Phụ nữ Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trong hòa bình và phát triển |
Dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong nước và quốc tế |
Đối thoại là một trong những hoạt động ý nghĩa và thiết thực để chào mừng kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) và cũng là một trong chuỗi các hoạt động được đề xuất bởi UN Women tại Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý.
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Trần Hạnh |
Tham dự đối thoại có Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch VUFO; ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch VUFO; bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Thị Hồi - nguyên Vụ trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Áo và Canada; Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền - nguyên Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada và Hà Lan; Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh - Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga cho biết, phụ nữ và vai trò của phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong lĩnh vực chính trị - đối ngoại, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã, đang tham gia tích cực và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như trong các cơ quan, tổ chức làm đối ngoại. Đặc biệt, phụ nữ đã tham gia xuất sắc, hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với tỉ lệ cao hơn mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân các nước trên thế giới.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga tin tưởng đối thoại sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ và hiệu quả giữa VUFO, UN Women và các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam vì mục tiêu chung là thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tiến bộ xã hội và bình đẳng giới.
Tại đối thoại, các khách mời đều khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động đối ngoại. Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez cho biết, phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, bản thân phụ nữ có những phẩm chất, kinh nghiệm, kỹ năng quan trọng trong quá trình giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, do vậy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động đối ngoại, kiến thiết và duy trì hòa bình là rất cần thiết.
Các khách mời chia sẻ tại buổi đối thoại. Ảnh: Trần Hạnh |
Bà Elisa Fernandez cũng đánh giá, hiện tại quá trình để phụ nữ tham gia vào các hoạt động nêu trên diễn ra còn chậm. Bà dẫn một thống kê cho thấy, vào thời điểm 1992-2019, trên toàn thế giới chỉ có khoảng 13% phụ nữ là các nhà ngoại giao, tham gia đàm phán quốc tế, 6% phụ nữ tham gia vào các nhóm hòa giải, 6% phụ nữ tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định liên quan đến hòa bình.
"Chúng ta cần hợp lực gỡ bỏ những rào cản mà phụ nữ đang gặp phải, bản thân mỗi phụ nữ cũng cần vượt qua rào cản để cân bằng giữa gia đình và công việc", Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ tại Đối thoại. Ảnh: Trần Hạnh |
Cùng chia sẻ quan điểm, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi bày tỏ, xã hội không thể phát triển nếu không có sự tham gia của phụ nữ. Thực tế đã chứng minh phụ nữ có thể làm và làm tốt tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngoại giao.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, ở đâu cũng vậy, để đạt được mục tiêu phụ nữ luôn phải cố gắng gấp đôi vì ngoài thiên chức làm mẹ phụ nữ còn phải gánh vác công việc xã hội, chưa kể xã hội vẫn tồn tại nhiều định kiến đối với phụ nữ và công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới đến nay vẫn đang tiếp diễn. Đối với ngoại giao, thách thức còn nhiều hơn vì ngoại giao có tính đặc thù, phụ nữ phải tham gia vào hoạt động của các cơ quan đại diện ở nước ngoài nên xử lý mối quan hệ giữa gia đình và công việc không đơn giản.
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền cho hay, toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn bởi những công việc ấy đòi hỏi phụ nữ phải nâng cao năng lực để vừa đáp ứng được yêu cầu vừa tận dụng được thời cơ để phát triển.
Là nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ, thách thức lớn nhất đối với chị là vượt qua được bản thân mình và thuyết phục được gia đình mình để hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua công việc chị khẳng định được bản thân và khẳng định nam quân nhân làm được việc gì khó khăn thì các nữ quân nhân cũng làm được như vậy.
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo VUFO và đại biểu tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Trần Hạnh |
Các khách mời cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý giá của mình về quá trình trau dồi kinh nghiệm, tư duy, kiến thức và kỹ năng cần thiết trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình mới với những thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế, từ đó giúp cho phụ nữ phát huy thế mạnh của mình, làm tốt công việc và có thể cân bằng giữa công việc với gia đình.
Kết thúc đối thoại, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga khẳng định, chia sẻ của các vị khách mời rất bổ ích và ý nghĩa, đồng thời đã truyền cảm hứng cho không chỉ cán bộ nữ mà tất cả các cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân và cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung.
Bạn bè, phụ nữ kiều bào khắp các châu lục gửi thư chúc mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII |
Nhiều điểm mới quan trọng trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII |