TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

Bài 4: Những công trình kết nối tình hữu nghị

2024-12-20 20:29:42

Mỗi lần trở về Quảng Trị, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Trung đoàn Công binh 515 - đơn vị trực tiếp thi công đường Đông Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt - luôn dành thời gian đến bia lưu niệm “Đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cuba” được xây dựng lại khang trang, bề thế vào cuối năm 2020 do ông và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thực hiện. Ông luôn tâm nguyện nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ nhắc nhở thế hệ trẻ về sự ra đời của đoạn đường lịch sử, thắm tình hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, năm 1967, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, một đoàn cán bộ Cuba được cử sang Việt Nam, bí mật vào Trường Sơn để khảo sát nghiên cứu thực địa tuyến chi viện chiến lược này. Đoàn cán bộ quân sự của bạn phải lấy danh nghĩa là chuyên gia nông nghiệp và mang tên Gia đình Lê để giữ bí mật. Được tận mắt chứng kiến những người lính Trường Sơn “xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”, các bạn Cuba vô cùng khâm phục.

Sau ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, bộ đội Trường Sơn được giao nhiệm vụ nhanh chóng nâng cấp các tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn, gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Đây là những tuyến đường quân sự do hoàn cảnh nên trước kia phải làm gấp, nay làm đường cơ bản đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Yêu cầu này là một thách thức lớn đối với bộ đội Trường Sơn. Mặc dù, Bộ Giao thông vận tải đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật vào hỗ trợ Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhưng do thiếu cả kỹ thuật lẫn thiết bị nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ”, ông Anh Tuấn bộc bạch.

May mắn sau chuyến thăm Việt Nam và trực tiếp đến vùng giải phóng Quảng Trị của Chủ tịch Fidel Castro, Chính phủ Cuba đã tặng bộ đội Trường Sơn một dàn xe, máy làm đường hiện đại, đồng bộ với tổng giá trị 6 triệu USD; đồng thời cử một lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao sang giúp bộ đội ta làm đường. “Các thiết bị làm đường đều là những máy móc hiện đại được Cuba mua của Nhật Bản như: máy xúc, máy ủi KOMASU, xe ben NISAN, máy san, lu, thiết bị trải bê tông nhựa… Ngoài ra, còn có hai xe (phòng) thí nghiệm di động (xe HINO) với trang thiết bị rất hiện đại theo quy trình AAHTO, tiêu chuẩn Mỹ (quy trình này phải đến năm 1990 mới bắt đầu áp dụng phổ cập ở Việt Nam)”, ông Anh Tuấn nhớ lại.

Để có thể sử dụng được các máy móc, thiết bị hiện đại và áp dụng được quy trình, kỹ thuật thi công mới, cuối năm 1973, Cục Công binh Trường Sơn cử một đoàn cán bộ kỹ thuật gồm 40 cán bộ, kỹ sư, thợ máy... sang Cuba học tập, thực tập trong thời gian 6 tháng. Cùng với đội ngũ chuyên gia Cuba, đây là lực lượng hạt nhân của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai xây dựng đường cơ bản Đông Trường Sơn. Để giữ bí mật, đoàn mang tên thực tập sinh Hà Nam Ninh trước khi bay sang nước bạn.

Ngày 30/12/1973, từ Gia Lâm đoàn xuất phát bay sang Liên Xô, sau đó mới bay tiếp sang Cuba (có ghé lại Maroc) để cuối cùng tập trung tại trường đào tạo của Cục Công binh quân đội Cuba. Được trang bị nhiều xe, máy hiện đại và được chuyên gia Cuba hướng dẫn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 515 dần dần sử dụng thành thạo các trang thiết bị và làm quen với kỹ thuật làm đường tiên tiến.

Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Từ chiến trường, bộ đội Trường Sơn tiến tới những công trường, tham gia xây dựng kinh tế. Với chủ trương đó, sau ngày 30/4/1975, Trung đoàn 515 tiếp tục làm nhiệm vụ bảo dưỡng mặt đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh và tham gia làm đường 14 quãng từ Đakrông vào Bù Lạch (Tây Nam Thừa Thiên-Huế) có chiều dài hơn 100 km (với 40 chiếc cầu, 326 chiếc cống, 664 m tường chắn chống sụt lở, 10.719 m rãnh xây, 550 biển báo, 26.390 cọc tiêu) theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi.

Theo Đại tá Đỗ Văn Thái, nguyên cán bộ Đại đội Sản xuất vật liệu để làm đường Hồ Chí Minh thời điểm này, khoảng 1 km đầu cầu Đakrông do chuyên gia Cuba trực tiếp rải nhựa bằng phương pháp dăm đen (trộn nhựa đường với đá dăm từ một vị trí khác rồi dùng xe ben chở tới rải thảm mặt đường) - là phương pháp rải nhựa hiện đại tương tự như rải bê tông Aphan hiện nay. Đây được xem là một trong những sản phẩm đầu tiên của bộ đội Trường Sơn trên mặt trận xây dựng kinh tế sau chiến tranh. Hoàn thành những tuyến đường chất lượng cao này có sự viện trợ, giúp đỡ tận tình, hiệu quả của Cuba.

Vậy là liên tục 3 năm tiếp theo, các chuyên gia của Cuba lại kề vai sát cánh với những người lính Trường Sơn, chịu đựng điều kiện khí hậu của miền Trung vô cùng khắc nghiệt và những vất vả, thiếu thốn của đất nước, quân đội thời hậu chiến để những cung “đường lửa” thời chiến tranh được mở rộng, nâng cấp, vươn xa.

Cùng với tuyến đường 14, cầu treo Đakrông cũng là công trình mang dấu ấn Cuba trên đất Quảng Trị.

Trước đây, cầu Đakrông được làm bằng sắt bắc qua sông Đakrông để nối đường 14 với đường 9, khơi thông tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới (Thừa Thiên – Huế) vào tiếp các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước. Đây là tuyến đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với tầm quan trọng của cây cầu này, sau ngày đất nước thống nhất, Chính phủ Cuba đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng một chiếc cầu treo hiện đại dài 100 m, rộng 6 m thay cho cầu sắt cũ.

Lúc bấy giờ do Trung đoàn 99 và Trung đoàn 509 thi công. Tuy nhiên, đến năm 1999, thời gian sử dụng lâu và sự tàn phá của trận mưa lũ lịch sử khiến cây cầu này bị sập. Năm 2000, một lần nữa được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ Cuba và các bộ, ngành trung ương, cầu Đakrông được hoàn thành, trở thành cây cầu dây văng hiện đại lần đầu tiên do kỹ sư Việt Nam thiết kế, xây dựng.

Cây cầu treo duyên dáng bắc qua sông Đakrông là điểm kết nối quan trọng tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 9 – Quốc lộ 14A vào một số tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (tuyến trục dọc xuyên Việt có chiều dài sau Quốc lộ 1). Đồng thời, kết nối Quốc lộ 15D với Cửa khẩu quốc tế La Lay qua Quốc lộ 15 A của Lào (được đưa vào sử dụng năm 2012) đã rút ngắn cự ly vận chuyển từ các tỉnh Nam Lào về miền Trung Việt Nam cả đi lẫn về 914 km.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị Trần Hữu Hùng, hiện nay, cầu treo Đakrông nằm trên tuyến vận chuyển đường bộ xuyên biên giới thuận lợi xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và ngược lại.

Đồng thời, đây cũng là tuyến đường dân sinh thiết yếu, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều 6 xã của huyện miền núi nghèo Đakrông với bên ngoài, góp phần thu hẹp khoảng cách cuộc sống của những bản làng biên giới với vùng đồng bằng Quảng Trị.

Cây cầu treo Đakrông như một nét chấm phá trong bức họa thiên nhiên kỳ vĩ ở Quảng Trị. Cây cầu thuộc quần thể Khu di tích lịch sử danh thắng Đakrông - một điểm đến quen thuộc được du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Chúng tôi may mắn có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn chuyên gia cao cấp của Viện quy hoạch Cuba Abelaro Perez Ayllo khi ông sang hỗ trợ tỉnh Quảng Trị lập quy hoạch đảo Cồn Cỏ trở thành du lịch vào năm 2006. Lúc đó, chúng tôi gọi ông bằng cái tên Việt Nam là Hùng (được Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh đặt). Ông rất thích cái tên này vì biết được ý nghĩa của nó là “anh hùng”. “Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến quê hương các bạn. Nhưng cái tên Quảng Trị và Việt Nam từ lâu đã trở thành tên gọi thân thương đối với đất nước Cuba”, ông Abelaro Perez Ayllo chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Nói về lý do chọn và mời chuyên gia Cuba hỗ trợ quy hoạch đảo Cồn Cỏ, nguyên Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh nhớ lại: Thời điểm cuối năm 2004 đầu năm 2005, huyện đảo Cồn Cỏ quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội. Quá trình đi vào thực tế khảo sát, lãnh đạo huyện và tỉnh lúc bấy giờ cùng chung ý tưởng cần có một quy hoạch du lịch mang tính bền vững, có tầm nhìn lâu dài.

Sau khi hình thành được ý tưởng mời chuyên gia, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với một số bộ, ngành liên quan, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba và thống nhất văn bản gửi Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam hỗ trợ. Phấn khởi là ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của tỉnh, Chính phủ Cuba cử chuyên gia là ông Abelaro Perez Ayllo sang hỗ trợ địa phương rất nhanh.

“Ông Abelaro Perez Ayllo có 32 năm trong nghề quy hoạch đô thị và trên 20 năm quy hoạch biển, đảo phục vụ cho du lịch. Là một chuyên gia cao cấp nhưng ông rất thân thiện, giản dị, thích nghi nhanh chóng với điều kiện sống lúc bấy giờ trên đảo. Gần 3 tháng làm việc ở đảo, ông Abelaro Perez Ayllo không có lương. Tôi còn nhớ khi gặp mặt, lãnh đạo huyện có hỗ trợ 10 triệu đồng để ông trang trải sinh hoạt cá nhân nhưng đến ngày về, Abelaro Perez Ayllo trả lại đúng số tiền mà lãnh đạo huyện giao trước đó. Điều này khiến chúng tôi lặng người vì xúc động”, nguyên Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh chia sẻ.

Chúng tôi vẫn còn nhớ nguyên vẹn cuộc trao đổi với ông Abelaro Perez Ayllo khi hỏi ông về ý tưởng quy hoạch đảo Cồn Cỏ theo hướng bền vững. Abelaro Perez Ayllo khẳng định: “Một trong những xu hướng chung của khách du lịch trên thế giới là tiếp cận với thiên nhiên, vì thế quá trình quy hoạch phải hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Trong quy hoạch đảo Cồn Cỏ, tôi tranh thủ tối đa thảm thực vật trên đảo, đồng thời cố gắng giữ lại địa thế, địa hình của đảo. Theo quy hoạch này, diện tích đảo dành cho du lịch là 40 ha, hạ tầng dịch vụ được thiết kế đồng bộ, hiện đại nhưng phải hài hòa với cảnh quan trên đảo”.

Đến bây giờ, ý tưởng quy hoạch của ông vẫn còn giá trị và được lãnh đạo huyện đảo qua các thời kỳ tuân thủ, vận dụng linh hoạt vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở hòn đảo tiền tiêu này.

Đó là xây dựng đảo Cồn Cỏ không có tiếng ồn (chỉ sử dụng xe điện cho hoạt động du lịch); không nhà cao tầng (cao không quá 3 tầng, không xây dựng nhà kiên cố dọc theo các trục đường chính); giữ gìn môi trường xanh, sạch (sau trận bão năm 2013, nhiều diện tích cây xanh trên đảo bị phá hủy thì những năm qua, huyện đảo đã cố gắng phục hồi, gây dựng lại những cánh rừng, trồng thêm cây để trả lại màu xanh cho đảo).

Bên cạnh đó, một số ý tưởng khác như xây dựng kè, bố trí ngầm đường dây điện khi làm đường giao thông; lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân trên đảo; hạn chế tác động của con người vào thiên nhiên, nhất là thảm thực vật, rừng, biển của chuyên gia Cuba được áp dụng hiệu quả.

Cồn Cỏ nay đã trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Quảng Trị. Hòn đảo này trở thành điểm đến hấp dẫn, đón hàng ngàn khách du lịch mỗi năm đến khám phá và trải nghiệm.

LÂM THANH - PHƯƠNG MINH - HOÀI HƯƠNG - TÚ LINH

ẢNH VÀ VIDEO: LÂM THANH-TRẦN TUYỀN-LÊ TRƯỜNG-ĐỨC VIỆT

TRÌNH BÀY: HOÀI NAM

Theo báo Quảng Trị

https://baoquangtri.vn/chinh-tri/moi-quan-he-huu-nghi-hop-tac-viet-nam-cuba-bai-4-nhung-cong-trinh-ket-noi-tinh-huu-nghi/177516.htm

Top