Thống kê tập trung

Nhiều chương trình dạy nghề, khởi nghiệp giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang thoát nghèo

2024-12-21 12:58:02
TX. Phổ Yên (Thái Nguyên) nỗ lực giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tạo sinh kế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Học nghề để thoát nghèo

Những ngày nông nhàn, chị Vừ Thị Mỷ, xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) lại bận rộn với công việc ở Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn với công việc chính là may mặc các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Qua đôi tay khéo léo của chị, những tấm vải lanh thô, cứng dần trở thành các sản phẩm vô cùng bắt mắt.

Theo Báo Hà Giang, nhiều năm về trước, chị Vừ Thị Mỷ cũng như nhiều chị em phụ nữ khác trong thôn chỉ biết làm việc nhà và trên các nương ngô. Sau khi Hội Phụ nữ huyện mở lớp dạy nghề may mặc trang phục dân tộc và vận động chị em tham gia, chị Mỷ đã chủ động sắp xếp công việc gia đình, cần mẫn học nghề. Đến nay, khi tay nghề thành thục, chị được bố trí công việc tại HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A. Công việc ở HTX mang lại thu nhập cho chị Mỷ từ 5-7 triệu đồng/tháng, tùy số lượng sản phẩm làm ra.

Chị em phụ nữ xã Lũng Táo (Đồng Văn) học nghề may mặc truyền thống. (Ảnh: Báo Hà Giang)

Chị Mỷ tâm sự: “Thu nhập ổn định, con cái được ăn no, mặc ấm, được đến trường với quần, áo đẹp là thành quả cho những nỗ lực của tôi. Chị em phụ nữ chỉ cần có một nghề ổn định, làm chủ cuộc sống thì gia đình sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều”. Có lẽ, đây cũng là mong mỏi của bất cứ chị em phụ nữ nào.

Điều đáng nói là chị Vừ Thị Mỷ chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận với các chương trình dạy nghề tại Hà Giang, từ đó giúp nhiều chị em có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội PN huyện Đồng Văn cho biết: Với chủ trương “Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, có thu nhập ổn định sau đào tạo”, chúng tôi đã lựa chọn và đào tạo các nghề dựa trên nhu cầu thực tế về việc làm tại địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Các lớp dạy nghề cho hội viên PN người DTTS bám sát được mục tiêu Đề án số 1956 của Thủ tướng Chính phủ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng đối với nghề được học, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, nhiều mô hình dạy nghề trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định rõ hiệu quả; nhiều chị em sau khi học nghề, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2015-2020, Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn phối hợp mở được 73 lớp dạy nghề thêu dệt thổ cẩm, cắt may trang phục dân tộc, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…; thành lập được 4 HTX, 20 tổ PN liên kết phát triển kinh tế tại 19 xã, thị trấn. Các HTX hiện có doanh thu cao, tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ như: HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, chuyên dạy nghề may mặc trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên, doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm; HTX thổ cẩm thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với 18 thành viên, doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng chính sách xã hội, Hội đã thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo cơ hội cho nhiều chị em được vay vốn ưu đãi. Hiện, Hội quản lý 64 Tổ vay vốn với tổng số dư nợ gần 70 tỷ đồng/2.064 hộ. Ngoài ra, có gần 2 nghìn hội viên phụ nữ vay vốn qua các Đoàn thể khác với tổng số vốn vay trên 700 triệu đồng.

Trợ lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Bên cạnh đó, để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, hàng loạt chính sách hỗ trợ được tỉnh đưa ra. Điển hình có thể kể đến là Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025.

Theo Vnbusiness, chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được thực hiện với mục tiêu nâng cao hiểu biết cho phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.

Các chương trình hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đa dạng hình thức. (Ảnh minh họa)

Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn. Các cấp, ngành đều chung tay hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo, tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số được đẩy mạnh.

Chương trình đặt mục tiêu tới năm 2025, hỗ trợ 500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, thành lập được 8 HTX do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ ít nhất 200 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác của phụ nữ mới thành lập…

Đến nay, Hà Giang cũng thành lập và duy trì hoạt động hơn 400 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế, 37 tổ phụ nữ khởi sự kinh doanh, hỗ trợ trên 130 phụ nữ khởi sự kinh doanh theo hình thức phát triển kinh tế hộ.

Đồng thời, tổ chức cho đại diện các HTX tham gia tập huấn kỹ năng lãnh đạo và phát triển kinh doanh; nâng cao năng lực cho Ban quản lý/Hội đồng quản trị HTX…

Bên cạnh thành lập các HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức, như: Giúp đỡ ngày công, cây, con giống, vốn; tích cực khai thác, tín chấp các nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển kinh tế.

Tạo mọi điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc có cuộc sống, môi trường học tập và rèn luyện tốt hơn
ADB tài trợ 60 triệu USD hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bình Định và Quảng Nam
Top