Thư viện tài liệu

Hàng triệu người ở khu vực phía Nam được hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19

2024-12-21 12:52:19
Hỗ trợ cho hơn 1.200 hộ sống trên ghe, thuyền ở 291 xã đặc biệt khó khăn
USAID hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm chia sẻ khó khăn đảm bảo đời sống người lao động, người dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết 42, 68 và 116 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trên phạm vi cả nước.

Đối với khu vực Nam bộ, đã có hơn 2,5 triệu người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền trên 2.660 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ hơn 582.000 người lao động có giao kết hợp đồng lao động với tổng số tiền hỗ trợ trên 594 tỷ đồng. Riêng hộ kinh doanh khu vực Nam bộ có trên 17.100 hộ được hỗ trợ với kinh phí hơn 18 tỷ đồng.

Công nhân lao động tại tỉnh Tiền Giang an tâm làm việc khi được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Năm qua, do dịch bệnh bùng phát mạnh, các địa phương vùng Nam bộ có tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng khá cao, chiếm 78,4% so với tổng kinh phí hỗ trợ trên toàn quốc; trong đó, kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm của vùng Nam bộ chiếm 60,5%. Đặc biệt, toàn vùng Nam bộ đã giải ngân hơn 1.760 tỷ đồng cho các trường hợp khó khăn vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh...

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các chính sách do Chính phủ ban hành kịp thời, bám sát thực tiễn đời sống xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã chia sẻ khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp nhất là ngay đợt dịch lần 4. Cả hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện các chính sách trên tinh thần công khai, minh bạch, cơ bản không bỏ sót đối tượng, chưa phát hiện tiêu cực. Trong giai đoạn đầu, do dịch bệnh phức tạp nhất là phải thực hiện giãn cách xã hội, nên việc triển khai các chính sách còn bị động, lúng túng trong việc xét duyệt đối tượng; một số địa phương triển khai chậm nhất là các chính sách có điều kiện và sau đó đã khắc phục kịp thời.

TP. Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh với hơn 1.360 tỷ đồng. Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP. Cần Thơ chia sẻ: “Đạt được kết quả đó phải nói là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời của Thành ủy, sự giám sát rất chặt chẽ của HĐND, UBND thành phố, UBND các cấp, các sở, ban ngành, đoàn thể đến cơ sở luôn, các ấp, khu vực rất tích cực lao vào cuộc. Công tác rà soát, lập danh sách, thẩm định danh sách, trình phê duyệt danh sách được tiến hành khẩn trương, thực hiện xuyên suốt kể cả ngày lần đêm. Hầu hết các văn bản chỉ đạo, điều hành ví dụ chiều hôm nay họp trực tuyến triển khai là tối nay đã ban hành. Hầu hết các văn bản, chỉ đạo điều hành đều ban hành ban đêm, ban ngày họp thì ban đêm là ban hành văn bản, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và thời gian giãn cách xã hội”.

Các địa phương khu vực Nam bộ phấn đấu đến hết tháng 6 năm nay giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng; tiếp tục đề xuất các chính sách, các biện pháp cần hỗ trợ người dân gặp khó khăn; đồng thời khẩn trương triển khai Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động./.

UNFPA hỗ trợ Việt Nam 1,9 triệu USD xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số
World Vision Việt Nam trao gói hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình khó khăn ở Tủa Chùa (Điện Biên)

Top