Thống kê Bộ, ngành

Bệnh viện Hà Lan: công trình ghi dấu tình cảm nhân dân Việt Nam - Hà Lan

2024-12-20 20:00:59
Việt Nam và Hà Lan đồng hành hướng đến phát triển bền vững
Hợp tác địa phương: Điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan

Minh chứng tình nhân dân

Một lần đến thăm nhà lưu niệm đang nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, ông Marcel Tromp - một nhà tài trợ người Hà Lan đã chỉ vào chiếc cốc cũ được trưng bày trong tủ kính rồi bảo: "Tôi cũng có một chiếc cốc như thế. Tôi và các anh em khác đã mang theo nó, gõ cửa từng nhà để vận động giúp đỡ người dân Việt Nam”.

Còn bà Ans Hartskeerl, một thành viên khác trong đoàn tài trợ Hà Lan vừa ngắm nhìn bức ảnh những người đàn ông Hà Lan sửa máy may vừa kể: "Thời ấy, tôi đã bảo chồng đưa chiếc máy may trong nhà đến điểm quyên góp để tặng đồng bào Việt Nam. Bấy giờ, tôi rất tiếc vì đó là kỷ vật mẹ tôi để lại song tôi nghĩ người dân Việt Nam cần nó hơn mình”.

Nhà lưu niệm Quảng Trị – MCNV nằm trong khuôn viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, nơi lưu giữ hiện vật của Bệnh viện Hà Lan xưa. (Ảnh: MCNV)

Tại nhà lưu niệm Quảng Trị - MCNV còn lưu giữ nhiều hiện vật khác. Đó là những thước phim, áp phích, hình ảnh về phong trào chống chiến tranh thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Hà Lan đối với nhân dân Việt Nam cũng như lịch sử phát triển của MCNV.

Vào năm 1968, với sự phẫn nộ trước tội ác chiến tranh và cảm thông trước những đau thương, mất mát của người dân Việt Nam, ba bác sĩ người Hà Lan – giáo sư Jaap de Haas, bác sĩ Nick van Rhijn và bác sĩ Fred Groenink – đã sáng lập MCNV. Mục đích chính của MCNV lúc đó là hỗ trợ thuốc men trên quy mô lớn cho những vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề của Việt Nam.

Năm 1973, bắt nguồn từ sự khởi xướng của bác sĩ Nick Van Rhijn, MCNV lập kế hoạch xây dựng một bệnh viện lắp ghép cho tỉnh Quảng Trị, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh.

Với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Hợp tác & Phát triển Hà Lan khi đó là ông Jan Pronk, nhiều trường đại học ở Hà Lan và một số nhà tài trợ kế hoạch đã được triển khai vào năm 1974. Những người dân yêu chuộng hòa bình của đất nước Hà Lan đã thiết kế, đúc sẵn các khung nhôm để chuyển sang lắp ráp bệnh viện. Năm 1977, Bệnh viện Hà Lan chính thức được khánh thành.

Ban đầu bệnh viện có tên là Đông Hà, nhưng chính quyền và người dân địa phương đã quen với tên gọi gần gũi, thân thương là "bệnh viện Hà Lan". Bệnh viện Hà Lan đã góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân Quảng Trị trong suốt 20 năm cho đến khi tỉnh xây dựng một bệnh viện mới vào năm 1997. Cơ sở của Bệnh viện Hà Lan cũ được chuyển giao lại cho Trung tâm đào tạo nhân lực y tế của tỉnh và sau đó là Trường Trung học Y tế Quảng Trị (ngày nay là Trường Cao đẳng Y tế).

Trên nền đất này, Văn phòng MCNV miền Trung đã được thành lập vào năm 1999 và triển khai các hoạt động dự án khác nhau cho đến ngày hôm nay. Cũng chính tại đây, năm 2006 MCNV đã xây dựng nhà lưu niệm – nơi lưu giữ các kỷ vật ghi dấu các sự kiện, hoạt động của tổ chức và cũng là dấu ấn của tình đoàn kết, hết lòng ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân Hà Lan dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến và giai đoạn hoà bình tái thiết phát triển đất nước.

Lời tri ân từ Việt Nam

Theo lời kể của người dân Quảng Trị, lúc bấy giờ nhiều ông bố, bà mẹ đã lấy tên đất nước Hà Lan để đặt tên cho con mình như một sự tri ân đối với người dân xứ sở hoa tulip.

Chia sẻ với báo chí, chị Trần Thị Hà Lan, một trong những đứa trẻ đầu tiên chào đời tại Bệnh viện Hà Lan cho biết: “Mẹ tôi trải qua một ca sinh nở khó khăn. Bà không biết mình sẽ sinh đôi. Sau này bà kể lại rằng vài hôm trước ngày sinh nở, có một nhóm người nước ngoài đến thăm và tặng hoa. Mãi cho đến khi rời trường đại học năm 1999 và làm việc MCNV, tôi mới biết tổ chức này đã giúp xây dựng bệnh viện. Những người nước ngoài tặng hoa cho mẹ tôi hôm ấy là đến từ Hà Lan”.

Dự án Bệnh viện Hà Lan là khởi đầu cho quan hệ đặc biệt giữa tỉnh Quảng Trị với MCNV và chính phủ Hà Lan. Từ đó đến nay, những con người với trái tim nhân hậu của Hà Lan vẫn bền bỉ hỗ trợ nhân dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung bằng những hoạt động cụ thể như: hỗ trợ phòng chống bệnh lao, sốt rét, HIV; tập trung phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực cho người khuyết tật; xây dựng công trình dân sinh… Với Quảng Trị, thông qua MCNV người dân Hà Lan đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án nâng cao nhận thức về y tế và một số chương trình phát triển kinh tế, giáo dục…

Các tình nguyện viên MCNV hỗ trợ thuốc và thiết bị y tế cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Phát biểu trong chương trình tọa đàm, giao lưu hữu nghị với các đối tác, chuyên gia, nhà tài trợ Hà Lan đang làm việc tại Quảng Trị nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan và 50 năm thành lập tổ chức MCNV, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của chính phủ và nhân dân Hà Lan trong suốt thời gian qua đối với tỉnh Quảng Trị.

Ông cũng cho biết, Quảng Trị mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ tỉnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người khuyết tật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan đến tìm hiểu hợp tác đầu tư vào Quảng Trị.

Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan
Ngày 6/4, tại Nhà hát Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan (9/4/1973-9/4/2023).
Cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Hà Lan
Mới được thành lập vào năm 2013 song Hội hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Hà Lan (Hội) đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như: giới thiệu, kết nối thị trường và đối tác tiềm năng hai bên; huy động trí tuệ, kinh nghiệm của chuyên gia Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong các vấn đề về quản trị, phát triển thị trường, mạng lưới đối tác, chuyển giao công nghệ, tư duy sáng tạo và cách làm đổi mới...
Top