Thời sự - Chính trị

Việt Nam đóng góp thiết thực tại khóa họp lần thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền

2024-12-21 12:40:54
Các tổ chức nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong xây dựng Báo cáo UPR
Đại hội đồng LHQ bầu Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026

Sau 5 tuần họp liên tiếp, Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền đã đạt được nhiều kết quả tích cực như có 37 nghị quyết được thông qua; tiến hành 05 phiên thảo luận chuyên đề về các biện pháp cưỡng chế đơn phương và nhân quyền, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của Hội đồng Nhân quyền, quyền của người bản địa, thanh niên và quyền con người, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng. Ngoài ra cũng đã diễn ra hàng loạt phiên thảo luận về 87 báo cáo chuyên đề; các phiên thảo luận và đối thoại với 37 Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của LHQ; các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước; hoàn thành thủ tục thông qua các Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước; bầu 7 thành viên Ủy ban tư vấn của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2026; và quyết định bổ nhiệm 12 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.

Toàn cảnh phiên họp của Đại hội đồng LHQ bầu chọn các quốc gia thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026, tại New York, Mỹ ngày 10/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - dẫn đầu đã tích cực tham dự khóa họp lần thứ 54 Hội đồng Nhân quyền và triển khai 2 sáng kiến. Cụ thể là Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, đồng thời phối hợp với Brazil và Gavi, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, chủ trì Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cùng Ấn Độ đồng bảo trợ và tổ chức tọa đàm quốc tế về “75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế và 30 năm Chương trình hành động Vienna: Triển khai quyền phát triển nhằm bảo đảm quyền con người và Chương trình nghị sự 2030”, tiếp nối sáng kiến của Việt Nam hồi tháng 2 năm nay về Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về kỷ niệm hai văn kiện quốc tế quan trọng nêu trên.

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đằng trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19; quyền phát triển; thanh niên và quyền con người; bắt nạt trẻ em trên không gian mạng... Trong các phát biểu, đoàn đã nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; giới thiệu những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, bảo đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm bớt gánh nặng tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nhóm dễ bị tổn thương. Đoàn Việt Nam luôn nhấn mạnh cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, vốn đang đe dọa đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương cũng như khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, bao gồm thông qua hoạt động của Hội đồng Nhân quyền để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.

Cùng với các nước ASEAN, Đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm và chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của Hội đồng Nhân quyền, UPR.

Trong suốt khóa họp, Đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các Đoàn của các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Sự tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Khóa họp 54 của Hội đồng Nhân quyền, nổi bật là việc đưa ra 02 sáng kiến xây dựng Phát biểu chung và tổ chức tọa đàm quốc tế nêu trên cũng như đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Theo Baotintuc.vn

https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-dong-gop-thiet-thuc-tai-khoa-hop-lan-thu-54-cua-hoi-dong-nhan-quyen-20231014055805952.htm

Liên hợp quốc đề cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam
Lắng nghe ý kiến đóng góp để thúc đẩy các hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Hà Lan

Top