Cơ hội mới cho thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc

2025-01-17 18:50:30
Xuất khẩu vải thiều đi Trung Quốc nhiều thuận lợi
RCEP thúc đẩy hai nước Việt - Trung có triển vọng hợp tác rộng mở

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu được lãnh đạo cấp cao hai nước xác định là tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Thương mại nông sản, một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước, được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hơn nữa.

Thanh long Việt Nam tại siêu thị Đại Nhuận Phát, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (ngày 19/11/2023).

Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, hợp tác về nông nghiệp được đặc biệt chú trọng khi được nhắc tới khá nhiều trong cả lĩnh vực đầu tư và thương mại. Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung không chỉ về phát triển thương mại nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, mà còn cả hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển xanh. Trong phương hướng “hợp tác thực chất sâu sắc hơn”, hai bên đã nhất trí về hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, tăng cường hợp tác đầu tư về nông nghiệp, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng.

Đến nay, Trung Quốc đã chính thức đồng ý mở cửa thị trường cho 14 loại quả, 4 sản phẩm nuôi trồng khác là ớt, thạch đen, khoai lang, tổ yến và 128 loại thủy sản của Việt Nam. Đối với sầu riêng, ngày 24/01/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với dưa hấu, Việt Nam có 162 vùng trồng và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự kiến trong năm 2024, Trung Quốc sẽ mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam như bơ, chanh leo, dừa... Hai bên đang đàm phán Nghị định thư dừa và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn nữa cho dừa và sầu riêng của Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc là một trong hai thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng nhất của Việt Nam và xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng. Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam, dự báo năm 2024 sẽ chiếm khoảng 70% thị phần. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã có bước tiến dài, không chỉ về kim ngạch mà còn ở sự mở rộng về thị trường tiêu thụ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết trong chuyến làm việc của Bộ tại Trung Quốc giữa tháng 1/2024, hai bên đã đạt được thỏa thuận đồng ý đưa sản phẩm nông sản, trái cây Việt Nam vào chợ đầu mối Quảng Đông và chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến.

Hiện nay, nông sản của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ ở các chợ đầu mối của các tỉnh biên giới mà đã có mặt trong chuỗi siêu thị lớn ở các tỉnh phát triển sâu trong nội địa của Trung Quốc. Tại chuỗi siêu thị Đại Nhuận Phát ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, chúng ta có thể nhìn thấy thanh long ruột đỏ, ruột trắng của Việt Nam; tại chuỗi siêu thị Freshippo, tỉnh Hồ Nam có thể thấy sầu riêng, mít của Việt Nam.

Sầu riêng Việt Nam tại siêu thị Freshippo, tỉnh Hồ Nam (ngày 26/6/2024).

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang Việt Nam vẫn duy trì vị thế và ưu thế vốn có. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, tính đến ngày 19/12/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp phép cho 4050 vùng trồng và 1526 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo số liệu của Trung Quốc, trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của 10 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như gạo, tỏi, bột đậu nành, cam quýt, bông, nấm đóng gói, táo... Từ năm 2017-2021, mỗi năm Việt Nam đều nhập trên 200.000 tấn tỏi từ Trung Quốc, đặc biệt năm 2020 lên đến trên 250.000 tấn. Liên tục từ năm 2014 đến nay, xuất khẩu cam quýt sang Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng cam quýt xuất khẩu trong năm của Trung Quốc. Năm 2020 và 2021 tăng đột biến lên lần lượt là 295.964 tấn và 321.677 tấn, chiếm đến gần 1/3 xuất khẩu của Trung Quốc với thế giới, là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này của Trung Quốc.

Trung Quốc có thị trường rộng lớn, là nước nhập siêu trong thương mại nông sản với thế giới, có thế mạnh ở nhiều khía cạnh như giống, máy móc, phân bón... Còn Việt Nam có tiềm năng sản xuất và lợi thế về nhiều loại nông sản. Đối với hai quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển mà còn là một kênh quan trọng để củng cố nền tảng xã hội của mối quan hệ Việt – Trung bởi nó liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Trong bối cảnh xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, hai nước cần thúc đẩy hợp tác thực chất dựa trên thế mạnh của mỗi bên và làm cho quan hệ Việt - Trung tiệm cận, theo kịp sự phát triển của mỗi nước, đặc biệt là Trung Quốc, hay nói cách khác là thành quả phát triển của mỗi nước được phản ánh cụ thể trong hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, hướng đến phát triển các ngành nghề hiện đại, trong nông nghiệp thực hiện nông nghiệp xanh, nông nghiệp số, thì xu hướng và thành quả phát triển đó cần được phản ánh và đi vào thực tiễn hợp tác Việt – Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mang lại cơ hội hợp tác phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam
Sa mạc Trung Quốc được phủ lớp áo xanh mới nhờ tấm quang điện

Nguồn bài viết : mketqua1.net

Top