khách quan cao và đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh. Đồng thời phối hợp với các khoa tiếng Việt tại các trường đại học của Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của kỳ thi này. |
Hai người Việt được Chính phủ Nhật Bản trao huân chương đợt mùa thu năm 2023 |
Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản |