Theo đó, cơn bão số 9 (có tên quốc tế là USAGI) được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ gió mạnh cấp 8 vào sáng 25/11, gây mưa lớn ở một số tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong đó, vùng ảnh hưởng có gió mạnh từ cấp 6 trở lên là từ Phú Yên đến Trà Vinh.
Từ ngày 24 - 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên có khả năng từ mức báo động 1 đến báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến vào sáng 22/11, để chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 (Damrey) năm 2017 và mưa lớn sau bão số 8 năm 2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan báo chí, truyền hình phối hợp tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng, phát thanh, đưa tin dự báo, cảnh báo về bão, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành, cuộc họp chỉ đạo ứng phó của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai trên hệ thống phát thanh truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng để người dân và chính quyền cập nhật tình hình, chủ động ứng phó.
Các cơ quan báo chí, truyền hình tăng cường đưa tin phản ánh công tác chỉ đạo điều hành, công tác chuẩn bị ứng phó bão, các hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão đến chính quyền và người dân tại địa phương trong vùng ảnh hưởng.
Các nội dung cần thông tin, tuyên truyền tập trung vào tình hình diễn biến thiên tai, thông tin xả lũ hồ chứa (nếu có); công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và chính quyền các cấp tại địa phương; thông tin hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (khu vực nguy hiểm được cập nhật theo diễn biến của bão tại các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).
Công tác thông tin tuyên truyền cần hướng dẫn cách thức neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão an toàn; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn về người và tài sản, những việc nên làm, không nên làm, chằng chống nhà cửa, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản...; sẵn sàng sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường ý thức đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực sơ tán người dân; hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ đê điều, hồ chứa và sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó sự cố đầu giờ.
Hướng dẫn nhà trường, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi có bão, mưa lũ; hướng dẫn tổ chức các lực lượng xung kích tại cơ sở để tham gia rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất, cắm biển cảnh báo; tổ chức tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đăng tải trên Website các phim, video, tài liệu hướng dẫn về phòng tránh bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn neo đậu tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản...
Nguồn bài viết : XSMB hôm qua