Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ban đầu, khi Quốc hội xin ý kiến về 2 phương án trong dự thảo luận, các đại biểu Quốc hội có thể chưa rõ nên biểu quyết chưa chính xác. Sau khi họp tổ giải thích rõ hơn việc lấy ý kiến này, với mục đích là tăng nặng hơn chế tài với những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, các đại biểu đã đồng tình cao.
Vào phiên họp buổi sáng 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 408 trong tổng số 450 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành (đạt tỷ lệ 84,3%). Trong đó, quy định tại Khoản 6, Điều 5 cấm "Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, đã được Quốc hội biểu quyết riêng với tỷ lệ 77,2% số đại biểu có mặt tán thành.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, cho biết: Luật này liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hàng không...
"Bản thân tôi mong muốn có quy định đã uống rượu, bia là không lái xe. Qua quá trình tiếp thu, lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mong muốn dự Luật này thể hiện quyết tâm như vậy. Tôi thấy quyết tâm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra chính là nhờ tác động của báo chí", ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Liên quan đến chế tài xử phạt sau khi Luật này có hiệu lực, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trong Nghị quyết cuối kỳ họp đã nêu rất rõ "giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó nâng chế tài xử phạt nghiêm việc sử dụng ma túy, rượu bia, chất kích thích khác khi tham gia giao thông".
“Chắc chắn Chính phủ sẽ sửa đổi quy định theo hướng tăng hình phạt. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của cả Quốc hội và Chính phủ”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức liên quan đến kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội về việc kéo dài thời gian dành cho chất vấn tường thuật trực tiếp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Ngay cuối kỳ họp, chúng tôi đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu đóng góp, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Nếu đại biểu Quốc hội đồng thuận với thời lượng như hiện nay thì vẫn giữ, nếu đại biểu muốn kéo dài ra thì kỳ họp sau sẽ xem xét".
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, quan trọng nhất là chất lượng câu hỏi và trả lời của các Bộ trưởng. Kỳ họp này Chủ tịch Quốc hội đánh giá phần chất vấn tốt, câu hỏi ngắn gọn, hạn chế việc tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với nhau, tập trung cho việc tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với người trả lời chất vấn vào những nội dung chưa rõ. Nhờ đó, tăng số người hỏi lên và dành nhiều thời gian cho trả lời, đúng với quy chế giám sát.
Sau 20 ngày làm việc (từ ngày 20/5 đến 14/6/2019) với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 Luật, 10 Nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án Luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác...
Nguồn bài viết : Quay số