Bạn sẽ rất bất ngờ khi tới làng Đa Chất và nghe những câu nói kỳ lạ như thế này: Mỗ sởn lõng chược (Cháu từ đâu đến?); Xảo và thít mận (Mời cháu vào uống nước)... Đó chính là biệt ngữ của bà con được truyền tụng từ hàng nghìn năm nay mà không nơi nào có được.
Thần phả của làng Đa Chất viết: “Đây là nơi thờ Trung Thành Đại Vương, còn gọi là Thổ Lệnh Trường, Tướng chỉ huy thời vua Hùng. Ngài là con thứ 3 của Hào trưởng vùng Hồng Giang có tên Đào Công Bột, ông tổ của ngôn ngữ này. Trong cuộc chiến giữa nhà Thục và Vua Hùng, sau khi thắng trận thì về khao quân. Hồi đó, để làm ra hạt gạo tốn nhiều công sức. Thương dân, ngài đau đáu nghĩ cách giúp dân. Ngài là người đầu tiên phát minh ra cối xay. Nghề làm cối được truyền từ đời này sang đời khác, các thợ làm nghề muốn giữ gìn những bí quyết riêng nên đã sáng tạo ra ngôn ngữ bây giờ.
Đình làng Đa Chất
Ngoài ra, trong cuốn sách "Văn hóa dân gian làng Đa Chất" (Tác giả: Chu Huy – Nguyễn Dấn, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Tây, 2007) cho biết, làng Đa Chất không những có nghề đóng cối, xay thóc truyền thống mà là làng sáng tạo ra cả một hệ thống tiếng lóng làng nghề, tạo thành một loại biệt ngữ mà chỉ riêng phường thợ cối với nhau mới hiểu và giao tiếp được. Do nhu cầu làng nghề, những gánh thợ cối không muốn cho nhà chủ biết mình nói gì nên đã có một hệ thống biệt ngữ riêng. Những biệt ngữ này được truyền từ đời ông, đời cụ lâu dần thành thói quen và người thợ cũng không biết ai là người nghĩ ra và đặt ra đầu tiên. Tìm hiểu những biệt ngữ này, thấy có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán – Việt, âm thông dụng và âm ít dùng, âm nói tắt, nói gọn và âm dân dã.
Hiện tại, số lượng từ vựng biệt ngữ của Đa Chất không phải là một vài từ mà có tới hơn 200, bao gồm từ Hán – Việt và từ nói trại. Mỗi từ đều có nghĩa độc lập, có thể ghép lại với nhau tạo ra lớp nghĩa mới. Ví dụ: "Thít" có nghĩa là "ăn", "bâng lâng" có nghĩa là "các loại quả"; ghép "thít bâng lâng" ra nghĩa "ăn hoa quả"…
Quyển sách lưu giữ những từ biệt ngữ của người dân làng Đa Chất
Điều đặc biệt, người Đa Chất thường truyền tai nhau lợi ích của ngôn ngữ địa phương thông qua câu chuyện. Đó là người Đa Chất đi ô tô khách, phát hiện kẻ xấu định móc túi liền dùng "mật mã" để thông báo: "Sảo tớp hách/nhát tớp hách" (người con trai/người con gái ăn cắp). Đọc được "mật mã", bạn đồng hành không bị mất cắp, bản thân cũng không bị gây sự…
Dù không được công nhận là ngôn ngữ chính như hàng trăm năm nay, người dân làng Đa Chất mặc nhiên coi đây là một ngôn ngữ địa phương cần được lưu giữ. Tương truyền, con gái làng này đi lấy chồng làng khác chỉ một thời gian là không nói tiếng làng thành thạo được nữa. Còn cô gái theo chồng về làng Đa Chất phải học từng chữ nhưng chỉ một thời gian ngắn sẽ thành thạo.
Linh Giang
Nguồn bài viết : Xổ số miền Nam thứ Nam