Ông tên thật là Võ Nguyên Nhân, sinh năm 1938, tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Cả gia đình tham gia kháng chiến ở Cà Mau, ông tự học nghề nhiếp ảnh bằng cách làm thuê cho một hiệu ảnh.
Sau Hiệp định Genève, do địch lùng sục, bắt bớ gắt gao, ông lên Sài Gòn lánh nạn, làm công cho một hiệu ảnh. Một năm sống ở nơi đất khách, ông chỉ làm những công việc lặt vặt hoặc nhìn người khác làm ảnh chứ không được cầm máy.
Trở về Cà Mau, ông mở hiệu ảnh ở chợ Bà Kẹo, huyện Trần Văn Thời. Tại đây, vừa chụp ảnh dịch vụ, ông vừa nhận trách nhiệm chụp ảnh làm thẻ căn cước cho nhiều cán bộ cách mạng.
Cuối năm 1959, sau gần 3 năm làm hiệu ảnh, ông về xã Khánh Hưng để dạy học rồi tham gia công tác ở Ban tuyên huấn xã. Tháng 6/1961, ông được phân công về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, phụ trách tổ nhiếp ảnh, phim đèn chiếu và trang trí khánh tiết. Tám năm sau, ông về Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ với cương vị Phó trưởng phòng nhiếp ảnh.
Với nhiều người, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh là người ghi lại khoảnh khắc lịch sử qua ống kính của mình bằng cảm xúc mãnh liệt từ trái tim. Những bức ảnh thời chiến tranh; tội ác của giặc; màu xanh trên quê hương bị hủy diệt bằng bom đạn, bằng bom napan, chất độc hóa học đều được ông ghi lại trong những cảm xúc chất chồng và thể hiện rõ nét tình yêu quê hương đất nước. Để rồi qua những bức ảnh ấy, qua những câu chuyện thời chiến tranh, những con người bình dị, những con người anh hùng được phác họa sống động.
Dẫu chiến tranh bom đạn, qua những bức ảnh từ trong chiến trường, sức sống của con người tại vùng đất cực nam Tổ quốc vẫn trỗi dậy mãnh liệt. Những trận phá đồn; bắn rơi máy bay địch; những gương mặt của người mẹ chiến sĩ, anh du kích, chị pháo binh vẫn rạng ngời niềm tin chiến thắng… Sức sống ấy còn là sự miệt mài ngày đêm để chế tạo vũ khí, in ấn tài liệu, triển lãm tranh, ảnh nhằm động viên mọi người hăng say chiến đấu; là những lớp học, trạm cứu thương dã chiến ngay trong tầm bắn phá của giặc…
Có thể kể tới những tác phẩm thời chiến tiêu biểu của Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh như: "Cỏ cây cũng căm thù giặc Mĩ"; "Phóng lựu đạn vào đồn địch - một phát minh độc đáo của chiến tranh nhân dân"; "Trạm quân y dã chiến"…
Trong cuộc triển lãm 180 bức ảnh chiến tranh Việt Nam của nhiều tác giả tại Washington DC năm 2002, với tấm ảnh chụp một trạm quân y ngập nước trong rừng U Minh năm 1970 - thời điểm giặc thực hiện chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” bằng những trận càn, bắn phá khốc liệt, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã được Nhà bình luận nhiếp ảnh Margarett Loke của tờ New York Timer đánh giá là một trong những bức ảnh giá trị nhất của một phóng viên chiến trường.
Mười lăm năm cầm máy trong kháng chiến, hơn 45 năm cầm máy sau giải phóng, chưa bao giờ bước chân Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh chịu ngơi nghỉ. Trong giai đoạn chiến tranh, ông Võ An Khánh là nhà báo của cơ quan Thông tấn xã giải phóng. Từ rừng đước Năm Căn đến rừng tràm U Minh, rồi chi khu Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước…, những bức ảnh đều gắn với một thời điểm, một sự kiện đáng nhớ của lịch sử. Trong điều kiện tác nghiệp gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, chụp một tấm ảnh phải đắn đo vì nguồn phim hạn chế, việc giữ gìn tư liệu cũng khá gian nan. Có những lúc, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách trong gang tấc nhưng bom đạn giặc Mĩ không làm tắt được ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề, yêu quê hương trong con người nhà báo - nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng này.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Dù ở cương vị là Trưởng ban biên tập Báo ảnh Đất Mũi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Minh Hải, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật tỉnh … cho đến lúc về hưu, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh vẫn không ngừng cầm máy, không ngừng sáng tác ảnh nghệ thuật. Bởi với ông, nhiếp ảnh đã thuộc về máu thịt, càng yêu nghề, yêu quê hương, đất nước, ông càng muốn lưu giữ những khoảnh khắc của cuộc sống vào ống kính của mình. Từ vùng sông nước Đồng bằng đến rừng núi Tây Nguyên, rồi miền Trung du, miền sơn cước phía Bắc, hầu như nơi nào cũng in dấu chân ông. Và ông cũng đã góp phần gieo hạt ươm mầm cho vườn nghệ thuật nhiếp ảnh tỉnh Bạc Liêu ngày càng phát triển.
Hơn 60 năm cầm máy, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã có một gia tài khá đồ sộ với hàng ngàn bức ảnh thời chiến và thời bình, trong đó có nhiều tác phẩm được triển lãm và đạt giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Ông cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân, xuất bản 3 tập sách ảnh: Quê tôi thời chiến, Đường hạnh phúc, Việt Nam trong trái tim tôi được công chúng đánh giá cao. Trong đó, tính khốc liệt nhất phải kể đến tập Quê tôi thời chiến. Đây có thể nói là tập sách ảnh tư liệu quý nhất về chiến tranh trên vùng đất cực Nam Tổ quốc Bạc Liêu - Cà Mau. Trên từng bức ảnh, ta thấy sự khủng khiếp của đạn bom, sự đau thương đến cùng cực vì hậu quả của chiến tranh và ẩn sau tất cả là sự đồng cảm, sự xâm nhập của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên chiến trường.
Là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh cũng đã được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh danh dự (HON.VAPA), Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA) và Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc (ES.VAPA). Ông cũng đã được Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương, được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước vì đã có một số tác phẩm thời chiến xuất sắc, có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quốc.
Với cống hiến của mình, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (1997); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (2001); Huân chương Lao động hạng Ba (2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007)… Đáng kể là Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 (gồm 10 ảnh) của ông vô cùng xúc động. Đây là bộ ảnh mà ông đã chắt lọc trong số hàng trăm tác phẩm được ghi chép lại trong thời chiến, khắc họa hình ảnh những nữ chiến sĩ quả cảm, mang phẩm chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Và không chỉ sáng tác ảnh, ông còn bén duyên với văn học, thơ ca với nhiều tập sách được xuất bản như: Ánh lửa đêm tàn, Mắt ngọc, Đồng nghiệp và tôi, Tình quê, Mảnh trăng xưa… Bởi theo ông, có những kỷ niệm, những cảm xúc mà hình ảnh không thể chuyển tải hết được, nên phải mượn văn thơ để giải bày. Sâu thẳm trong tâm tư, ông vẫn không quên sự giúp sức của đồng chí, đồng bào để mình trở thành một nhà báo, một Nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi được nhiều người biết đến.
Tang lễ của Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh diễn ra vào sáng 26/2. Linh cữu ông sẽ được an táng tại Nghĩa tang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu vào chiều 1/3.
Nguồn bài viết : Xổ số miền Trung Thứ năm hàng tuần