Thống kê Bộ, ngành

Lưu học sinh Lào, Campuchia hào hứng nghe bố mẹ Việt kể chuyện Vua Hùng

2024-12-20 19:04:35
Lưu học sinh Lào trong mái ấm gia đình Việt
Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia đoàn kết, hướng về cội nguồn

Ông Tuyến kể: Tối 27/4/2023, ông nhận được điện thoại của Pu Thia (32 tuổi, quê ở Soài Riêng, Campuchia). Pu Thia được ông nhận đỡ đầu từ tháng 5/2014 khi anh đang là sinh viên khoa Điện tử - Viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Pu Thia hỏi thăm bố có về quê Phú Thọ để giỗ Tổ Hùng Vương. Nghe ông nói đang ở quê, Pu Thia mong năm sau có thể cùng bố về thắp hương tưởng nhớ vua Hùng.

Ông Phạm Tuyến (thứ tư, từ phải qua) chụp ảnh cùng gia đình Pu Thia khi thăm Đền Hùng vào dịp rằm tháng Giêng năm Quý Mão (Ảnh: NVCC).

Vợ Pu Thia là người Phú Thọ. Rằm tháng Giêng năm nay, anh đưa vợ con về thăm quê ngoại rồi mời bố Tuyến cùng cả gia đình đi thăm Đền Hùng. Đây là lần thứ hai Pu Thia đến đất Tổ. Lần đầu anh được bố Tuyến đưa đi thăm quan khi đang là sinh viên. Đối với chàng trai Campuchia, huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, truyền thuyết bánh chưng, bánh dày đã không còn xa lạ.

Cũng như Pu Thia, 8 lưu học sinh Campuchia được ông Tuyến đỡ đầu trước đây đều được ông đưa về quê nhà Lâm Thao (Phú Thọ) và thăm khu di tích lịch sử Đền Hùng ở thành phố Việt Trì khi các cháu tốt nghiệp sắp về nước. Trước khi đi, ông cho các cháu tìm hiểu về cội nguồn di tích Đền Hùng qua sách báo. Đến nơi, ông giới thiệu chi tiết từng điểm di tích như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng...

Tại đền Giếng, ông kể cho các con đỡ đầu nghe về sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm Đền Hùng vào năm 1954. Bác ngồi ngay ở bậc cửa đền Giếng, trò chuyện với cán bộ chỉ huy thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308 ) trong hoàn cảnh các trung đoàn thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong đang hành quân về tập kết để tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trong buổi chuyện trò, Bác đã căn dặn con cháu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ông Phạm Tuyến cùng ba con đỡ đầu người Campuchia trong dịp thăm quan Đền Hùng năm 2019 (Ảnh: NVCC).

Hiện trong 5 cuốn album chụp cùng 9 lưu học sinh Campuchia được ông Tuyến giữ gìn có một cuốn album được ông đánh dấu riêng và ghi rõ ngoài bìa: "Đưa sinh viên Campuchia về quê Bản Nguyên, Lâm Thao, Phú Thọ, thăm di tích Đền Hùng". Những bức ảnh được ông cẩn thận ghi chú ngày tháng năm, chụp cùng con đỡ đầu nào, địa điểm chụp... ở mặt sau. Ông đặc biệt thích hai tấm ảnh chụp cùng 3 người con đỡ đầu bên tấm bia đá khắc dòng chữ "Con người có tổ có tông như cây có cội, như sông có nguồn" và "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

"Dù đã về nước song đất Tổ Phú Thọ vẫn in sâu trong tâm trí các cháu. Vậy nên, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm tôi, các cháu vẫn nhớ sự trùng hợp độc đáo của dân tộc Việt Nam: đó là dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam thường gần với dịp giỗ Tổ Hùng Vương", ông Tuyến nói.

Thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam

Đối với Mina Xayyavong (19 tuổi, quê ở Viêng Chăn, Lào), lưu học sinh Lào tại trường Hữu nghị T78 (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), chuyến thăm quan đền Hùng vào đầu tháng 3/2023 do nhà trường tổ chức là trải nghiệm đáng nhớ và nhiều ý nghĩa.

Mina Xayyavong (thứ hai từ trái sang, hàng dưới) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn khi thăm quan khu di tích lịch sử Đền Hùng (Ảnh: NVCC).

Mina kể: Xe xuất phát từ sáng sớm ngày 2/3 đưa chúng em đến đất Phong Châu - đế đô của nhà nước Văn Lang trước đây. Không gian khu di tích rất rộng, có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh sắc thiên nhiên, có địa thế cao hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. Xe đỗ ở bên ngoài, chúng em đi bộ một quãng đường dài mới đến được chân núi.

"Đường xa, những bậc thang nhiều và cao. Dẫu mệt vì phải đi bộ nhiều nhưng những câu chuyện đã tiếp thêm động lực cho chúng em. Ở trường, chúng em tìm hiểu qua internet, được nghe thầy cô kể về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên; sự tích trăm trứng nở trăm con; biết rằng 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống bể, 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi; người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương... Thế nhưng cảm giác được trải nghiệm thực tế thật sống động. Qua chuyến đi này, chúng em được biết thêm về văn hóa, lịch sử, nguồn cội của dân tộc Việt Nam", Mina nói.

Theo các thầy cô giáo ở trường Hữu nghị T78, những chuyến đi trải nghiệm thực tế đã giúp các bài học trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn với các em lưu học sinh. Các em không chỉ nhớ bài học mà còn hiểu thêm, yêu thêm đất nước, con người Việt Nam và có động lực học tiếng Việt.

Ấm áp bữa cơm đầu tiên của lưu học sinh Lào ở nhà bố mẹ Việt
Lưu học sinh Lào nói tiếng Việt lưu loát hơn sau thời gian sống cùng bố mẹ Việt
Top