Trẻ em Việt đang chịu áp lực nhiều hơn là yêu thương đúng cách

2025-01-17 18:50:29

Phạm vi bài viết này không đề cập đến giáo dục trong nhà trường, bởi nó mang tầm vĩ mô và khó có thể thay đổi chỉ trong ngày một ngày hai. Nhưng giáo dục trong gia đình thì hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta, những người làm cha mẹ.

Sự tò mò của trẻ đang bị kìm hãm

Một đứa trẻ 5 tuổi nhìn thấy con nòng nọc trong vũng nước ở sân trường, bé cảm thấy rất thú vị, với niềm vui này, bé lại muốn khám phá tiếp. Rồi một hôm bé nhận thấy nòng nọc mọc chân, sự thích thú khiến bé tiếp tục theo dõi quá trình tiến hóa của nòng nọc.

Một ngày, bé có thể tự tin kể cho bạn mình rằng tớ đã thấy con nòng nọc biến thành con ếch như thế nào. Sự hiểu biết dẫn đến sự tự tin. Sự tự tin tăng thêm tò mò, và từ đây lại kích thích quá trình khám phá, nhận thức và học tập.

Hãy để trẻ thỏa sức khám phá, học hỏi

Còn cha mẹ thì thường sợ thế giới bên ngoài không an toàn cho con, từ đó cấm đoán con “không được sờ vào”, “không được trèo”, “đừng làm bẩn quần áo”... Nếu người lớn tỏ vẻ ghê sợ bùn dính trên tay của con, sự khám phá thú vị về nòng nọc như trên có thể sẽ không còn. Kết quả của thái độ trên là giết chết hoàn toàn sự tò mò và óc quan sát của trẻ.

Nếu không có tính tò mò và óc quan sát, con người liệu có thể nghĩ ra được những ý tưởng mới lạ và tiến bộ không? Hay chỉ răm rắp làm theo lời người khác, nói và vấp phải một sai lầm đến hàng trăm lần? Như vậy là cha mẹ đã vô tình biến con mình thành một con rối và tước đi khả năng làm chủ cuộc sống của chúng.

Người lớn hãy chân thành chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm khi trẻ thấy hứng thú. Đừng nghĩ "những thứ đó khi lớn lên rồi con cũng được học thôi". Việc tiếp thu kiến thức đi kèm với sự hứng thú mời được lưu giữ lâu bền. Tại sao không cho trẻ học hỏi khi có cảm hứng mà lại đợi đến khi trẻ đã phát ngấy, chán nản với chồng chất bài vở thì mới ép trẻ phải học.

Cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu những gì chúng muốn

Có một cách có thể giúp cha mẹ kiên trì với những thắc mắc “trên trời dưới bể” của con đó là hãy hỏi ngược lại bé: “Con nghĩ như thế nào?”. Nếu bé liên tục hỏi về một chủ đề nào đó, ví dụ như là những đám mây, hãy đề nghị bé cùng đến thư viện và nghiên cứu một vài quyển sách nói về chủ đề này.

Trẻ đang quen dần sự thụ động và không có tính sáng tạo.

Ở một đất nước phát triển như Mỹ - quê hương của búp bê Barbie, nơi xuất xưởng hàng loạt đồ chơi hiện đại, cha mẹ vẫn thường khuyến khích con tự làm đồ chơi, tự làm quà tặng cho người thân… vào những dịp đặc biệt. Không chỉ vậy, họ còn dành thời gian quý báu để hướng dẫn và cùng làm với con. Sau mỗi lần nhìn thấy thành quả mình tạo ra, trẻ lại càng hứng thú, say mê hơn, khả năng sáng tạo cũng từ đó đâm chồi phát triển.

Tôi vẫn nhớ bài giảng lặp đi lặp lại của một mẹ Việt cạnh nơi ở vào mỗi buổi tối sau giờ cơm. Những giọt nước mắt đã rơi trên trang vở vì người mẹ cứ luôn miệng mắng nhiế: “ sao lại vẽ cái cây xấu thế này? Sao lá cây lại không tô màu xanh? Để xem ở lớp có bạn nào vẽ xấu như con không? Rồi vẽ thế này thì làm sao … được điểm cao đây?

Người mẹ đã không biết được rằng đứa con ngây thơ đã bắt đầu sợ những buổi học cùng mẹ, sợ môn vẽ mỹ thuật và sợ cả việc tự mình tìm hiểu màu của chiếc lá. Và rồi những môn học sau đó sẽ chỉ là sự chống đối.

Nhiều trẻ cảm thấy chán học vì bị bố mẹ thúc ép

Nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con cái mình là người giỏi nhất, do đó đã tạo áp lực rất nặng nề cho trẻ, dẫn đến những rối loạn thần kinh hoặc có thể trầm cảm nặng nề. Mỗi khi trẻ không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, chúng cũng cảm thấy mình thật vô dụng.

Thay vì đưa trẻ đi theo lối mòn suy nghĩ của người lớn, sao cha mẹ không cho trẻ được rẽ sang một con đường khác tươi mới và tốt đẹp hơn. Hãy nhìn chúng bằng ánh mắt trìu mến, quan tâm và khích lệ: "Cái cây con vẽ lạ quá, nhưng mẹ rất thích. Con nói đi, tại sao con lại vẽ cái cây độc đáo thế này?" hay "Màu lá cây của con đáng yêu quá! Con thấy màu lá cây của con khác với màu lá cây bình thường thế nào?"

Sự tự tin của con trong tương lai đều có thể nằm trong tầm tay của cha mẹ. Chỉ một chút thay đổi thôi, sẽ nuôi dưỡng nên những điều lớn lao.

Sự đa dạng ở trẻ đã vô tình biến mất vì cha mẹ quá cứng nhắc

Hầu như cha mẹ khó chấp nhận sự khác biệt của con mình so với những trẻ khác. Cha mẹ thường thấy khó chịu khi con người khác học giỏi văn giỏi toán, trong khi con mình tính toán chậm chạp, viết chữ nào cũng lỗi, chỉ suốt ngày ca hát hay tìm ổ kiến, con sâu. Rồi chúng ta ép con ngồi vào bàn học, rồi mắng nhiếc có, dỗ dành, thậm trí cả đánh đập, cốt làm sao cho con từ bỏ "những trò vô bổ" và đạt được điểm 9, điểm 10 ở trường.

Trẻ cần được thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê của mình

12 năm phải theo đuổi điểm số ở trường có thể sẽ hủy hoại 60 năm còn lại trong cuộc đời đứa trẻ khi sống không có niềm đam mê. Hãy tưởng tượng mỗi ngày chúng thức dậy mệt mỏi, không muốn lê bước đi làm (một công việc chỉ đơn thuần nuôi sống bản thân) và tự hỏi đam mê của mình rốt cuộc là gì, sở trường của mình rốt cuộc nằm ở đâu. Chúng sống không có mục đích, thụ động tiếp nhận mọi thứ trong cuộc sống – nơi đáng nhẽ có thể mang đến nhiều điều tươi đẹp.

Cha mẹ có thể giúp trẻ có một cuộc sống bình yên đúng nghĩa

Hãy thử một lần tìm hiểu xem tại sao con mình lại khác biệt như vậy? sự bướng bỉnh, hay lý sự, không nghe lời của trẻ có thể do học đòi bạn bè ở trường lớp nơi mà người lớn vẫn phải dỗ dành để chúng yêu thích từng ngày. Hãy tạo hứng khởi nhiều hơn là ép buộc.

Có thể nhiều người nghĩ rằng: “Tôi chả mong con mình thành nhân tài, chỉ mong nó tự nuôi được bản thân nó thôi”. Nhưng ít người nhận ra rằng nhân tài hay một người bình thường đều cần một cuộc sống bình yên đúng nghĩa, không chỉ về vật chất mà còn là sự thỏa mãn về tinh thần.

Nguyễn Thảo

Nguồn bài viết : Lô Đề

Top