Thư viện tài liệu

Thế giới sẽ ra sao trong đại dịch?

2024-12-21 12:54:50
Giá vàng trong nước giữ đà tăng, thế giới có thể sẽ giảm?
Gia tộc giàu nhất thế giới nhẹ nhàng đút túi 23 tỷ USD trong năm đại dịch
Ảnh minh họa

Virus thế hệ mới

Từ khi khai thiên lập địa, hành tinh đa đoan nhất vũ trụ là trái đất đã trải qua hàng trăm thảm họa thiên nhiên và đại dịch. Có những thảm họa xóa sổ hoàn toàn sự sống, có thảm họa khai tử một số loài sinh vật, có thảm họa làm thay đổi triết lý nhân sinh. Các nhà khảo cổ học chuyên săn bắt khủng long hóa thạch ở vùng núi Texas Hoa Kỳ nói đùa với nhau rằng: Liệu có một ngày nào đó loài động vật khác sẽ thay thế con người làm chủ trái đất và cũng tìm kiếm khai quật chúng ta như chúng ta đang tìm kiếm khai quật loài khủng long không nhỉ?

Dịch đậu mùa xuất hiện đầu thế kỷ 18 do virus Variona làm chủ cuộc chơi. Cứ 100 người nhiễm đậu mùa thì có 30 người chết. Dịch đậu mùa khiến 92% dân bản xứ ở châu Mỹ bị xóa sổ. Dân số Mexico lúc đó 11,2 triệu, sau dịch đậu mùa chỉ còn 1 triệu người. Năm 1796 bác sỹ Edward Jenner người Anh nghiên cứu ra vaccine ngăn chặn được virus Variona. Nhưng tới năm 1967, đậu mùa lại đột ngột tái sinh, cướp thêm 2 triệu sinh linh. Mãi đến năm 1980, qua 2 thế kỷ, đậu mùa mới bị không chế hoàn toàn.Loài người đã sống sót và vượt qua vài chục đại dịch, lớn nhất là dịch hạch, dịch đậu mùa và dịch cúm Tây Ban Nha. Dịch hạch Justinian xuất hiện năm 541 do virus Yersinia ký sinh ở loài gặm nhấm. Dịch hạch khởi xướng từ Ai Cập rồi theo các tàu thuyền vượt đại dương sang châu Âu, châu Á và Châu Phi. Sau khi làm chết gần nửa dân số thế giới lúc bấy giờ, Yersinia ngủ quên nửa thế kỷ. Yersinia bất ngờ tỉnh giấc từ năm 1348 đến năm 1665, gây ra “Cái Chết Đen” (Black Death) cho 200 triệu sinh mạng ở châu Âu. London là một trong số những thành phố tang tóc nhất nước Anh. Chỉ 7 tháng, 100.000 dân London vĩnh biệt trần gian vì virus Yersinia, buộc nghị viện quốc gia này phải thông qua đạo luật riêng về phòng chống dịch hạch. Luật phòng chống dịch hạch của Anh yêu cầu những gia đình có người mắc dịch phải công khai thông báo cho cộng đồng bằng biểu tượng bó cỏ treo trước cửa nhà, người mắc dịch được điều trị biệt lập. Chính phủ Anh cấm toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí, dành nghĩa trang riêng để an táng người chết do virus dịch hạch Yersinia gây ra.

Dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện năm 1918, thủ phạm là virus H1N1 từ loài có cánh, theo tàu hải quân Mỹ sang châu Âu, lây nhiễm 1/3 dân số thế giới, ước tính 70 triệu người chết, gấp gần 4 lần tổng số người thiệt mạng trong chiến tranh thế giới lần thứ 1. Kinh tế Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề. Vua Tây Ban Nha lúc bấy giờ là Alfonso XIII cũng bị nhiễm H1N1 nhưng qua khỏi. Trong khi chờ vaccine và thuốc đặc tri, sáng kiến ứng phó tức thời của Pháp là dùng rượu Rum điều trị H1N1 cũng đem lại hiệu quả nhất định. H1N1 biến thể sang H2N2 năm 1957, biến thể sang H3N2 năm 1968 và biến thể ngược lại H1N1 năm 1977. Đến năm 2009, H1N1 đột biến gien sang virus thế hệ mới.

Tính đến giữa tháng 12 năm 2021, đại dịch Covid-19 sau 2 năm phát tán virus Corona làm lây nhiễm gần 300 triệu người, gây tử vong hơn 5 triệu người ở 223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Italia năm 2020, Ấn Độ 2021 là hai quốc gia xảy ra thảm cảnh tang thương liên tục suốt mấy tháng liền. Đại dịch Covid-19 so với 3 siêu đại dịch trên, thiệt hại về người tính đến thời điểm này ít hơn nhiều. Tuy nhiên virus Covid-19 có một số điểm khác biệt so với các loại virus dịch bệnh trước đây. Một là, virus Corona như thể từ lỗ nẻ ngoi lên, chưa xác định được nguồn gốc bản quán phát sinh. Hai là, virus Corona “phủ sóng” toàn cầu siêu tốc độ, chỉ hơn một năm chúng đã “viếng thăm” hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ba là, biến thể của virus Corona rất nhanh và khó lường, chúng đột nhập cơ thể người như phấn hoa tàng hình trong gió. Đến nay Corona đã 5 lần thay tên đổi họ sang Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron. Biến thể của virus Corona thế hệ sau phát tán nhanh hơn thế hệ trước. Omicro xuất hiện ở Nam Phi ngày 11/11/2021 thì chỉ 1 tháng sau nó đã hiện diện ở gần 70 quốc gia. Hình như virus Corona đang giễu cợt nhân loại, đang “chuông nguyện hồn ai” cho loài người thức tỉnh, thoát khỏi lốc xoáy ảo ảnh tham vọng “thay trời hành đạo”.

Nguồn gốc của virus Corona vẫn là một câu hỏi lớn. Nó là hiện tượng tự phát, là rủi ro trong quá trình nghiên cứu dịch tễ học hay là hành vi đi đêm một cuộc chiến trong bóng tối? Không giải thiêng được chuyện thâm cung bí sử này thì thuyết âm mưu sẽ gián tiếp dẫn dắt thế giới vào nghi kỵ và đổ vỡ niềm tin? Khi lòng tin chính trị giữa các cường quốc bị rạn nứt không thể hàn gắn thì chiến tranh công khai sẽ thay thế lệnh trừng phạt kinh tế và trả đũa ngoại giao. Song hành với Corona gây dịch bệnh, một loại “virus” khác không lộ diện trong ống nghiệm đang kích động thế giới lao vào cuộc chạy đua vũ trang, độc chiếm tài nguyên, độc quyền công nghệ.

Đại dịch Covid-19 rất khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ mới 2 năm nó đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới 45.000 tỷ USD, gấp nhiều lần cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, nếu giữa năm 2022 đại dịch này kết thúc thì các nước G7 cũng phải mất 5 năm khôi phục đà tăng trưởng và gánh nặng nghèo đói sẽ gia tăng ở các nước chậm phát triển, nhất là các nước cận Sahara ở châu Phi. Tính đến nay ngành du lịch thế giới thiệt hại 4.800 tỷ USD, nặng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Ireland. Hiện đã có vài chục hãng hàng không lớn phá sản như Virgin Australia, Air Asia Japan, Thai Airways, Cathay Dragon, Philippines Airlines… Ủy ban giáo dục – khoa học – văn hóa (UNESCO) của Liên hợp quốc ước thiệt hại trong ngành giáo dục khoảng 1.700 tỷ USD và hơn 200 triệu học sinh thất học do không có phương tiện học online.

Một vài quốc gia chủ trương hành động quyết liệt để không gian lãnh thổ nước mình trở thành môi trường sạch bóng Corona có lẽ chỉ là ảo vọng. Đa số các quốc gia văn minh trên thế giới tư duy phòng chống dịch bệnh bằng khoa học, bằng vaccine, bằng liệu pháp điều trị, bằng ý thức cộng đồng chứ không duy ý chí. Họ nhận thức rằng không thể nhốt rọ cuộc sống nhân gian, không thể lùa virus như đánh dậm, không thể săn bắt virus như lưới cá bắn chim và không thể chặn đứng virus Corona trong ngày một ngày hai. Họ đã chấp nhận sống chung hợp lý với Covid-19 từ giữa năm 2020.

Thảm họa và cơ hội

Đại dịch Covid-19 là thảm họa của nhân loại. Nhưng quy luật cùng khắc biến theo hướng tích cực thì cũng là cơ hội để con người nhận thức tiến bộ hơn, trưởng thành hơn sau vấp ngã. Sau một thế kỷ, tính từ cúm Tây Ban Nha năm 1918, loài người lại được nếm trải “mùi vị” kinh hoàng của cay đắng chết chóc, nỗi hoảng sợ âu lo tột cùng từ một đại dịch đích thực.

Hoàn cảnh lịch sử khi virus Corona xuất hiện đã khác đầu thế kỷ trước, nhất là những nghịch lý. Thế giới đang tiến trình toàn cầu hóa nhưng con người thì lùi dần vào cõi cô đơn. Thế giới dư dả văn minh vật chất nhưng con người lại túng thiếu tâm hồn. Thế giới cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn nhưng con người lại luôn trong tâm trạng sợ hãi. Thế giới có vẻ nhân văn và hào phóng hơn nhưng con người lại sa sút lòng trắc ẩn và tăng trưởng thói ích kỷ. Thế giới quảng bá các giá trị nhân bản nhưng buộc phải gắn camera khắp mọi nơi, phó thác niềm tin cho công nghệ. Thế giới tuyên tuyền bình đẳng giới và quyền trẻ em nhưng bạo lực gia đình, bạo lực học đường và ấu dâm vẫn không giảm. Thế giới có quy trình, phương tiện quản lý và giám sát tinh vi hơn nhưng ma túy, hàng lậu, tham nhũng, gian lận vẫn nhởn nhơ qua mặt hệ thống công quyền. Thế giới hội nghị hội thảo về bảo vệ môi trường càng nhiều thì rác thải độc hại và ô nhiễm cũng tăng theo. Thế giới tâm linh ngày càng mùi mẫn và hoành tráng thì góc khuất ô trọc trần thế càng lộ diện… Nghĩa là những sáng tác nhân tạo ngày càng hoàn thiện thì những tuyệt phẩm thiên nhiên ngày càng lặng lẽ khiếm khuyết hoặc mai một.

Đại dịch Covid-19 như cờ vây hầu hết mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, buộc con người ai ở đâu ở yên đó, buộc con người bịt miệng che mũi, buộc con người tes xét nghiệm, tiêm vaccine và cũng đẩy đưa con người tự thiền, tự vấn, tự trả lời những vấn đề cốt lõi của thời đại.

Dòng sông chỉ một lối về

Dù vòng vo, dù có lúc sai đường lệch hướng thì rồi loài người cũng mách bảo nhau trở lại quỹ đạo phục hưng chân lý khoa học bằng ánh sáng trái tim nhân ái. Thế giới nối vòng tay chống dịch. Quốc gia chung sức chống dịch. Cộng đồng tự giác chống dịch. Chỉ sau hơn một năm, hàng chục loại vaccine ngừa virus Corona đã được hoàn thiện trong phòng thí nghiệm, xuất xưởng qua biên giới, thiết lập vành đai trùng điệp trên các lục địa, bảo vệ con người. Mỹ - Anh - Pháp vẫn là đồng minh vaccine tiên phong chống dịch kịp thời và hiệu quả nhất trong lịch sử y khoa hiện đại của thế giới. Không chỉ phát minh ra các loại vaccine, họ còn chia sẻ kịp thời thành tựu đó với các quốc gia và viện trợ vô điều kiện cho các nước nghèo.

“Mẹ đẻ” của vaccine AstraZeneca là Sarah Gilbert người Anh 59 tuổi. Gia đình bà không giàu. Có lúc lương hai vợ chồng chỉ đủ chi phí cho cuộc sống thường nhật và nuôi 3 con ăn học. Trước nhu cầu cấp bách cứu nhân loại thoát hiểm đại dịch Covid-19, Sarah Gilbert và ê kíp công tác cùng bà tại Viện Oxfords Jenner làm việc liên tục 16 giờ một ngày suốt 18 tháng để hoàn tất công nghệ vaccine AstraZeneca nhưng “không vì mục địch kiếm tiền”. AstraZeneca là một trong vài ba loại vaccine có chất lượng tốt nhất thế giới nhưng giá thành của nó lại rất rẻ so với Pfizer, Moderna… chỉ 3USD một liều. Lý do đơn giản là Sarah Gilbert từ chối thụ hưởng bản quyền AstraZeneca trị giá hàng chục triệu USD. Bà chuyển giao công nghệ AstraZeneca miễn phí cho các công ty dược sản xuất vaccine để người nghèo trên thế giới có cơ hội vượt qua đại dịch Covid-19. Huyết thanh nhân ái mang thương hiệu Sarah Gilbert và những cộng sự của bà đã lan toả cảm hứng yêu thương đồng loại cho hàng tỷ người trên trái đất.

Tính đến ngày 15/12/2021 Việt Nam có 1.443.648 người nhiễm virus Corona, đứng thứ 32/223 quốc gia - vùng lãnh thổ và số tử vong là 28.333 người. Điểm nóng nhất của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam năm 2021 là Sài Gòn. Chống dịch ở Sài Gòn không dễ. Vì Sài Gòn có số dân gấp mười lần một tỉnh nhỏ. Vì Sài Gòn là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của cả nước. Vì Sài Gòn vốn quen nếp sống sôi động cởi mở, giao lưu, hội nhập.

Đỉnh dịch ba tháng 8,9,10 năm 2021 ở Sài Gòn lần đầu tiên làm thay đổi hoàn toàn vóc dáng, nhịp sống thành phố này trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của nó. Quanh hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, trên đại lộ Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… chờ mỏi mắt mới thấy bóng người, nhà nhà cửa đóng then cài. Trong Thảo Cầm Viên, Suối Tiên, Đầm Sen… chỉ có âm thanh của chim hót lá rơi. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… vắng lặng. Sân bay Tân Sơn Nhất, ga Hòa Hưng, bến xe Miền Đông… chỉ còn là nơi tập kết của các phương tiện vận chuyển hành khách. Đường phố không rác, không bụi, không hàng rong, không ồn ã, nhưng thi thoảng bất chợt réo lên tiếng còi hụ của xe cứu thương, của xe cảnh sát, của xe tang, như xé không gian thành những mảnh vỡ cảm xúc bàng hoàng, xót thương, lo lắng…

Sài Gòn là thành phố đa vùng miền, đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa hương vị văn hóa, đa phong thủy tài lộc. Sài Gòn hội đủ đặc trưng ba miền Việt Nam và phần lớn của thế giới. Trong đại dịch Covid-19, Sài Gòn chênh chao nhưng không bi lụy. Sài Gòn thu nhỏ cuộc sống phố thị phóng khoáng và tâm thức cộng đồng vốn có vào trong những con hẻm, trong những khu chung cư, trong những trái tim mang khẩu trang và blu trắng ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Dân Sài Gòn hỗ trợ và cưu mang nhau trong đại dịch Covid-19 cũng vô tư, hồn nhiên, chân thành như mời bạn bè cà phê, như ngoắc tay người lạ hoắc vào bàn tiệc cùng nhậu, như dòng tin nhắn hay món quà không tên gửi đến những người gặp hoạn nạn khó khăn.

Trên đường Lê Trọng Tấn - quận Tân Phú, đường Phạm Văn Chiêu - quận Gò Vấp, đường Nguyễn Thị Nhỏ - quận 6, đường Bàu Cát - quận Tân Bình, đường Lý Chính Thắng - quận 3, đường Thuận Kiều - quận 12, đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận… ngày nào cũng xuất hiện sạp rau xanh, bàn cơm hộp không đồng. Trên hè phố đường Hai Bà Trưng, đường Nguyễn Trãi, đường Lý Thường Kiệt, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Kha Vạn Cân… thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người phát quà miễn phí là khẩu trang, bình xịt kháng khuẩn, túi lương thực thực phẩm.

Chỉ một đoạn chưa tới 100 mét trên đường Lưu Chí Hiếu phường Tây Thạnh quận Tân Phú đã có 3 gia đình âm thầm làm từ thiện. Họ hoàn toàn mai danh ẩn tích, từ chối chụp hình, quay phim. Ông Nam sửa chữa điện lạnh lái xe tải xuống miền Tây chở mấy tấn gạo tặng cho những người trong khu phố đói cơm. Bà Tư bán bánh Pía “alo hợp đồng” với con gái ở Đà Lạt mỗi tuần chở một ô tô cải bắp, đậu que, xu hào về nhà, phát tận tay cho ai có nhu cầu. Chị Hồng chủ tiệm nhôm kính, sáng nào cũng dậy thật sớm nấu 50 hộp cơm, 50 hộp mì xào bày ra cái bàn trước cửa nhà cùng ống tăm và bình nước uống kèm theo cái bảng có dòng chữ “Mời mỗi người nhận một phần”.

Cố ca sĩ Phi Nhung từng tham gia từ thiện trong đại dịch Covid-19 và mất vì virus Corona.

Trong đại dịch Covid-19 có hàng ngàn thiên sứ thiện nguyện xuất hiện ở Sài Gòn, trong đó có ca sỹ Phi Nhung. Phi Nhung thiện nguyện không mục đích PR vì cô đã là danh ca nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài. Phi Nhung thiện nguyện không mục đích tăng doanh thu từ album ca nhạc hay tăng cát sê sô diễn vì cô đã là người giàu có. Phi Nhung thiện nguyện không mục đích tu tâm tích đức cho hành trang kiếp sau vì cô đã cưu mang nuôi dưỡng chăm sóc 23 đứa trẻ khác máu tận tình và chu đáo bằng tấm lòng của người mẹ. Hình ảnh Phi Nhung thiện nguyện lúc đỉnh dịch Sài Gòn, tâm sự Phi Nhung sau khi bị nhiễm Corona phải điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy rồi thanh thản ra đi, sẽ mãi ám ảnh những kẻ đục nước béo cò lúc đồng loại lâm nguy. Nghe Phi Nhung hát ca khúc “Trách ai vô tình”, dù đâu đó còn thờ ơ lơ đãng trước những cảnh đời bất hạnh chợt nhớ ra ta cũng là con người.

Thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 năm 2021 ở Sài Gòn khoảng 273 nghìn tỷ đồng, chưa tính doanh thu của những người buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ. Gánh nặng mưu sinh chồng chất thêm mỗi ngày lên đôi vai vốn đã quá tải của những người lao động nghèo. Người làm thuê thất nghiệp, người bán hàng rong đóng sạp, người chạy xe ôm không được ra đường… họ bị ngộp thở và hoang mang trong các phòng trọ chật chội. Khoản cứu trợ khiêm tốn không đảm bảo an yên tương lai cho hầu hết dân nhập cư khiến hàng chục vạn người đã tự phát trốn chạy khỏi Sài Gòn về quê miền Bắc, miền Trung, miền Tây. Năm 2021 giông lốc Covid-19 phủ dịch bệnh lên bầu trời Sài Gòn rồi di chuyển khắp miền Đông và miền Tây, làm cho đất phương Nam suốt ngày đêm như nghẹn nấc mưa chiều.

Hy vọng sau đại dịch Covid-19, hành tinh của chúng ta sẽ xanh sạch hơn, lộ trình văn minh của thế giới sẽ bền vững hơn, mối quan hệ giữa các quốc gia sẽ hòa hiếu hơn, tâm hồn nhân loại sẽ trong sáng hơn… Mạch nguồn ấy sẽ kết nối giao hòa chung một dòng sông chỉ một lối về!

Trong tháng 11 năm nay, Disney + sẽ chính thức ra mắt tại Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19

Top