Nơi chắp cánh ước mơ cho lưu học sinh nước ngoài |
Lưu học sinh Lào, Campuchia trải nghiệm gói bánh chưng |
Sáng 3/2, căn nhà của bà Trần Bình (đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) rộn ràng tiếng nói cười, tiếng mỡ reo xèo xèo hòa quyện cùng mùi thơm đặc trưng của món lẩu Thái. Hôm nay là ngày Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp (thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia) tổ chức bữa cơm tất niên cho các con đỡ đầu của Hội là lưu học sinh Campuchia đang học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bữa cơm tất niên của lưu học sinh Campuchia bên bố mẹ đỡ đầu thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Bà Bopha Yos, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp cho biết, nhiều lưu học sinh đã về nước nhân kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam, do đó chỉ có 8 em tới ăn cơm tất niên với bố mẹ đỡ đầu. Ông Nguyễn Thế Đậu, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng tới chung vui cùng các cháu.
Trong gian bếp nhỏ, các ông bố bà mẹ người bóc bánh chưng, người cho nước xương hầm vào nồi lẩu, người chặt gà, xếp thịt bò ra đĩa... Chav Channy và Soeun Sovannaty (sinh viên năm thứ nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội) được phân công rán nem. Bật bếp rồi từ từ rót dầu vào chảo, Chav Channy làm nóng dầu ở mức lửa nhỏ, sau đó thả từng chiếc nem vào. Đợi nem chín, vàng giòn một mặt, Chav Channy trở nem rán nốt mặt còn lại.
Chav Channy cho biết, nem rán là món ăn Việt Nam em thích nhất. Đây là lần thứ hai em được thưởng thức món ăn này. Trước đó, khi học tiếng Việt ở trường Hữu nghị 80 (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội), em đã được thầy cô dạy cách gói nem và biết đây là món ăn tổng hòa của nhiều vị ngon được kết hợp từ thịt lợn băm, miến, cà rốt, hành tây, trứng gà, mộc nhĩ, nấm hương... cùng các loại gia vị.
Xếp những chiếc nem giòn rụm ra đĩa, các em tiếp tục rán phồng tôm. Sợ bỏng, Soeun Sovannaty rón rén thả hai chiếc bánh phồng tôm vào chảo. Em cho biết, ở Campuchia các em cũng ăn phồng tôm nhưng là loại chiên sẵn và được đóng gói, chưa tự rán bao giờ. Thấy vậy, bà Bopha Yos bật cười, hướng dẫn con cầm một nắm bánh thả vào chiếc chảo rộng rồi đảo nhanh tay. Bà lại dùng muôi ép sơ cho bánh chín đều hai bên. Hai cô con gái đỡ đầu "ồ" lên thán phục nhìn những chiếc bánh nở tròn đều, ngả màu hơi vàng mà không bị cháy.
Ngoài sân, ông Trần Văn Hùng, anh trai bà Bình cùng các lưu học sinh Nut Kimheng, Phorn Neak (cùng học Đại học Bách khoa Hà Nội) và Ret Narith (Đại học Xây dựng Hà Nội) xếp nấm và các loại rau ra khay. Bà Vũ Thị Hoa, vợ ông Hùng hướng dẫn các em tỉa ớt, tỉa hoa cà chua. Bà dùng dao cắt ngang phần đầu cà chua, sau đó khéo léo xoay lưỡi dao ôm sát phần thân quả cà chua, gọt từ từ phần vỏ theo chiều xoắn ốc. Sau khi thu về một dây vỏ cà chua dài, bà bắt đầu cuộn tròn từ phần đuôi để làm nhụy hoa hồng rồi từ từ thả lỏng, tạo dáng xòe cho cánh hoa nở rộ. Xếp gọn bông hoa lại, bà nhẹ nhàng điều chỉnh rồi cố định bông hoa trên phần đầu cà chua chừa lại ban đầu. Mấy cậu con trai nhìn bà làm rồi chầm chậm học theo, cuối cùng cũng tỉa được mấy bông hoa trang trí lên đĩa đậu.
Bày biện xong, các bố mẹ cùng các con đỡ đầu quây quần bên mâm cơm với bánh chưng, giò lụa, chả nem, lẩu bò - gà, phồng tôm rán... Trong bữa cơm, Pann Chheav Vey (Đại học Bách khoa Hà Nội) khoe với các bố mẹ vừa bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với số điểm 9,5. Bà Bopha tự hào khen ngợi con và dặn dò các con khác cố gắng chăm chỉ, học giỏi như anh Pann. Bà Bình hỏi các con muốn ăn Tết ở nhà ai, các lưu học sinh người nhận đến nhà mẹ Bình, người đăng ký ở nhà mẹ Bopha... Những câu chuyện cứ thế rôm rả bên mâm cơm Tết...
Háo hức đợi Tết Việt, Soeun Sovannaty cho biết: "Vào ngày Tết, không khí gia đình Việt Nam thật ấm cúng, cả nhà đoàn tụ, sum vầy khiến em thấy ấm áp như ở chính gia đình mình".
Còn với Sok Sovandeth, Tết Việt Nam có nhiều điểm giống Tết Chôl Chnăm Thmây của Campuchia như lên chùa dâng hương, cúng Phật, trang hoàng nhà cửa, cắm hoa tươi... nhưng cũng có nhiều điểm độc đáo với mâm ngũ quả, tục hái lộc, xông đất đầu năm, lì xì mừng tuổi...
Sau bữa cơm, âm nhạc rộn ràng, các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp cùng các con đỡ đầu đắm mình trong điệu múa lăm vông truyền thống của Campuchia. Các lưu học sinh vui mừng nhận những phong bao lì xì từ bố mẹ đỡ đầu với lời chúc sức khỏe, học giỏi và gặp nhiều may mắn.
Theo ông Nguyễn Thế Đậu, việc tổ chức liên hoan tất niên, chào đón năm mới giúp các các lưu học sinh Campuchia thấy ấm áp như ở nhà, đồng thời hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Qua đó góp phần làm sâu sắc thêm tình cảm keo sơn gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Hình ảnh các lưu học sinh Campuchia và bố mẹ đỡ đầu thuộc Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp bên mâm cơm tất niên:
Các lưu học sinh Campuchia sửa soạn mâm cơm tất niên cùng bố mẹ đỡ đầu. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Nhiều loại rau được chuẩn bị cho món lẩu. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chav Channy (bìa phải) và Soeun Sovannary lần đầu rán chả nem. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Thành phẩm của hai cô gái. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Những món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Bắc: bánh chưng, giò lụa, chả nem... (Ảnh: Đinh Hòa) |
Không thể thiếu điệu lăm vông trong buổi liên hoan tất niên. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Các lưu học sinh Campuchia nhận lì xì may mắn từ bố mẹ đỡ đầu. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Các lưu học sinh Campuchia chụp ảnh cùng bố mẹ đỡ đầu... (Ảnh: Đinh Hòa) |
Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Chú trọng phát triển Hội và hội viên trong các tổ chức, đoàn thể xã hội |
Việt Nam - Campuchia: Tình người trong hoạn nạn |