Thời sự - Chính trị

2025-01-15 19:23:30

Sáng 26/11 Quốc hội đã nghe và thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, công tác thi hành án năm 2024, một số đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới hết sức tinh vi như hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Các đại biểu đề nghị các bộ ngành cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang): Liên tục cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để kết nối với các nền tảng trực tuyến công dân số là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, cũng đi kèm theo một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến. Một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta.

Bộ trưởng Bộ Công an: Vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng hơn 20%

Trong năm 2024, tội phạm về môi trường giảm nhưng số vụ trật tự xã hội năm qua tăng 12%; các vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, điều tra tăng hơn 20%

Hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như tạo lập các trang mạng giả mạo của cơ quan công an, của các cơ quan tư pháp để hướng dẫn việc tiếp nhận thông tin tội phạm.

Hay một công nghệ mới là sử dụng công nghệ Deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân hoặc cơ quan chức năng để tấn công, lừa đảo người sử dụng. Chỉ trong một năm, số vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên Internet đã bị chúng ta phát hiện và triệt phá là 1.100 vụ, tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2023; số lượng đối tượng phạm tội là 529 đối tượng, tăng gần 24% so với năm 2023; số bị can khởi tố mới là 658 bị can, tăng trên 57% so với năm 2023.

Có thể nói với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin mạng viễn thông nói riêng đã trở thành một môi trường cho tội phạm mới. Trong năm 2024 đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông.

Đồng tình với các giải pháp và biện pháp trên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Đề nghị các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng.

Theo tôi cần phải chuẩn hóa thông tin về thuê bao di động, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập, còn thiếu để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, muốn đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, tôi đề nghị Chính phủ cần đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện làm việc cho các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang)

Ngoài ra cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Hiện nay tội phạm sử dụng máy tính, mạng viễn thông cũng như các phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm phi truyền thống và siêu quốc gia cho nên chúng ta cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, tiến hành ký kết các hiệp định về tương trợ tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác theo dõi và thúc đẩy an ninh mạng ở khu vực và quốc tế. Hợp tác đa quốc gia trong việc ngăn ngừa và chống lại tội phạm về an ninh mạng này.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông): Nỗi lo bị lừa qua mạng đang hiện hữu

Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới hết sức tinh vi như hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng, các đường dây điều động, hoạt động tín dụng đen qua mạng, hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội hay như hoạt động tấn công mạng đang trở thành nỗi lo lắng trong người dân bị lừa qua mạng thành mối nguy cơ hiện hữu hàng ngày, hàng giờ nếu người dân không tỉnh táo.

Bên cạnh đó, nỗ lực tuyên truyền các cách thức thủ đoạn thì lực lượng công an và các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, là thách thức lớn đối với xã hội hiện nay.

Với một đất nước có tỷ lệ người dùng mạng xã hội lớn, chúng ta cần có sự đảm bảo an toàn, hết sức tránh những thiệt hại cho người dân thì cần có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn các hành động lừa đảo, vi phạm pháp luật thông qua mạng xã hội.

Tôi đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn về các nguồn lực cho các lực lượng tham gia làm công tác đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình cho người dân, đề xuất ban hành chế định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này trước mắt và trong dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và xã hội cho người chưa thành niên

Hiện tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng và điều này cũng đã được ghi nhận tại báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, có nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động dư luận xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Vietnam+)

Trước thực tế như vậy đòi hỏi rất cần có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn mang tính phòng ngừa và răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên có nguy cơ phạm tội.

Đặc biệt, tới đây Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đây là một đạo luật rất nhân văn nhưng cũng rất dễ trở thành chính sách để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo, xúi giục, thuê mướn người chưa thành niên thực hiện những hành vi phạm tội.

Vì vậy, các cử tri tha thiết đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan cần tích cực phối hợp trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và xã hội, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, lành mạnh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, lối sống của người chưa thành niên./.

(Vietnam+)
Top