Nhật Bản sắp bỏ thi trắc nghiệm trong tuyển sinh
Theo tờ The Japan News, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản đã công bố dự thảo cụ thể về việc thay thế Kỳ thi tuyển sinh vào đại học của Trung tâm Tổ chức các kỳ thi quốc gia kể từ năm học 2020. Kỳ thi mới này dự kiến sẽ được đặt tên là “Kỳ thi tuyển sinh đại học”. Việc làm này được các nhà giáo dục nước này cho là cần thiết để đánh giá chính xác khả năng tư duy và các kỹ năng khác của học sinh.
Kỳ thi tuyển sinh ở Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times)
Thay vì chỉ làm bài thi trắc nghiệm đối với môn toán và tiếng Anh như trước đây, kỳ thi mới này được giới thiệu gồm có các câu hỏi yêu cầu viết câu trả lời ngắn cho hai môn học này, gọi tắt là phần thi hỏi - đáp ngắn. Riêng với môn tiếng Anh, sẽ có các bài thi riêng để kiểm tra thêm kỹ năng nói và viết.
Mục đích của việc đưa thêm phần thi hỏi - đáp ngắn nhằm kiểm tra được khả năng tư duy và thể hiện sự hiểu biết của thí sinh chứ không chỉ đơn thuần là đánh giá xem học sinh biết đến đâu. Việc cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học cũng nhằm mục đích thay đổi cách dạy và học ở các trường trung học.
Tìm học sinh sáng giá bằng bài thi viết
Vào tháng 3 vừa qua, Trường ĐH Cambridge (Anh) lần đầu tiên giới thiệu bài thi viết cho kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường vì lo ngại điểm thi A-level không thể đánh giá chính xác khả năng của học sinh. Và trường này cho rằng điểm thi A-level không thể tìm được những học sinh sáng giá.
Với bài thi viết, trường này hy vọng giúp các trung tâm tổ chức thi uy tín có thể lựa chọn các ứng viên vào tháng 9 này khi xem xét điểm AS-level, theo các cải cách của Anh.
Theo tờ Telegraph, một lá thư đã được gửi đến 6 trường ở Anh khẳng định: “Hình thức thi viết” sẽ dành cho các thí sinh để đánh giá chính xác khả năng của học sinh. Kỳ thi này có thể bao gồm bài kiểm tra năng khiếu về ngôn ngữ và đánh giá khả năng tư duy, cùng với các câu hỏi trắc nghiệm khác, và cả một bài luận kéo dài 45 phút.
Nhiều quốc gia ưu tiên thi môn toán bằng hình thức trắc nghiệm
Trong khi đó, từ lâu, kỳ thi SAT và ACT, hai kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học đã trở nên phổ biến ở Mỹ và các nước khác dành cho học sinh muốn du học ở Mỹ.
Nhiều quốc gia ưu tiên thi môn toán bằng hình thức trắc nghiệm
Ở Mỹ, các trường đại học căn cứ vào kết quả kỳ thi SAT và ACT và điểm trung bình môn học GPA để xét tuyển, bên cạnh các kỳ thi hoặc bài kiểm tra riêng của mỗi trường. Và điểm trung bình môn học GPA thường được nhiều trường ưu tiên xem xét.
Với kỳ thi ACT, các môn tiếng Anh, toán, đọc và khoa học thi bằng hình thức trắc nghiệm. Riêng môn viết, thí sinh phải viết bài luận bằng tiếng Anh. Kỳ thi SAT gồm các bài thi môn toán, viết luận và kỹ năng đọc.
Riêng môn toán, với kỳ thi ACT thí sinh sẽ làm bài thi bằng hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Trong khi kỳ thi SAT ngoài khoảng 75% câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm, còn lại là các câu hỏi yêu cầu thí sinh trả lời dạng lưới, tức là tự chọn câu trả lời mà không cần diễn giải.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, vào tháng 6 vừa qua, các học sinh trải qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học mang tên Gaokao. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, tiếng Anh, văn học, thí sinh sẽ chọn thêm môn thi thuộc nhóm khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, chính trị) hoặc nhóm khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học).
Theo tờ Bloomberg, hình thức thi các môn hầu hết là trắc nghiệm. Bài thi viết chỉ yêu cầu với thí sinh muốn tìm hiểu sâu lĩnh vực triết học. Riêng với môn toán, thí sinh hoàn toàn làm bài thi bằng hình thức trắc nghiệm. Vì thế thí sinh xuất sắc vẫn có thể giành được trọn điểm cho bài thi môn toán. Với các môn thi khác, do có phần thi viết nên từ năm 1977 tới nay, chưa có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối. Vì ngay cả chữ xấu thí sinh vẫn có thể bị trừ điểm.
An Nhi