Công diễn vở kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả nổi tiếng Algeria |
"Qua 20 năm, Sao Khuê là một giải thưởng có uy tín và sức sống" |
Các vận động viên Algeria tranh tài tại một giải đấu. (Ảnh: Trung Khánh/TTXVN) |
Việt Nam đang chuẩn bị đề nghị UNESCO công nhận Vovinam-Việt Võ Đạo là di sản văn hóa phi vật thể.
Với lịch sử 85 năm hình thành và phát triển, đến nay Vovinam đã có sự phát triển rộng khắp tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hàng triệu người tham gia luyện tập. Câu chuyện về sự phát triển của môn võ này ở Algeria thể hiện một sức lan tỏa kỳ lạ.
Dù chỉ mới chính thức xuất hiện tại Algeria hơn 20 năm kể từ khi câu lạc bộ Vovinam-Việt Võ Đạo đầu tiên được thành lập năm 2001 tại quận Hydra, thủ đô Algiers, tuy nhiên đến nay môn võ truyền thống của dân tộc Việt đã thật sự lan tỏa và có một sức sống mãnh liệt trên vùng đất Bắc Phi xa xôi.
Những nét tinh hoa võ thuật Á Đông cùng với những tuyệt kỹ của môn phái Việt Võ Đạo, kết tinh từ võ vật truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt, đã sớm thu hút sự quan tâm, đam mê theo dõi và tập luyện của đông đảo môn sinh tại quốc gia châu Phi này.
Nhiều người ban đầu đến với Vovinam như một sự tình cờ, thỏa mãn tính tò mò hay vì lòng ngưỡng mộ đối với một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Algeria và đã từng đánh bại hai cường quốc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của mình.
Thế nhưng sau đó, họ yêu thích và gắn bó lâu dài với Vovinam. Ngày nay, không khó để tìm ra những võ sinh tập luyện môn võ này gần 20 năm trong các câu lạc bộ tại đây.
Cơ duyên kỳ lạ
Người có công lớn đưa Vovinam đến đất Algeria và gây dựng được sự phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay chính là võ sư Mohamed Djouadj.
Theo chia sẻ của ông, lớp học Vovinam đầu tiên của ông tại Hydra năm 2001 chỉ có 41 võ sinh. Theo thời gian, với những cố gắng của mình, đến nay ông đã giúp môn võ Việt có mặt ở nhiều nơi trên đất Algeria cũng như phát triển ra nhiều nước châu Phi khác.
Võ sư Djouadj hiện cũng là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Algeria, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi và là Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới.
Ngày nay, Algeria có khoảng 30.000 môn sinh theo học Vovinam và hầu như tất cả các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một câu lạc bộ Vovinam hoạt động khá mạnh.
Hiện Algeria có tổng cộng 339 câu lạc bộ Vivonam nằm khắp nơi tại 37/58 tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành một trong những quốc gia có số lượng võ sinh đông đảo nhất, chỉ sau Việt Nam.
Phong trào học võ Vovinam ngày càng được mở rộng và phát triển rộng khắp tại quốc gia này đã thật sự trở thành cầu nối văn hóa giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Buổi luyện tập của các võ sinh Vovinam tại câu lạc bộ thuộc trụ sở Liên đoàn Vovinam Algeria tại thủ đô Algiers. (Ảnh: Trung Khánh/TTXVN).
|
Thông qua Vovinam, những người yêu Việt Nam và Algeria có thêm cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Bởi vì, khi theo học môn võ này, các võ sinh cũng có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.
Tại phòng truyền thống của Liên đoàn Vovinam Algeria, bên cạnh các thành tích như huy chương, cờ, cúp các giải đấu lớn nhỏ còn có một góc dành cho việc giới thiệu các loại sách báo về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể về câu chuyện của Vovinam, Võ sư Djouadj chia sẻ ông bắt đầu đến với võ Việt từ năm 1985 khi luyện tập Sơn Long quyền thuật tại một câu lạc bộ ở quận El Harrach, thủ đô Algiers. Nhưng sau đó ông chuyển sang tìm hiểu về Vovinam - Việt Võ Đạo.
Đến năm 2001, ông có dịp liên hệ trực tiếp với chủ tịch Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo thế giới, võ sư Trần Nguyên Đạo, người khi đó đang ở Pháp. Sau sự kết nối này, võ sư Trần Nguyên Đạo đã cử võ sư người Pháp Daniel Bloume tới Algeria vào tháng 9/2001 để huấn luyện cho các võ sinh.
Võ sư Djouadj nhớ lại: “Năm 2002, chúng tôi đã lần đầu tiên tham dự Giải vô địch Vovinam thế giới tại Paris (Pháp) và đạt được thành tích một huy chương Vàng, 2 huy chương Đồng.
Kể từ đó, tôi bắt đầu phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại Algeria. Kết quả cho tới nay, Vovinam đã có mặt tại hơn 30 tỉnh thành trên toàn Algeria, với trên 30.000 võ sinh tham gia luyện tập.”
Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Algeria (AVVF) trực thuộc Bộ Thanh niên và Thể thao Algeria được chính thức thành lập vào tháng 3/2007 và trở thành thành viên của Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới vào năm 2011.
Kể từ đó, rất nhiều võ sư Việt Nam đã được cử sang huấn luyện cho phía Algeria, trong số đó có cả võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư môn phái Vovinam.
AVVF đặt mục tiêu phát triển Vovinam trên toàn bộ 58 tỉnh, thành phố của Algeria vào năm 2030.
Hiện nay, tổ chức này đang tích cực làm việc, liên hệ với rất nhiều đại diện, chủ các câu lạc bộ thể thao, võ thuật trên toàn quốc để mở các câu lạc bộ mới, truyền bá rộng rãi hơn nữa Vovinam.
Gần đây nhất, Vovinam cũng đã vươn tới các tỉnh thành xa xôi phía Nam Algeria, khu vực sa mạc Sahara, với sáu câu lạc bộ bắt đầu đi vào hoạt động tại tỉnh Djanet và Tamarasset.
Ngoài ra, AVVF cũng đã ký thỏa thuận với Liên đoàn thể thao học đường Algeria để thúc đẩy việc giới thiệu, phát triển Vovinam vào các trường học cũng như hướng tới việc tổ chức các giải đấu chính thức trong môi trường đại học tại Algeria.
Trước mắt, phía AVVF đang tích cực chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia tham dự Giải vô địch Vovinam thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023 tại Việt Nam.
Algeria vừa đăng cai Giải Vovinam-Việt Võ Đạo cúp châu Phi lần thứ tư hồi tháng 11/2022. (Ảnh: Trung Khánh/TTXVN) |
Sức hút của Vovinam
Các câu lạc bộ VovinamViệt Võ Đạo ngày càng thu hút đông đảo thanh thiếu niên Algeria. Rất nhiều vận động viên trẻ Algeria cho rằng môn thể thao này hấp dẫn họ bởi sự mềm dẻo và mạnh mẽ cả về động tác lẫn tinh thần.
Khi được hỏi về lý do tại sao chọn học Vovinam, chị Bohra Sonia, người có thâm niên 18 năm luyện tập môn võ này chia sẻ: “Kỹ thuật là lý do, động lực đưa tôi đến với môn võ này. Vovinam giúp tôi có thể phòng vệ khi bị tấn công. Môn võ này cũng giúp tôi có cơ hội được gặp gỡ rất nhiều người.
Võ sư Mohamed Djouadj đã giúp đỡ, thúc đẩy, truyền bá kinh nghiệm rất nhiều để tôi có thể đạt được hoàng đai tam đẳng như hiện nay.
Tôi đã tham dự và đứng đầu các giải đấu cấp quốc gia tại Algeria, khu vực châu Phi, và đứng thứ hai trong hạng cân của mình tại Giải vô địch thế giới năm 2013 tại Algeria. Kết quả này là động lực để tôi tiếp tục luyện tập, phát triển bản thân hơn trong thời gian tới.”
Giải vô địch quốc gia môn Vovinam tại Algeria được tổ chức hằng năm, thu hút sự tham dự của gần 5.000 vận động viên, cũng trở thành một trong những hoạt động quy mô lớn nhất trong hệ thống phong trào Vovinam trên toàn thế giới.
Với phong trào tập luyện phát triển cũng như việc liên tục tổ chức và tham gia các giải đấu quốc tế, hiện trình độ của các vận động viên Vovinam Algeria được đánh giá là khá vượt trội so với vận động viên các nước châu Phi khác có tập luyện môn võ này.
Không chỉ thu hút sự quan tâm và đam mê của người hâm mộ võ thuật mà Vovinam tại Algeria còn thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông, báo chí.
Tất cả các giải đấu Vovinam ở Algeria mỗi khi diễn ra đều được các cơ quan báo chí và đài truyền hình lớn trong nước đưa tin và tường thuật trực tiếp, thu hút hàng chục triệu người theo dõi, thưởng thức.
Từ sự bén rễ ban đầu, đến nay, Vovinam đã có mặt tại 12 quốc gia châu Phi và đang đạt được những bước phát triển rất mạnh, đặc biệt là kể từ khi Liên đoàn Vovinam châu Phi được thành lập năm 2012.
Giải vô địch châu Phi cũng đã được tổ chức cùng năm đó với sự tham dự ban đầu của sáu quốc gia châu Phi. Sau đó, nhiều giải đấu quốc tế, khu vực khác đã được tổ chức tại các quốc gia như Côte d’Ivoire, Maroc, Burkina Faso và Algeria.
Sự phát triển của Vovinam ở Algeria nói riêng và châu Phi nói chung đã chứng minh được sức sống của môn võ này nhờ vào sự phù hợp, lòng ngưỡng mộ thông qua cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.
Với sức phát triển ấy, Vovinam đã chứng minh bản thân môn võ này thực sự có thể trở thành một phương cách hiệu quả để chúng ta giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè năm châu bốn biển.
Lan tỏa giá trị tích cực của Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan |
"Bình Sinh": Sức sống trường tồn của đồng và lũa |