Ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại Pháp trao danh hiệu Viện sĩ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn và cựu đại sứ Pháp Blanhemaison tại VN cùng với ông Nguyễn Tiến Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp sau buổi lễ kết nạp.. (Ảnh: N.V)
Trao đổi ngay sau buổi lễ (diễn ra rạng sáng 18/11 theo giờ Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện cho biết: "Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại được thành lập từ năm 1922, ngày nay viện được biết như một tổ chức bác học trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Là người Việt đầu tiên được bầu vào viện, tôi hi vọng sẽ có điều kiện, thông qua các hoạt động học thuật trong khuôn khổ viện, đóng góp vào việc làm cho Việt Nam được biết đến như một nơi nuôi dưỡng, phát huy các gía trị chung của nhân loai trong lĩnh vực khoa học luật".
"Việc được kết nạp một thành viên chính thức và tham dự lễ kết nạp tại Paris là vinh dự to lớn không chỉ riêng của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, mà còn là của Việt Nam nói chung và cả ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật nói riêng", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết.
Ông cũng cho biết thêm PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện cũng là thành viên duy nhất đến từ châu Á được công nhận là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện còn là thành viên của Hội đồng Quản trị Cơ quan Đại học Pháp ngữ và là Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học sử dụng tiếng Pháp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện sinh năm 1959. Năm 2008, ông về công tác tại Khoa kinh tế (nay là Trường Đaị học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM) với chức vụ phó trưởng khoa. Hiện nay ông là phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) phụ trách đào tạo luật, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại (Académie des sciences d'Outre-Mer) được thành lập vào năm 1922 và là một viện có tính bác học rất cao tại Pháp. Các thành viên của viện được chia làm hai nhóm: các thành viên chính thức và thành viên tự do.Thành viên chính thức hiện tại bao gồm 41 người, trong đó có những nhân vật nổi tiếng của các nước. |
Theo Tuổi trẻ