Ý kiến nêu trên vừa được ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel chia sẻ tại phiên tham luận trong khuôn khổ hội thảo cấp quốc gia: “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam” được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/6 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel tham luận về một số vấn đề để hoàn thiện pháp luật đối với hạ tầng số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. |
Cũng trong tham luận về một số vấn đề để hoàn thiện pháp luật đối với hạ tầng số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 được trình bày tại hội thảo, ông Dũng cho hay, hạ tầng số trong góc nhìn của Viettel chính là hạ tầng truyền tải, lưu trữ, xử lý các ứng dụng và dữ liệu kinh doanh để phục vụ cho các hoạt động của toàn xã hội.
“Như vậy, hạ tầng số có thể bao gồm các hạ tầng phần cứng như thiết bị kết nối dữ liệu và những hạ tầng mềm gồm nguồn nhân lực số, văn hóa số và đặc biệt là hạ tầng pháp lý”, ông Dũng nêu.
Nhấn mạnh dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong hạ tầng số, đại diện Viettel đã tập trung đề cập đến 4 vấn đề pháp lý liên quan đến dữ liệu số mà các doanh nghiệp, trong đó có Viettel mong muốn sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.
Cụ thể, theo ông Dũng, mặc dù đã được nói đến nhiều nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước cũng như giữa doanh nghiệp với xã hội, người dân.
“Việc chưa chia sẻ dữ liệu gây lãng phí cho nguồn nhân lực trong việc thu thập, xử lý dữ liệu; gây trùng lặp, mâu thuẫn giữa các dữ liệu trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản của hạ tầng số trong CMCN 4.0 chính là chia sẻ thông tin, dữ liệu và đồng vận hành trên một nền tảng dữ liệu chung thống nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị Trưởng ban Chiến lược của Viettel nhận định, Việt Nam cũng đang thiếu quy định pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thực số cho các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt là trong việc thực hiện các dịch vụ hành chính công, các dịch vụ tài chính ngân hàng, trung gian thanh toán. Việc thiếu các quy định này cũng ảnh hưởng đến quá trình số hóa.
Theo phân tích của ông Dũng, nhiều hoạt động của các cơ quan nhà nước, các dịch vụ công đang được thực hiện theo hình thức số hóa một phần, sau đó lại có công đoạn nộp các giấy tờ bản cứng có chứng thực - điều này làm cho hành trình số của công dân cũng như tổ chức bị gián đoạn, gây một sự lãng phí.
Một tồn tại, hạn chế nữa liên quan đến dữ liệu, theo chia sẻ của đại diện Viettel, đó là vẫn đang thiếu các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, trong các hoạt động lưu trữ.
Hiện về cơ bản các cơ quan, tổ chức vẫn phải lưu trữ song song cả 2 loại hồ sơ, đó là điện tử và giấy, đặc biệt là những hồ sơ liên quan đến tài chính. “Ngay như tập đoàn Viettel hiện cũng có hẳn 1 nhà kho để lữu trữ dữ liệu giấy. Và mặc dù đã điện tử hóa những vẫn phải có quá trình lưu trữ tài liệu giấy hàng tháng, hàng quý. Chúng tôi thấy rằng cần tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị có thể nhanh chóng tối ưu chi phí này”, đại diện Viettel chỉ rõ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thiếu các quy định về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân. “Chúng tôi cho rằng hiện nay các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã có được nguồn dữ liệu khách hàng rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng các dữ liệu này còn hạn chế và chưa phát huy hết tiềm năng. Một phần là do chưa có quy định pháp luật để bảo vệ quyền được khai thác dữ liệu cá nhân một cách hợp pháp”, đại diện Viettel nêu quan điểm.
Đại diện Viettel nhấn mạnh: “Hiện nay những công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đều dựa trên việc thu thập và khai thác dữ liệu, do vậy chúng tôi mong rằng cơ quan nhà nước nhanh chóng có những quy định để đảm bảo quyền khai thác dữ liệu của các doanh nghiệp, đồng thời cũng vạch ra những ranh giới đâu là việc cần thực hiện để bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Trên cơ sở phân tích cụ thể những tồn tại, hạn chế, đại diện Viettel kiến nghị cần thiết lập và tăng cường các quy định mang tính pháp lý, các chính sách làm nền tảng cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó cần có những ban hành mạnh mẽ các quy định về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu thông tin giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với người dân nhằm tiết kiệm nguồn lực trong việc thu thập, xử lý dữ liệu, đồng thời đảm bảo các dữ liệu không chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với nhau.
Cùng với đó, cần hoàn thiện pháp luật về xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, chứng thư số cho các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt là khi cung cấp, sử dụng các dịch vụ hành chính công, các dịch vụ do ngân hang ủy thác, trung gian thanh toán. “Theo đó, cần cho phép các giao dịch giữa các cơ quan nhà nước, các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể thực hiện thông qua môi trường mạng mà không cần phải sử dụng cả 2 phương thức vừa trên môi trường mạng vừa trực tiếp bằng bản cứng như hiện nay”, đại diện Viettel đề xuất.
Một kiến nghị nữa cũng được đại diện Viettel nêu ra, đó là việc sớm hoàn thiện pháp luật về văn thư lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. Theo đó, đề nghị ban hành quy định pháp luật theo hướng văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy nhằm thuận lợi cho giao dịch hành chính, tiết kiệm các nguồn lực xã hội trong việc bảo quản, lưu trữ các tài liệu giấy.
Đồng thời, đại diện Viettel cũng đề xuất việc hoàn thiện pháp luật về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ban hành các quy định cho phép khai thác các dữ liệu cá nhân mà các cơ quan, tổ chức thu thập được một cách hợp pháp; từ đó đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Trong chia sẻ tại hội thảo, TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ cho biết, trong quý IV/2019, 3 Nghị định quan trọng gồm “Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số”, “Nghị định về định danh và xác thực điện tử” và “Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân” sẽ được Bộ TT&TT, Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ. “3/4 vấn đề đại diện Viettel nêu về những khoảng trống pháp lý đã được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan xây dựng và chậm nhất là trong tháng 10 năm nay sẽ được trình Chính phủ ban hành”, ông Phan nói.
Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024