Thời sự - Chính trị

Người có uy tín là “Điểm tựa” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Hà

2024-12-21 12:41:38
Thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và MN ở Lào Cai
Huyện Bảo Yên (Lào Cai): Người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Bắc Hà là huyện vùng cao nằm ở hướng đông bắc của tỉnh Lào Cai, là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai theo nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện hiện có 19 đơn vị hành chính, gồm 18 xã và 01 thị trấn; huyện hiện có 84% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số với 14 dân tộc sinh sống, như: dân tộc Mông, Tày, Dao, Nùng, Phù Lá, La Chí,…

Hiện nay, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có 146 người có uy tín trong đồng bào DTTS là: Bí thư Chi bộ, các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng dòng họ, chắc sắc tôn giáo, trí thức nghỉ hưu, thầy mo, thầy cúng,… Đội ngũ người có uy tín ở huyện Bắc Hà đã thực sự phát huy vai trò của mình ở khu dân cư, thôn bản, dòng tộc và cộng đồng người DTTS; đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Điệu múa Xoè truyền thống của dân tộc Tày tại xã Tả Chải (huyện Bắc Hà – Lào Cai) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; người dân tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Vàng Văn Hà - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Nhiều người uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, là tấm gương sáng trong việc thực hiện các chương trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo... Bằng uy tín của mình các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm cơ sở.

Người có uy tín ở vùng cao Bắc Hà có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào. Trong số đó có ông Vùi Văn Phù, sinh năm 1963, dân tộc Tày, người có uy tín ở thôn Na Thá, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà – Lào Cai) đã phát huy vai trò gương mẫu, “đầu tàu” trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hằng ngày, ngoài việc ruộng nương, chăm lo cuộc sống gia đình, ông Phù còn tranh thủ cùng các thành viên trong Tổ Tuyên vận thôn đến từng hộ trò chuyện, tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, không nghe theo những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu; động viên lớp trẻ thực hiện nếp sống văn minh, không uống rượu, bia hoặc gây gổ, đánh nhau... Nhờ đó, nhiều năm qua thôn Na Thá không có người nghiện ma túy, an ninh, trật tự luôn ổn định và người dân đoàn kết xây dựng thôn, bản ngày càng giàu đẹp.

Cùng với đó, người có uy tín trên địa bàn huyện Bắc Hà tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và là lực lượng nòng cốt, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Trong số những người uy tín tiêu biểu đó là bà Sùng Phà Sủi, sinh năm 1964, dân tộc Phù Lá, người có uy tín thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà – Lào Cai) là một tấm gương sống động, điển hình về vai trò của người Đảng viên vùng cao "Nói cho dân hiểu, làm để dân tin". Với sự quyết tâm muốn đồng bào thoát khỏi đói nghèo, bà cùng gia đình đã tiên phong phát triển kinh tế, giúp bà con thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế in hằn trong nếp nghĩ từ bao đời nay.

Những đóng góp của người có uy tín Sùng Phà Sủi đã được các cấp ghi nhận, tuyên dương. Theo đó, năm 2016, bà Sùng Phà Sủi được công nhận Chiến sĩ thia đua và được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen; năm 2017, bà được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen. Năm 2020, bà là cá nhân điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020.

Bà Sùng Phà Sủi, sinh năm 1964, dân tộc Phù Lá, người có uy tín thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà – Lào Cai).

Bà Sùng Phà Sủi kể: “Hơn 30 năm tôi tham gia công tác xã hội làm ở các vị trí như: Trưởng thôn, công an viên và Bí thư Chi bộ thôn, tôi tình nguyện không nhận bất kỳ khoản phụ cấp hay hỗ trợ nào để giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn. Trong gần 20 năm tôi làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Đét (từ năm 2004 đến năm 2020), tôi đã vận động phụ nữ các thôn đóng góp tiền để xây dựng nhà văn hóa, đổ được 25 km đường bê tông; nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã hiến 20.000 cây quế, 14 ha đất để mở 11 km đường nội đồng,…Với những đóng của mình, tôi đã nhiều lần được các cấp, ngành của huyện Bắc Hà và tỉnh Lào Cai khen thưởng. Nhưng với tôi, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng của bà con, là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với những thôn bản vùng cao Nậm Đét.

Còn ở xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà – Lào Cai) có trưởng thôn Lồ Seo Lử, sinh năm 1965, dân tộc Mông, là người có uy tín ở thôn Tả Thồ 1. Mọi việc trong thôn đều được ông gương mẫu đi đầu. Ông Lồ Seo Lử kể: “Nhớ lại những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người còn e ngại, chần chừ và có tư tưởng trông chờ Nhà nước. Nắm được tâm lý đó, tôi cùng các đảng viên trong Chi bộ và hội viên đoàn thể trong thôn đến từng nhà vận động, phân tích, giúp người dân hiểu về lợi ích thiết thực từ việc làm đường. Gia đình tôi cũng tự nguyện hiến 1.000m2 đất để mở đường. Thấy vậy, người dân đã đồng tình hiến đất và ngày công để bê tông hóa 5km đường giao thông nông thôn, đóng góp hơn 68 triệu đồng xây dựng nông thôn mới.

“Hằng năm, Phòng Dân tộc huyện tham mưu cho UBND huyện Bắc Hà tổ chức động viên, thăm, tặng quà người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán; hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 100% người có uy tín; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm; thực hiện chính sách thăm, động viên người có uy tín ốm đau và thân nhân người uy tín qua đời;…

Người uy tín tại Bắc Hà đã và đang phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống, là tấm gương để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản làm theo”, ông Vàng Văn Hà - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Hà thông tin.

Hay ông Chấu Seo Dế, sinh năm 1954, dân tộc Mông, người có uy tín ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà – Lào Cai), dù đã bước sang tuổi 70, nhưng ông Chấu Seo Dế vẫn tích cực tham gia đầy đủ các cuộc họp ở thôn. Trong thời gian họp, ông Dế lắng nghe ý kiến của bà con về những vướng mắc trong phát triển kinh tế gia đình, những nội dung còn băn khoăn khi triển khai thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước… Từ đó, ông Chấu Seo Dế tổng hợp, giải thích, tuyên truyền để bà con hiểu.

“Bà con ai cũng biết tiếng phổ thông nhưng mình giải thích chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bằng tiếng Mông thì mọi người hiểu và chấp hành tốt hơn, nên buổi họp nào tôi cũng cố gắng tham gia dù bận đến mấy,…”, ông Chấu Seo Dế chia sẻ.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Hà (Lào Cai) vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Hà quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp đối với người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người có uy tín, có chính sách thỏa đáng để họ yên tâm, tích cực trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập, tham gia các thực hiện các chương trình, chính sách, dự án liên quan đến đồng bào DTTS trên địa bàn;

“Bắc Hà tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản để làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn. Thường xuyên thông tin, trao đổi các chủ trương, chính sách, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cốt cán, người có uy tín nhất là công tác vận động quần chúng, công tác đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật. Chăm lo thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS;…”, ông Vàng Văn Hà - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Hà nhấn mạnh.

Có thể thấy, từ sự quan tâm, bồi dưỡng của các ngành, các cấp, người có uy tín trên địa bàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã và đang phát huy vai trò là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân, là “điểm tựa” trong đồng bào DTTS. Đồng thời, người có uy tín cũng là hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Lào Cai thăm hỏi, tặng quà hơn 3.300 lượt người có uy tín

Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Năm 2023, tỉnh Lào Cai có 1.119 người có uy tín; gồm các dân tộc như: H’mông, Dao, Nùng, Giáy, Phù Lá (Xa Phó, Thu Lao), Pa Dí, Tu Dí, La Chí,...

Ông Ma Thế Luận - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc và bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng quà cho đại biểu người có uy tín.

Thời gian qua, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng dân cư; tích cực vận động quần chúng thực hiện Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phát huy vai trò trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống; tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết, thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hằng năm, UBND tỉnh Lào Cai giao cho Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền đối với người có uy tín; cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương. Khen thưởng các tập thể, cá nhân người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực; tặng quà cho người có uy tín nhân dịp lễ, Tết; thăm hỏi, động viên tinh thần người có uy tín khi ốm đau hoặc gia đình gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ;...

Từ 2021 đến 2023, tỉnh Lào Cai đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán cho 3.381 lượt người có uy tín, kinh phí thực hiện 1.690,5 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi người có uy tín khi bị ốm đau, qua đời; các hộ gia đình người có uy tín bị thiên tai, hỏa hoạn cho 86 lượt người uy tín, kinh phí thực hiện 59,5 triệu đồng.

Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai thừa ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao Bằng khen cho cá nhân người có uy tín tỉnh Lào Cai đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, công tác khen thưởng cũng được chú trọng đối với người có uy tín, từ năm 2021 đến nay, có 228 lượt người có uy tín ở Lào Cai có thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó: 3 người có uy tín được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, tặng Bằng khen; 90 người có uy tín được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tặng 27 giấy khen; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tặng giấy khen cho 135 người có uy tín.


Hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN ở Lào Cai
Lào Cai đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhưng vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ.
Thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và MN ở Lào Cai
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tích cực triển khai “Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, đã tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống; từng bước thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) ở Lào Cai.
Huyện Bảo Yên (Lào Cai): Người có uy tín là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần triển kinh tế - xã hội ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Top