Những rào cản thường gặp khi du học Mỹ

2025-01-17 18:50:29

Du học tại các quốc gia phát triển nhằm tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến, trải nghiệm bản thân và nhận về tấm bằng giá trị, là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, con đường du học thường gặp nhiều rào cản mà không phải bạn trẻ nào cũng có thể vượt qua.

Rào cản ngôn ngữ

Ngay cả khi học giỏi tiếng Anh ở Việt Nam, bất đồng ngôn ngữ vẫn là một trong những khó khăn lớn mà sinh viên gặp phải khi đi du học. Tiếng Anh là điểm yếu cố hữu của nhiều bạn trẻ Việt khi ra thế giới. Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 không thể trò chuyện lưu loát bằng tiếng Anh với người nước ngoài về nhiều chủ đề, do hạn chế về vốn từ vựng, tiếng lóng, tốc độ nghe nói, cách phát âm...

Trong khi đó, để du học hiệu quả, sinh viên không chỉ giỏi giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, mà còn phải vững kiến thức về tiếng Anh chuyên ngành để có thể nghe hiểu trên giảng đường, viết luận văn hay báo cáo.

Hạn chế tiếng Anh khiến học sinh ngại hòa nhập với môi trường mới, kết bạn và thậm chí là lựa chọn môn học, khó bắt kịp những buổi thảo luận và thuyết trình trên lớp. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ, trường sẽ buộc sinh viên phải học thêm tiếng Anh 1 - 2 năm dự bị với chi phí khoảng 20.000 USD mỗi năm.

Rào cản chi phí

Theo học chương trình quốc tế trong nước giúp giảm chi phí cho học sinh.

Tiền bạc là vấn đề quan trọng khi nói đến việc du học Mỹ. Nếu bắt đầu từ đại học cộng đồng (community college) với học phí rẻ nhất, thì tổng tiền học phí, bảo hiểm sức khỏe, sách vở vào khoảng 10.000 USD mỗi năm. Ngoài ra, sinh viên cần thêm chi phí ăn ở, tiêu dùng thấp nhất khoảng 600 USD một tháng. Nếu thỉnh thoảng vui chơi, ăn nhà hàng, sắm quần áo hay tự tập cùng bạn bè, sinh viên tiêu tốn khoảng 20.000 USD mỗi năm.

Rào cản xin visa

Nếu vượt qua 2 rào cản trên, phụ huynh và sinh viên tiếp tục đối mặt với trở ngại xin visa khi du học Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu. Thống kê năm 2012 cho thấy, có khoảng 35,1% hồ sơ visa bị từ chối. Việc học sinh Việt Nam xin visa du học Mỹ ngày càng khó khăn do vấn đề dân nhập cư.

Để xin visa, học sinh phải thể hiện được kiến thức, kỹ năng xã hội của bản thân cũng như một kế hoạch học tập rõ ràng và những dự định

chắc chắn sau tốt nghiệp.

Kết quả học tập tốt và tài chính mạnh chưa đủ để đảm bảo xin visa thành công. Học sinh còn phải thể hiện được kiến thức, kỹ năng xã hội của bản thân cũng như một kế hoạch học tập rõ ràng và những dự định chắc chắn sau tốt nghiệp.

Rào cản tâm lý

Ở tuổi 18, nhiều học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 ấp ủ ước mơ du học, song vẫn e ngại khi phải sống một mình, không gia đình bạn bè ở đất nước hoàn toàn xa lạ. Không ít trường hợp sinh viên sốc văn hóa, khó hòa nhập với môi trường hoặc trở nên trầm cảm sau thời gian du học.

Việc chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu văn hóa và rèn luyện thói quen tự lập, mạnh dạn... là bước đệm cần thiết trước khi bạn muốn hòa nhập môi trường giáo dục quốc tế.

Theo VnExpress

Nguồn bài viết : THỂ THAO

Top