Xác chim cạnh xác cá trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình.
Phóng viên Báo SGGP có mặt tại bờ biển xã Bảo Ninh, Hải Ninh... vào ngày 26/4 ghi nhận có rất nhiều cá mới chết dạt vào bờ còn tươi. Nhiều loài cá sống tầng đáy như mú, chai, đù, đục...khá to cũng bị chết, bị sóng tấp vào bờ.
Các đoàn viên thanh niên Lâm trường Đồng Hới thu dọn dọc bãi tắm Bảo Ninh cho biết lượng cá chết lần này nhiều tương đương lần trước, tuy nhiên, điểm đáng chú ý là có nhiều xác cá to (cá sống ở tầng đáy) trôi vào bờ, cá biệt có một số xác chim bên cạnh xác cá.
Trước thông tin công ty thủy sản Phước Sang đến vùng biển Đá Nhảy, Đức Trạch (Bố Trạch) mua cá chết, cá lờ đờ trôi vào bờ biển vùng này, ông Phan Văn Gòn, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cho biết, ông đã chỉ đạo dừng ngay việc này để tránh bị ngộ độc. Ông Gòn cho biết, đợt cá chết mới cũng nghiêm trọng và thiệt hại thì chưa thống kê được. Ông Gòn cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với việc có tuyên bố tình trạng cá chết đã chấm dứt, bởi hiện cá vẫn còn chết nên chưa thể khẳng định đã hết chết.
Nhiều người dân ở huyện Quảng Trạch cũng xác nhận đợt cá chết mới này đang diễn biến phức tạp, không như những gì họ hy vọng đã chấm dứt cảnh cá chết. Ngư dân không biết khi nào có thể ra khơi để mưu sinh, còn các ngành nghề liên quan đến biển như du lịch, tắm biển, ăn uống hải sản, hậu cần nghề cá... hiện vẫn bị đình đốn chưa thể hoạt động trở lại.
Hiện tượng cá chết hàng loạt có thể tái diễn trong thời gian tới Trước tình trạng cá biển, bao gồm cả cá nuôi, chết hàng loạt trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang tích cực phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế và các cơ quan khác có liên quan xác định các nguyên nhân. Trong thời gian xác định nguyên nhân tình trạng cá chết hàng loạt và các giải pháp khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại, ngăn ngừa tác động xấu đến sức khỏe, sinh kế của người dân, cộng đồng dân cư ven biển và môi trường sinh thái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các địa phương có biển đẩy mạnh thực hiện ngay một số công việc. Cụ thể, đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân trước các thông tin về nguyên nhân gây ra cá chết chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, công bố. Đồng thời chỉ đạo tiến hành khẩn trương công tác làm sạch môi trường ở các khu vực bị ô nhiễm do cá chết, áp dụng các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biền. Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, rác thải nên có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm bùng phát tảo độc, lan truyền dịch bệnh và các chất độc hại. “Thêm vào đó, hiện tượng gia tăng phân tầng mật độ nước biển do nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến làm giảm lượng ô xy trong các lớp nước sâu là một trong những nguyên nhân có thể tiếp tục gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Để phòng tránh các hiện tượng nêu trên, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển; ngăn chặn mọi hình thức đồ rác thải tại các khu vực ven biển, ven sông; tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Các địa phương phải kịp thời thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan nhà nước khác có liên quan khi phát hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh thái biển để kịp thời có giải pháp xử lý. |
Nguồn bài viết : Cách chơi bắn cá