Tin tức - sự kiện

Nữ tiến sĩ gốc Việt mở hướng ứng dụng điều trị ung thư tại Singapore

2024-12-21 12:16:55
Tiến sĩ gốc Việt được vinh danh tại Australia trong lĩnh vực nghiên cứu về sa sút trí tuệ
Nữ tiến sĩ gốc Việt nghiên cứu trị bệnh bằng tơ tằm
Lê Anh Phương trong ngày tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, tháng 6/2016 (Ảnh:NVCC)

Lê Anh Phương sinh ra, lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện là nghiên cứu sinh Viện Cơ Sinh học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Vốn mê nghiên cứu khoa học cơ bản về tế bào, cô đi tìm hướng mới cho nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Quá trình điều hòa chu trình tế bào chết đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và tìm ra các phương pháp điều trị ung thư. Làm thế nào để điều hòa chu trình tế bào chết trong cân bằng nội mô vẫn luôn là vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu.

Thay vì tìm các con đường tín hiệu hóa học để điều hòa chu trình tế bào chết, tiến sĩ Phương tìm cách nghiên cứu tính chất vật lý của sự kết dính tế bào và khung xương tế bào thay đổi như thế nào để chu trình chết của tế bào không làm tổn thương mô.

Biểu mô có nhiệm vụ trao đổi chất và bảo vệ cơ thể khỏi các xâm lấn từ môi trường như phóng xạ, vi sinh vật gây bệnh. Các tế bào biểu mô phải tiếp xúc với những ảnh hưởng vật lý, hóa học từ môi trường, nên nhanh chóng chết đi, khiến các tế bào xung quanh phải phân chia để tạo biểu mô mới, phát ra tín hiệu để loại bỏ một số tế bào cũ, đảm bảo số lượng tế bào luôn ở mức cân bằng và giữ cấu trúc biểu mô ổn định. Đây chính là quy trình cân bằng nội mô. Ngược lại nếu mất đi sự cân bằng này, nhiều tế bào phân chia mà không có tế bào chết, dễ dàng phát sinh khối u.

Nghiên cứu của tiến sĩ Phương chỉ ra, tế bào khi đi vào chu trình chết, sẽ mất tính kết dính với các tế bào xung quanh và có thể để lại vết thương trên biểu mô. Khi đó các tế bào xung quanh phải thay đổi khung xương để nhanh chóng đạt được trạng thái kết dính ban đầu, làm cân bằng nội mô, hạn chế xuất hiện khối u gây ung thư.

Lê Anh Phương chia sẻ: "Các kết quả nghiên cứu về sự kết dính tế bào và khung xương tế bào sẽ mở ra nhiều hướng ứng dụng trong chế tạo thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh ung thư". Các kết quả nghiên cứu này đang trong quá trình xét duyệt trên tạp chí khoa học quốc tế NCBI.

Dường như tiến sĩ Phương có duyên với các nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc của căn bệnh ung thư. Từ năm 2013, khi đó mới là sinh viên năm thứ 4 chị bắt tay nghiên cứu và phát hiện ra chất chỉ dấu ung thư đặc hiệu cho bướu diệp thể ở vú. Khi đó các nghiên cứu về bướu diệp thể ở vú, tác nhân gây ung thư vú còn rất ít, chưa có chất chỉ dấu đặc hiệu cho loại bệnh này. Phát hiện này giúp chị đạt giải Nhì thuyết trình khoa học tại Hội thảo Sinh viên Quốc tế về Khoa học Y Sinh (ISCOMS) ở Hà Lan. Nhờ kết quả nghiên cứu xuất sắc và đạt học bổng của trường, cô được học thẳng lên tiến sĩ, trở thành nghiên cứu sinh Viện Cơ Sinh học, NUS.

"Tôi luôn thích nghiên cứu khoa học cơ bản về tế bào, vì tế bào là đơn vị của sự sống. Có 30 nghìn tỷ tế bào trên cơ thể người. Làm sao để từng tế bào hoạt động độc lập liên kết với nhau, tạo thành các cơ quan với chức năng riêng và tạo thành cơ thể sống; các nguyên tắc nào đảm bảo cho điều đó và bị phá vỡ ra sao trong bệnh ung thư... là những câu hỏi mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng muốn giải đáp theo hướng đi của mình", tiến sĩ Phương giải thích cho việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về căn bệnh ung thư, phải hiểu về nguồn gốc của ung thư, đó là tế bào.

Cô cho rằng khi một câu hỏi được giải đáp thì các kết quả sẽ mở ra nhiều hướng ứng dụng cho việc chế tạo thuốc, phương pháp điều trị cũng như các phương pháp phục vụ cho cuộc sống con người. Điển hình như kết quả về việc tại sao T-cell không thể nhận biết được tế bào ung thư đã dẫn tới việc phát triển liệu pháp miễn dịch (Nobel 2018).

Sắp tới, cô sẽ mở rộng nghiên cứu lên quá trình xâm lấn (khi nội môi bị mất cân bằng) và sự tương tác của tế bào ung thư với môi trường trên mô hình 3D, dựa trên cơ sở nghiên cứu về quy trình tế bào chết trong cân bằng nội mô.

TS Lê Anh Phương tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật y sinh (Biomedical Engineering) tại Viện Cơ Sinh học, Đại học Quốc gia Singapore. Các nghiên cứu của Lê Anh Phương thực hiện chủ yếu về tầm quan trọng của quy trình tế bào chết trong cân bằng nội môi của tế bào biểu mô. Hiện cô là nghiên cứu viên tại Viện Cơ Sinh học, Đại học Quốc gia Singapore; Trưởng ban Khoa học của Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam.

Giáo sư gốc Việt phát minh tai nghe không dây giúp điều trị các vấn đề về giấc ngủ con người

Giáo sư Vũ Ngọc Tâm một giáo sư trẻ người Việt Nam, hiện đang làm việc tại Khoa Khoa học Máy tính, trường Đại học ...

Giáo sư gốc Việt đầu tiên được công nhận là viện sĩ Viện Hàn Lâm Australia

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc bởi những đóng góp ...

Bác sĩ Pháp gốc Việt đem bài học về lòng tử tế giúp đỡ hơn 200 trẻ em nghèo tại Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, tổ chức từ thiện mang tên "Nhà Xuân" được thành lập do bác sĩ người Pháp gốc Việt - Trần Tiễn Chánh ...

Top