Trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Do đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là biện pháp, cách thức để thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng.”
Đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, nhiều đảng viên cho rằng, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội.
Do vậy, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Theo ông Trần Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, lần đầu tiên, Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994).
Nguyên tắc cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được nêu ra lúc đó là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó đến nay, nguyên tắc đó không hề thay đổi.
Ở bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."
Tổng Bí thư cũng yêu cầu nâng cao “tính Đảng” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là "phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, việc gì cũng phải điều tra cho rõ và phải làm đến nơi đến chốn; cán bộ cấp cơ sở muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo thì phải thực sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân, luôn chăm lo và bảo vệ lợi ích chân chính của nhân dân.”
Đối với Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, ông Trần Đình Tuấn đánh giá, Nghị quyết này đã bổ sung yêu cầu về “dân chủ, công bằng, nhân đạo” - những giá trị mang tính cốt lõi trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để Nghị quyết số 27 ngày càng đi vào đời sống, ông Trần Đình Tuấn cho rằng các quy định của pháp luật phải phù hợp với lợi ích của nhân dân; trong đó, tiêu chí “dân chủ, công bằng” trong pháp luật phải là sự tiếp cận và xử lý đúng đắn, không thiên lệch các mối quan hệ cơ bản giữa cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Tiêu chí “nhân đạo” là đạo đức, sự yêu thương, quý trọng, bảo vệ con người, thể hiện rõ bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước ta đã lựa chọn.
Một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo sẽ góp phần bảo đảm cao nhất quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao uy tín, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo ông Trần Đình Tuấn, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần rất nhiều giải pháp lớn, đồng bộ; trong đó cần một giải pháp cụ thể và có tính khả thi cao là cải thiện chất lượng đội ngũ công chức tham gia xây dựng pháp luật.
Cán bộ vừa có đạo đức vừa có chuyên môn cao thì các văn bản quy phạm pháp luật mới có chất lượng cao, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy định; văn bản quy phạm pháp luật có tuổi thọ ngắn, thường xuyên phải thay đổi; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật không cao, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi.
“Cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với lực lượng làm công tác xây dựng pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ. Chương trình bồi dưỡng, đào tạo phải sát thực, hiệu quả chứ không thiên về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn. Những người làm công tác xây dựng pháp luật cũng phải nghiêm khắc với sản phẩm của mình chứ không được đổ cho trách nhiệm tập thể,” ông Trần Đình Tuấn nói.
Đại tá La Quang Mão, nguyên Tổng Biên tập Báo Quốc phòng Thủ đô, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhận xét, bài viết của Tổng Bí thư đã đánh giá những mặt được và chưa được trong gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ ra 3 vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đặc biệt, yêu cầu thứ hai trong bài viết của Tổng Bí thư là “trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã nêu một trong những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó là cần phải tăng cường hai yếu tố “đức trị” và “pháp trị.”
Yếu tố “đức trị” thể hiện sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh của truyền thống đoàn kết, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật, trong thực hiện Nghị quyết, có tác dụng cổ vũ, lôi kéo, tập hợp quần chúng tham gia thực hiện, như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” vận dụng vào việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Yếu tố “pháp trị” chính là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, nhà nước quản lý xã hội thông qua hệ thống pháp luật mà cụ thể bằng các đạo luật. Chính nhờ các đạo luật này được thực hiện nghiêm túc nên xã hội ngày càng phát triển; mọi công dân, trong đó có cán bộ, đảng viên đều phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.
Từ tình hình thực tiễn hiện nay, trên cơ sở bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại tá La Quang Mão cho rằng, tại Chi bộ 1, khu dân cư số 1, Đảng bộ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nơi ông đang sinh hoạt, toàn thể cán bộ, đảng viên của Chi bộ cần quán triệt sâu sắc nội dung bài viết của Tổng Bí thư, đặc biệt lưu ý hai yếu tố "đức trị" và "pháp trị" gắn với thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện Nghị quyết với chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quản lý xã hội.
Đồng thời, Chi bộ cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo đúng quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thường xuyên lấy ý kiến của quần chúng nhân dân, ý kiến đóng góp, phản biện xã hội của quần chúng đối với các đồng chí lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở cơ sở.
Cùng với đó, xây dựng mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị-xã hội nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó, sức mạnh để hoàn thành thắng lợi thực hiện Nghị quyết số 27./.
Lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó xác định các mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện…