Trận đánh Xuân Lộc thắng lợi đã mở cánh cửa để quân đội ta giải phóng miền Nam. Hôm nay, những người lính năm xưa gặp nhau ôn lại những năm tháng hào hùng và tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống.
Hôm nay (14/11) gần 100 cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341) tham gia chiến đấu trong trận chiến Xuân Lộc (1975) gặp mặt tại Thủ đô Hà Nội.
12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt
Họ là những người lính đã trực tiếp chiến đấu 12 ngày đêm, làm nên chiến thắng Xuân Lộc vang dội vào tháng 4/1975. Chiến thắng giúp mở toang cánh cửa để quân đội ta tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Theo kế hoạch của Ban chỉ huy, 5h40 ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc tiến hành nhiều trận chiến liên kết chặt chẽ với nhau.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, quân đội ta đã làm cho địch thiệt hại nặng.
Những hình ảnh trong trận đánh Xuân Lộc năm 1975 |
Ngoài Xuân Lộc, quân ta thừa thắng giải phóng liên tiếp các cứ điểm quân sự khác của địch như: Túc Trưng, Gia Kiểm, Dầu Giây, Núi Thị, Ấp Tre, Trảng Bom… thuộc tỉnh Long Khánh (nay là Đồng Nai). Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào Sài Gòn.
Vào chiến trường khi mới 16 tuổi
Trong chiến dịch đó, ông Đàm Duy Thiên, thuộc tiểu ban tác chiến, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ.
Đang là học sinh trung học phổ thông, chàng trai trẻ xứ Nghệ gác lại giấc mơ trở thành bác sỹ để lên đường vào tham gia chiến dịch Xuân Lộc.
Giấy ra vào đơn vị tác chiến được ông Thiên lưu giữ cẩn thận cho đến hôm nay |
Vốn có năng khiếu hội họa, ông Thiên được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến. Từ khảo sát thực tế, ông đã thể hiện đường đi, trận địa tấn công của bộ binh ta cũng như các vị trí, mục tiêu của địch bằng những nét chì trên giấy. Nhờ những bản đồ đó, cán bộ, chiến sĩ ta tấn công đúng hướng, đúng mục tiêu.
Ông Thiên kể lại: “Tôi trở thành một chiến sĩ của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 tham gia đánh trận Xuân Lộc. Những năm tháng đó thật hào hùng. Chúng tôi chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Tôi còn nhớ, khi trận đánh đang diễn ra ở giai đoạn khốc liệt nhất thì chiến sĩ Nguyễn Văn Lương, trúng đạn rất nặng. Đơn vị chuyển anh về phía sau, tôi cùng một số đồng đội tham gia chăm sóc, băng bó cho anh. Anh ấy đã không qua khỏi. Hơi thở cuối anh trút trên tay tôi, khiến tôi ám ảnh cho đến tận bây giờ. Trong những ngày chiến đấu, anh ấy luôn nói khi hòa bình lập lại sẽ tiếp tục học đại học để làm họa sĩ. Lúc nhập ngũ anh Lương đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Mỹ Thuật”.
Tiến sỹ Đàm Duy Thiên hiện đang làm việc tại Hà Nội |
Đất nước thống nhất, ông Thiên học tập, phấn đấu trở thành tiến sỹ y khoa, giữ vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước.
Nói về đồng đội, ông Thiên rưng rưng: "Chúng tôi, người còn người mất, người thương tật, người may mắn như tôi được lành lặn trở về. Nhưng, không bao giờ tôi cũng như các chiến sỹ đã cùng nhau vào sinh ra tử cho phép bản thân lãng quên. Dù ở thời nào, làm việc gì, tôi vẫn nhắc nhớ mình là 1 người lính. Đã là lính thì phải can trường, phải trung thực và biết yêu thương, bảo vệ nhân dân, đồng đội mình”.
Bản đồ trận tiến công Xuân Lộc |
Nói về người đồng đội trẻ tuổi nhất này, Đại tá Lê Tiến Hạt (nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 266, Sư đoàn 341) nhận xét: “Ngày đó vào chiến trường, Thiên nhỏ tuổi nhất đơn vị, mặt trẻ măng, người gầy bé lắm. Thiên viết chữ và rất vẽ đẹp nên được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến. Thiên vẽ cẩn thận, tỷ mỉ cho ra đời những bản đồ rất chính xác. Bản đồ của cậu ấy đã phục vụ, góp phần làm nên chiến thắng Xuân Lộc”.
Tiến sỹ Đàm Duy Thiên, Đại tá Lê Tiến Hạt, Đại tá Bùi Quang Minh |
Đại tá Bùi Quang Minh, nguyên Trưởng phòng doanh trại, Bộ tư lệnh quân chủng thông tin liên lạc dành cho ông Thiên rất nhiều tình cảm.
"Suốt nhiều năm qua, cậu ấy chưa bao giờ quên những người anh, đồng đội đã cùng chiến đấu.
Thiên ít tuổi hơn chúng tôi nhiều nhưng lại sống rất sâu sắc. Hàng năm đến ngày gặp mặt của chúng tôi, cậu ấy vẫn là cậu lính “thời bình” trẻ nhất và đầy tâm huyết nhưng cũng rất giản dị, cầu thị, ham học hỏi. Thiên đã vươn lên ở nhiều vị trí quan trọng trong công việc, có nhiều đóng góp cho ngành y và xã hội. Người lính Xuân Lộc năm xưa nay vẫn đầy yêu thương trong cuộc sống của thời bình”, Đại tá Minh chia sẻ.
Hàng năm, những người chiến sỹ của Trung đoàn 266 năm xưa tìm đến với nhau để ôn lại kỷ niệm cũ và tưởng nhớ đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.
Những người lính trong trận đánh Xuân Lộc đều đã già, song những ngày vào sinh ra tử không phai mờ trong tâm trí
|
Hiện nay, các cựu chiến binh của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 vẫn gắn kết với nhau rất mật thiết. Ngoài việc gặp gỡ để ôn lại lịch sử, truyền thống, kiểm tra đánh giá về việc thăm hỏi, hiếu hỉ, họ còn giúp nhau làm kinh tế.
Các cựu chiến binh cũng tổ chức xây nhà cho những người đồng đội neo đơn hoặc thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chiến hữu vất vả. Họ góp 100 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) để gửi tặng những cựu chiến binh Trung đoàn 266 đang còn nhiều khó khăn.
Hoài Anh
Chiến thắng 30/4 là đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, những bài học rút ra từ chiến thắng này mã mãi là tài sản vô giá của dân tộc ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Nguồn bài viết : Bảng xếp hạng