Ông La Đình Trung, hơn 90 tuổi, người dân tộc Đan Lai kể lại, tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Trước đây, bạo chúa miền Hoa Quân là Vương Hả (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ La phải cống nạp cho vua một chiếc thuyền được kết bằng 1000 chiếc ngà voi quý. Cùng với đó là hàng trăm chiếc sừng tê giác. Nếu không kiếm ra sẽ bị chém đầu cả thủ lĩnh lẫn những người dân trong bộ tộc.
Nhưng sau 100 ngày đêm, bộ tộc họ La vẫn không thể tìm được những thứ mà vương Hả bắt cống nạp. Lúc này, Vương Hả sai quân lính đi truy sát bộ tộc. Họ La đã rút chạy vào trong rừng sâu. Họ đi mãi tới khi không thấy quân của Vương Hả truy bắt nữa. Và nơi đó chính là thượng nguồn sông Giăng, địa bàn huyện Con Cuông như ngày nay.
Người Đan Lai giữ tục ngủ ngồi hàng trăm năm nay
Trước kia, vì ở tận nơi thâm sơn cùng cốc đầy thú dữ nên người Đan Lai dựng chòi phủ cành cây ở tạm, không giường, chiếu, chăn, màn. Họ thường dùng chạc cây chống vào cằm ngồi ngủ để phòng thú dữ. Theo những cụ già trong bản, ngủ ngồi là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con hổ, con báo ở nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân bạo chúa truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào, nên mới sinh tật ngủ ngồi từ khi nào cũng chẳng ai hay. Ngủ ngồi là để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu... Tập tục ngủ ngồi có lẽ được hình thành từ đấy và cho đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ ở tộc người này.
Khi ngủ ngồi họ có thể gục mặt xuống đầu gối hoặc có thể dùng 1 hoặc 2 chiếc gậy, nắm tay trên đầu gậy và gục mặt xuống ngủ. Trước mặt luôn là đống lửa vừa để sưởi ấm vừa soi rọi ánh sáng.
Trẻ em Đan Lai vẫn rất hồn nhiên dù cuộc sống khó khăn
Có lẽ sự trốn chạy và lối sống khép kín đã bắt nguồn từ truyền thuyết cho đến tận ngày nay khiến tộc người Đan Lai tách biệt với thế giới bên ngoài tự bao giờ. Cái đói, cái nghèo bao phủ cả bản làng nhếch nhác chốn thâm sơn cùng cốc. Đồng bào Đan Lai thiếu tất cả, trừ rượu.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án di chuyển tộc người Đan Lai tại 2 bản Bùng và Khe Cồn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An đến các khu tái định cư ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Theo đề án này, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn ¾ số dân Đan Lai vẫn sống khốn khổ trong rừng sâu vì chưa thoát khỏi được những tập tục lạc hậu.
Nam Yên
Nguồn bài viết : WM Trực Tuyến