Đập ngăn mặn xâm nhập vào vùng sản xuất xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Các nhà tài trợ “hiến kế”
Đại diện IRRI, ông Leocadio Sebastian cho rằng, hiện tượng xâm nhậm mặn có thể dự báo trước, do đó cũng có thể dự báo được rủi ro. Việc dự báo được trước sẽ có những chuẩn bị trong sản xuất vụ Đông Xuân, đưa ra các giống ngắn ngày, giống chịu mặn hơn trong sản xuất. Có thể sản xuất 2 vụ ngắn ngày thay vì sản xuất 3 vụ dài ngày.
Ông Leocadio Sebastian cũng cho rằng, xâm nhập mặn năm nay tăng do giảm dòng nước từ thượng nguồn là chính chứ không phải nước biển dâng. Do vậy, cần quản lý dòng chảy tốt hơn. Đồng thời cần mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đại diện WB cho rằng, WB muốn cùng kết hợp với các đối tác đánh giá nhu cầu hiện nay của địa phương để hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. WB rất mong được hỗ trợ hơn nữa, xem xét hỗ trợ mang tính trung hạn, phát huy những nguồn lực hiện có và xem xét đầu tư những dự án lớn hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nhìn nhận vấn đề này theo nhiều chiều khác nhau, có đánh giá mang tính toàn diện và chiến lược chứ không phải vụ việc về cơ cấu, thể chế và ứng phó để hỗ trợ.
Về trung và dài hạn, cần hiểu tầm quan trọng của thông tin và dữ liệu về quy hoạch tài nguyên nước… Xem xét đâu là cơ chế tối ưu hóa tài nguyên nước, xem xét kế hoạch sử dụng tài nguyên nước. Những hạng mục cần đầu tư cần rà soát, tăng tốc hơn.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện ADB cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhà tài trợ rà soát lại thứ tự ưu tiên cho các dự án của Chính phủ cũng như của nhà tài trợ. Đặt ưu tiên cho các dự án vùng hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên cả về thứ tự và thủ tục. Nếu theo trật tự sắp xếp hiện tại và theo thủ tục triển khai bình thường, có những dự án đến năm 2018 mới được duyệt.
Về thiết kế kỹ thuật, hầu hết đề xuất vẫn đi theo trường phái cổ điển là hiện đại hóa kênh mương. Với tình trạng thiếu nước như hiện tại không giải quyết được. Khi kênh mương mở, người dân đầu nguồn sẽ không có tinh thần tiết kiệm để người cuối nguồn sử dụng.
Do đó, giải pháp kỹ thuật nên chuyển sang tưới bằng hệ thống ống kết hợp với cung cấp nước sinh hoạt. Cách này rất tiết kiệm nước vừa đáp ứng được thủy lợi vừa đáp ứng nước sinh hoạt, đại diện ADB cho hay.
Về mặt thể chế, đại diện ADB cũng cho rằng, cần xem lại về việc miễn thủy lợi phí. Trong trường hợp không bỏ được thì thay cách hỗ trợ thủy lợi phí theo diện tích tưới như hiện nay bằng hỗ trợ trên sản lượng nông sản sản xuất ra. Điều này vừa khuyến khích nông sản xuất khối lượng nhiều và tiết kiệm nước.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của người dân để thích ứng và đối mặt với rủi ro thiên tai.
Đầu tiên, Việt Nam cần phải có đánh giá liên ngành toàn diện và nhanh chóng về quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề để từ đó mở rộng phạm vi và quy mô ứng phó. Xem xét lại các chương trình đầu tư, các ưu tiên cho những vấn đề khẩn cấp, để đáp ứng với yêu cầu ứng phó khẩn cấp.
Nỗi khổ người dân vùng hạn mặn Hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo, tình hình còn xấu hơn trong những tháng tới, lượng nước chảy về trên sông Mekong sẽ không tăng. Nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu hơn và sẽ có khoảng gần một nửa diện tích Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng. “Đến nay đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại, phần lớn trong đó không có thu hoạch. Mỗi héc ta bình quân 5 tấn, tức có 800.000 tấn lúa bị mất. Mỗi gia đình có 0,5 ha. Như vậy gần 300.000 hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, tức khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lo lắng. Không chỉ dừng lại như vậy, khi không có nước ngọt, sau vụ Đông Xuân là vụ Hè Thu cũng không thể gieo cấy được. Sẽ có khoảng 500.000 ha, tức 1/3 diện tích lúa Hè Thu của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không được sản xuất đúng vụ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa. Do đó, năm nay sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ nông dân và hàng triệu người, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. Nhiều nơi, nước mặn bao vây, ngay cả cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, nhiều nơi đàn gia súc không có thức ăn, nước uống, nông dân bán vội và thất thu. Với thủy sản, độ mặn cao nên một số vùng nuôi ngao, hàu bị chết, tôm cũng không thể lớn nên phải thay đổi thời vụ và phương thức canh tác. Không chỉ mất thu nhập, trên 200.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt để sinh hoạt. Ở Bến Tre, người dân thậm chí phải mua 60.000-80.000 đồng/m3 nước. Nhiều nhà máy, trường học, bệnh viện, khách sạn không có nước ngọt phải mua nước, thậm chí phải dùng nước có độ mặn loãng hơn. Có thể cảm thấy độ mặn ở nước trong khách sạn ngay ở thành phố Bến Tre, cách biển 70 km. Bến Tre có 164 xã thì 160 xã bị ảnh hưởng bởi mặn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết, ngay nhà máy nước trung tâm tỉnh cũng có độ mặn 1 phần nghìn. Thiếu nước ngọt, tỉnh đã chỉ đạo chở nước bằng xà lan từ thượng nguồn, huy động cả xe phòng cháy chữa cháy... Thiếu nước ngọt đã tác động mạnh tới các hộ nghèo và cận nghèo. Do vậy cần có nguồn vốn cho hộ nghèo và cận nghèo mua sắm phương tiện tích nước. Tại khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, 2 năm qua liên tục xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Vụ Đông Xuân, các hồ chứa chỉ còn 50-60% dung tích có nước. Riêng Ninh Thuận, các hồ chỉ có 30% dung tích có nước. Ở Khánh Hòa lưu lượng nước chỉ bằng 10% so với trung bình nhiều năm, giảm 90%... Do đó, ở 3 tỉnh trên đã có 23.000 ha phải dừng sản xuất. Có vùng ở Ninh Thuận, đây là vụ thứ 4, thứ 5 phải ngừng sản xuất. Dự kiến sẽ có khoảng 40.000ha đất lúa phải dừng sản xuất và 30.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Khu vực này dự kiến có thể tới tháng 9 mới có mưa. Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên cũng nghiêm trọng không kém. Có hồ chứa ở đây không còn giọt nước nào, người dân phải đào giếng ở lòng hồ. Điều đáng lo ngại là cây cà phê sẽ bị chết nếu không cũng phải 3,4 năm sau mới khôi phục được. Nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm sẽ duy trì trong thời gian dài. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây không chỉ là El Nino mà còn là biểu hiện của biến đổi khí hậu và sẽ diễn biến nặng nề hơn. Những gì nhìn thấy hôm nay sẽ lặp lại và gay gắt hơn trong tương lai. Vì vậy, không chỉ thực hiện ứng phó trước mắt, Việt Nam cũng thực hiện ngay những biện pháp trung hạn và dài hạn: hướng dẫn nhân dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển sang chăn nuôi hoặc các nghề phi nông nghiệp; xây dựng công trình... Đồng bằng sông Cửu Long không có chỗ làm hồ chứa nên sẽ phải làm những cống ở các cửa sông để biến kênh đó thành hồ chứa nước ngọt. Không chỉ ven biển mà ngay trong nội đồng cũng phải làm để chủ động sản xuất, xây dựng hệ thống cấp nước ngọt. Ở miền Trung, cần phải xây dựng càng nhiều hồ chứa, nhưng có hồ chứa mà không có rừng cũng không có nước, cho nên sẽ phải đồng hành cùng trồng rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra. |
Theo TTXVN
Nguồn bài viết : Tin bóng đá mới nhất