Thúc đẩy phát triển bền vững ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay; di sản văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch; các bài học kinh nghiệm, giải pháp và chính sách phát triển bền vững ngành du lịch ở Nam Bộ.
Đây là 3 chủ đề được tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học về "Phát triển bền vững ngành du lịch vùng Nam Bộ trong bối cảnh mới" do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Đại học Kinh doanh EM Normandis (Pháp) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/7.
Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng phát triển du lịch bền vững là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.
Vùng Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh, thành phố với nhiều địa hình sinh thái khác nhau của hệ sinh thái sông, biển, đồng bằng và một phần đất đỏ bazan tiếp giáp cao nguyên, với nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị lớn nhất của Việt Nam... đã tạo ra nhiều tiềm năng cho phát triển ngành Du lịch.
Theo các nhà nghiên cứu, phát triển du lịch bền vững là phát triển những hoạt động du lịch với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho xã hội và cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch... trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên; đồng thời có ý thức đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của công đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững ở Nam Bộ, Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương, Văn phòng Quốc hội, cho rằng khu vực Nam Bộ có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh cùng với các di tích lịch sử. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người hòa đồng thân thiện, là điểm đến của nhiều du khách.
Chính vì vậy, việc phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững thực sự cần thiết và đây cũng là định hướng lâu dài trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
"Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía Nhà nước để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh gắn với cộng đồng trở thành một hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam," Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch xanh là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch xanh phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.
Phát triển du lịch xanh phải tôn trọng những giá trị bản địa, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với tự nhiên môi trường. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch xanh mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thúc đẩy liên kết vùng
Dưới góc độ liên kết vùng trong du lịch, Tiến sỹ Lê Thị Thu Phượng, Học viện Hành chính Quốc gia, chia sẻ, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và vai trò của liên kết vùng trong phát triển du lịch nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Đây là vấn đề nền tảng để có được các chính sách và hành động phù hợp nhằm thúc đẩy liên kết vùng. Mặt khác, cần tạo kênh đối thoại giữa lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương để thống nhất nhận thức qua đó có được sự đồng thuận mang tính tự nguyện của các chủ thể liên kết (các địa phương) trên cơ sở “tầm nhìn” về những lợi ích dài hạn sẽ có được khi tham gia liên kết phát triển Vùng.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Thu Phượng, cần tách biệt giữa liên kết mang ý chí chính trị giữa đại diện chính quyền các địa phương trong vùng với liên kết mang tính kinh tế giữa chủ thể là các doanh nghiệp du lịch.
Về bản chất liên kết du lịch nói chung và liên kết phát triển sản phẩm du lịch nói riêng là liên kết hướng tới các mục tiêu kinh tế, vì vậy, nòng cốt của liên kết vùng về du lịch phải là các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, phải có sự cam kết liên kết giữa chính quyền các địa phương trong Vùng bởi chính họ là người tạo cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch của vùng.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng trong quá trình liên kết cần xác định rõ chức năng riêng dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương trong không gian liên kết vùng với tư cách là điểm đến du lịch chung.
Đây chính là cơ sở để có được những “phân công” hợp lý giữa các địa phương trong vùng trong phát triển tổng thể điểm đến liên kết, khai thác có hiệu quả lợi thế đặc thù của từng địa phương nhằm tạo được nguồn lực tốt nhất cho chiến lược phát triển chung của vùng, hạn chế được tính trùng lặp về chức năng trong phát triển trước khi có sự liên kết phát triển vùng.
Để thực hiện được yêu cầu này cần thiết phải có đề án, phương án với những nội dung liên kết cụ thể trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của vùng.
Xu hướng du lịch tuần hoàn
Gợi mở một số định hướng về phát triển xu hướng du lịch tuần hoàn, bà Nguyễn Thị Ngân Anh, Đại học Thủ Dầu Một, cho rằng chúng ta cần xây dựng một chiến lược cụ thể cho việc chuyển đổi ngành du lịch sang định hướng tuần hoàn.
Trước tiên, các doanh nghiệp cần xây dựng xây dựng kế hoạch cụ thể, tìm hiểu về môi trường vi mô, vĩ mô, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn.
Chính phủ nên nghiên cứu, xây dựng các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho du lịch tuần hoàn, phát triển công nghệ cao, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn, xây dựng chương trình đào tạo và tuyên truyền về du lịch tuần hoàn.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực trọng tâm của du lịch (lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp) cần nghiên cứu các biện pháp cụ thể theo định hướng này trong mô hình hoạt động của mình.
Nhìn chung, các giải pháp phải tuân thủ 3 nguyên tắc chính gồm loại bỏ chất thải và ô nhiễm, tối đa hóa thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu, tái tạo hệ thống tự nhiên.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu đã thảo luận, trao đổi về cơ hội, tiềm năng và đưa ra ý tưởng khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, từ những di tích lịch sử-văn hóa-khảo cổ, các di sản Hán Nôm, văn học, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian cho đến du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch xanh và vai trò của truyền thông trong việc phát triển ngành “kinh tế không khói" theo các xu hướng bền vững, tuần hoàn và tăng trưởng xanh hiện đang được thế giới quan tâm.
Bên cạnh đó, thảo luận về việc thích ứng với COVID-19 và biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long các tư vấn chính sách liên quan đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch, liên kết phát triển du lịch, thu hút đầu tư để phát triển bền vững ngành Du lịch ở vùng Nam Bộ./.
Nguồn bài viết : Xóc Đĩa